Nguyên nhân chính dẫn đến tăng giá cước vận tải biển là tình trạng tắc nghẽn tại các cảng lớn trên thế giới. Ngoài ra là cuộc khủng hoảng hàng hải ở Biển Đỏ.
Giá cước vận chuyển container từ châu Á đến Bờ Tây của Mỹ đang ở mức cao nhất trong năm với gần 8.000 đô la Mỹ cho mỗi container 40 feet (TEU). Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến sự tăng giá cước vận tải biển là tình trạng tắc nghẽn tại các cảng lớn trên thế giới. Ngoài ra, cuộc khủng hoảng hàng hải ở Biển Đỏ cũng góp phần làm tăng giá cước.
Dù có dấu hiệu thị trường đang hạ nhiệt, tuy nhiên nhiều dự báo cũng tỏ ra thận trọng với những biến động giá cước vận tải biển trong nửa cuối năm nay. Vì vậy, nhiều doanh nghiệp logistics cho biết sẽ chủ động chia sẻ với khách hàng.
Theo các doanh nghiệp logistics, trong bối cảnh căng thẳng hiện nay, các hãng tàu sẽ tăng thêm nhiều chi phí. Các chi phí này nhằm tăng cường phần bảo hiểm cho rủi ro khi đi qua khu vực có chiến tranh, chi phí bảo hiểm và đặc biệt là tiền công cho thủy thủ đoàn phục vụ.
Ông Lê Quang Trung – Phó Tổng giám đốc VIMC, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistic Việt Nam cho biết: “Phối hợp giữa nhà sản xuất, giữa người bán hàng, người mua hàng, phối hợp giữa các nhà xuất nhập khẩu và đặc biệt cần sự đồng hành phối hợp của các nhà vận tải, khai thác cảng biển và khai thác tàu biển để thu xếp được kế hoạch giao hàng được điều chỉnh cho phù hợp cũng như thu xếp vỏ container, vỏ container rỗng”.
Giá cước vận tải đã tăng mạnh trong 6 tháng đầu năm, giúp các hãng tàu ghi nhận lợi nhuận kỷ lục. Thời gian qua, các hãng vận tải lớn như Maerskm Hapag-Lloyd cũng đã nâng dự báo lợi nhuận do nhu cầu mạnh mẽ và giá cước cao hơn.
Về lâu dài nhiều doanh nghiệp logistics cho rằng cơ quan chức năng cần bổ sung phụ thu ngoài giá dịch vụ vận chuyển hàng hóa container bằng đường biển vào danh mục hàng hóa, dịch vụ thuộc diện kê khai giá.
Ông Nhữ Đình Thiện – Phó Tổng thư ký- Hiệp hội Đại lý, Môi giới và Dịch vụ Hàng hải Việt Nam cho hay: “Trong thông lệ một số nước, hãng tàu có thảo luận với Hiệp hội chủ hàng, cơ quan quản lý Nhà nước nhưng Việt Nam hầu như thả nổi. Cũng là muốn đề xuất cho các cơ quan quản lý Nhà nước quản lý được hoạt động của các hãng tàu ở Việt Nam, đặc biệt là quản lý những phần họ thu tại Việt Nam”.
Hiện nay, trên các tuyến đường vận tải từ Đông sang Tây đã ghi nhận mức giảm 1% đến 4% trong tuần trước. Tuy vẫn còn ở mức rất cao, nhưng sự sụt giảm này có thể báo hiệu rằng áp lực lên giá cước đã qua mức đỉnh điểm.
VTV