Điều chỉnh quy hoạch chi tiết cảng cửa ngõ Lạch Huyện

17/09/19 9:14 AM

Sorry, this entry is only available in Tiếng Việt.

Đề án quy hoạch cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng (Lạch Huyện) sẽ được điều chỉnh phù hợp với nhu cầu thực tiễn…

Quy hoạch chi tiết khu bến cảng Lạch Huyện đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 có nhiều sự điều chỉnh mới về lộ trình phát triển cầu cảng và các bến chức năng

Điều chỉnh quy hoạch để đáp ứng yêu cầu mới

Đại diện Cục Hàng hải VN cho biết, quy hoạch chi tiết cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng giai đoạn đến năm 2020 định hướng đến năm 2030 được Bộ trưởng Bộ GTVT phê duyệt tại Quyết định số 501/2008. Sau đó, năm 2014, Bộ trưởng Bộ GTVT phê duyệt điều chỉnh chi tiết khu bến cảng Lạch Huyện thuộc cảng biển Hải Phòng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 tại Quyết định số 2973.

Theo đó, khu bến cảng Lạch Huyện được phát triển gồm 2 phần: Khu bến thương mại Lạch Huyện (khu bến chính) gồm các bến tổng hợp, bến container tiếp nhận tàu container có sức chở 6.000 – 8.000 Teus và tàu tổng hợp tải trọng 50.000 – 100.000 DWT và khu bến tổng hợp chuyên dùng Yên Hưng (Quảng Ninh).

“Cơ sở của quy hoạch này là 2 quy hoạch cấp cao: Quy hoạch phát triển cảng biển Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2009 và quy hoạch chi tiết nhóm cảng phía Bắc (Nhóm 1) được Bộ GTVT phê duyệt năm 2011.

Tuy vậy, thời điểm hiện tại, các quy hoạch trên đã có sự điều chỉnh và có những quy hoạch chi tiết khác liên quan. Do vậy, thực hiện chỉ đạo của Bộ GTVT, Cục Hàng hải VN đã phối hợp với đơn vị tư vấn rà soát, điều chỉnh quy hoạch khu bến cảng Lạch Huyện nhằm đáp ứng được yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới”, đại diện Cục Hàng hải cho hay.

Nhiều thay đổi so với quy hoạch cũ

Theo báo cáo rà soát, điều chỉnh quy hoạch chi tiết khu bến cảng Lạch Huyện đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 được Cục Hàng hải VN công bố mới đây, một số thay đổi lớn được đề án mới cập nhật như: quy mô khu bến thương mại Lạch Huyện thay vì gộp chung mục tiêu phát triển 6 bến container, 3 bến tổng hợp giai đoạn đến năm 2020, 17 bến container và 7 bến tổng hợp đến năm 2030 thì đã được xây dựng lộ trình cụ thể hơn.

Trong đó, giai đoạn đến năm 2025, bến thương mại Lạch Huyện sẽ có 5 – 6 bến container và 2 bến tổng hợp, 2 bến hàng lỏng cho tàu trọng tải 50.000 DWT. Đến năm 2030, có thêm 12-13 bến container, 5 bến tổng hợp và 4 bến hàng lỏng.

Khu bến thượng lưu khu hành chính cảng trong quy hoạch trước đây chưa nghiên cứu khu bến này. Trong quy hoạch nhóm xác định đây là khu bến phục vụ du lịch và bến hàng hóa cho tàu từ 10.000 – 20.000 DWT. Nghiên cứu lần này có cập nhật các quy hoạch mới nhất và đề xuất hướng phát triển phù hợp.

Khu bến hàng lỏng trước đây được bố trí tại khu vực đảo Quả Muỗm. Tuy nhiên, tại quy hoạch điều chỉnh đề xuất xây dựng tại đảo Cái Tráp (hòn đảo nằm giữa kênh Cái Tráp và kênh Hà Nam) do vị trí này hợp lý hơn với hàng lỏng xét cả về mặt quy hoạch, chi phí xây dựng và môi trường.

Bên cạnh đó, khu vực Yên Hưng – sông Chanh thay vì gộp chung quy hoạch sẽ được tách thành hai phần: các bến cảng tổng hợp tại khu vực bờ phải sông Chanh phục vụ phát triển kinh tế vùng, cỡ tàu lớn nhất là 50.000 DWT, năng lực hàng hóa thông qua đạt 6 – 7 triệu tấn/năm vào năm 2025 và 9 – 11 triệu tấn/năm vào năm 2030. Các khu bến còn lại tại KCN Tiền Phong, đầm nhà Mạc là các bến tổng hợp sẽ được hình thành theo nhu cầu của các KCN sau cảng.

Tại báo cáo rà soát, điều chỉnh quy hoạch chi tiết Khu bến cảng Lạch Huyện, đơn vị tư vấn cũng kiến nghị cơ quan chức năng nên tách quy hoạch khu bến Yên Hưng – sông Chanh ra khỏi quy hoạch này vì theo quyết định phê duyệt chi tiết quy hoạch nhóm cảng biển 1, khu bến Yên Hưng thuộc cảng biển Quảng Ninh, cảng Lạch Huyện thuộc cảng biển Hải Phòng. Do vậy, thời điểm này nhập vào quy hoạch Lạch Huyện không còn phù hợp, dễ dẫn đến sự chồng chéo.

Trước đó, tháng 5/2018, 2 cầu cảng giai đoạn khởi động của bến cảng Lạch Huyện đã đưa vào khai thác. Tuy nhiên, theo thống kê của Cục Hàng hải VN, lượng hàng hóa thông qua 2 cầu cảng này còn thấp, từ thời điểm 13/5 – 31/12/2018, sản lượng thông qua chỉ đạt 65.387Teus (khoảng 6% công suất).

Báo Giao thông