Điểm yếu của nhân sự logistics là chưa được đào tạo sát và chưa bổ sung kiến thức ngành. Bên cạnh đó, tiếng Anh chuyên ngành cũng là điểm yếu của nhân sự, doanh nghiệp (DN) khi tuyển người đa phần đều phải đào tạo lại.
Thiếu và yếu
Theo Hiệp hội DN Dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA), giai đoạn 2017 – 2020, ngành logistics Việt Nam cần thêm khoảng 200.000 lao động chất lượng cao, có trình độ chuyên môn, kỹ năng và trình độ tiếng Anh. Đến năm 2030, con số là 2 triệu lao động từ cao cấp đến phổ thông, có trình độ chuyên môn, ICT, tiếng Anh để đáp ứng yêu cầu trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0. Con số này chỉ có được nếu có sự “bắt tay” mạnh hơn giữa DN và nhà trường.
Việt Nam có khoảng 3.000 DN logistics, trong đó, 54% đang hoạt động tại TP. Hồ Chí Minh và nguồn nhân lực hiện tại chỉ đáp ứng 10% nhu cầu của ngành. Có đến 70% DN gặp khó khăn trong việc tìm kiếm nguồn nhân lực logistics, từ nhân sự quản lý cấp cao đến lao động phổ thông. Trong khi đó, các trường dạy nghề thường gặp thách thức trong việc đáp ứng trình độ kỹ năng của sinh viên tốt nghiệp so với nhu cầu thực tế của DN, dẫn tới tình trạng thiếu hụt kỹ năng của thị trường lao động. Do đó, sinh viên tốt nghiệp được sắp xếp vào những vị trí tay nghề thấp với mức lương khiêm tốn, trong khi các nhà tuyển dụng phải đầu tư đào tạo lại nhân viên. Ông Lê Duy Hiệp – Chủ tịch VLA – cho hay: Với xu thế tự động hóa và thương mại điện tử đang tác động mạnh mẽ tới hệ sinh thái của ngành logistics, việc đào tạo kỹ năng cho lực lượng lao động hiện có để bắt kịp tiến bộ công nghệ, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành logistics là hoạt động quan trọng hàng đầu. Tuy nhiên, đây là điều các cơ sở đào tạo còn yếu.
Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, ông Trần Thanh Hải – Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) – chia sẻ, Việt Nam đang có 15 cơ sở đào tạo về chuyên ngành logistics hoặc gần chuyên ngành logistics ở cấp đại học, sau đại học và cơ sở dạy nghề về logistics. Tuy vậy, lực lượng giảng viên vẫn đang thiếu và mỏng nên chủ yếu là các chuyên gia từ ngành khác sang giảng dạy, khiến kiến thức truyền tải chưa nhiều.
“Bắt tay” đào tạo
Bên cạnh điểm yếu, điểm mạnh của nhân sự trong ngành logistics là thế hệ trẻ, năng động nên khả năng tiếp cận công nghệ mới nhanh. Để phát huy lợi thế, cần có sự phối hợp giữa các DN và cơ sở đào tạo.
Ông Đào Trọng Khoa – Phó Chủ tịch VLA – nhận định, các trường, cơ sở đào tạo có thể học hỏi những chương trình đào tạo kép giống như ngành logistics ở Đức đang làm và rất thành công. Cụ thể, từ năm học thứ ba, sinh viên sẽ được sắp xếp mỗi tuần ba buổi làm việc tại DN. Quá trình cọ xát thực tế này kéo dài liên tục trong 2 – 3 năm. Từ đó, sinh viên sẽ nắm bắt được tốt các kiến thức chuyên ngành, phục vụ cho công việc sau này.
Ông Trần Thanh Hải chia sẻ thêm, nên đề cao giáo dục nghề nghiệp do các trường nghề thực hiện trong thời gian ngắn, khoảng 6 tháng đến một năm, để học viên khi ra trường có thể làm việc ngay tại các trung tâm hoặc công ty logistics. Khi hướng nghiệp, không nên chỉ chú trọng đào tạo đại học, vì xã hội đang có nhu cầu lớn đối với đào tạo nghề.
Về phía Bộ Công Thương, thời gian qua, đã phối hợp với Mạng lưới đào tạo logistics tổ chức một số hoạt động, điển hình nhất là cuộc thi “Tài năng trẻ logistics Việt Nam 2018 – Vietnam Young Logistics Talents 2018”, gần đây là Tọa đàm Khởi nghiệp cùng logistics. Đây là hoạt động dành cho sinh viên, nhằm giúp lớp trẻ định hướng đúng đắn với ngành logistics và khơi dậy niềm đam mê đối với ngành logistics, đồng thời có định hướng nghề nghiệp. Đây là cơ hội cho các DN có thể phát hiện, tìm kiếm được tài năng để tuyển dụng.
Trong nhiều năm qua, việc hợp tác đào tạo giữa Tổng công ty Hàng hải Việt Nam với Trường Đại học Hàng hải Việt Nam là một phần không thể thiếu trong chiến lược đào tạo, phát triển nguồn lực cho ngành hàng hải. Chương trình hợp tác giữa hai bên là cầu nối cho công tác đào tạo kết hợp giữa lý thuyết và thực hành, giữa nhà trường với doanh nghiệp, là cơ hội để các sinh viên của trường đến thực tập trên các tàu hay được tiếp cận với công việc thực tế tại các doanh nghiệp vận tải, cảng biển, logistics của Tổng công ty. Đây cũng là cơ hội để đội ngũ cán bộ quản lý, sỹ quan thuyền viên thuộc Tổng công ty được tiếp thu, cập nhật những kiến thức chuyên môn mới trong ngành từ nhà trường cũng như công tác nghiên cứu khoa học, ứng dụng và chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực hàng hải.
Báo Công thương