Doanh nghiệp vận tải biển: Tiêm vaccine cho thuyền viên là yêu cầu cấp bách

21/06/21 7:25 AM

Sorry, this entry is only available in Tiếng Việt.

Do hoạt động trong lĩnh vực đặc thù, thường xuyên di chuyển giữa các nước, thậm chí là vùng dịch, nhiều doanh nghiệp vận tải biển mong muốn được tiêm vaccine cho thuyền viên nhưng chưa thể thực hiện.

Doanh nghiệp vận tải biển: Tiêm vaccine cho thuyền viên là yêu cầu cấp bách

Thuyền viên được thay thế tại Cảng Quảng Ninh

Theo thống kê của Tổ chức Lao động Hàng hải quốc tế (IMO), toàn thế giới có 400.000 thuyền viên chưa được thay thế dù quá hạn hợp đồng do Covid-19. Riêng số thuyền viên Việt Nam là 2.150 người (thống kê của Cục Hàng hải Việt Nam từ năm 2020, chưa kể số lượng mới trong năm 2021).

Việc thay thế thuyền viên từ năm 2020 đến nay kể cả bằng đường hàng không hay đường biển đều hết sức khó khăn do quy định của các quốc gia về phòng, chống dịch. Hàng chục nghìn thuyền viên đã làm việc trên tàu 18 tháng. Số thuyền viên được thay thế, hồi hương từ khi bùng phát dịch đến nay chiếm tỷ lệ rất nhỏ.

Để đưa 1 thuyền viên từ nước ngoài hồi hương cần phải tìm chuyến bay hoặc tìm tàu để gửi người. Đơn vị cung ứng lao động phải trả chi phí ăn nghỉ chờ tàu. Khi thuyền viên về nước phải trả chi phí cách ly tới hơn 800.000 đồng/ngày nên doanh nghiệp càng khó khăn hơn”.

Doanh nghiệp vận tải biển: Tiêm vaccine cho thuyền viên là yêu cầu cấp bách

Thuyền viên về nước cách ly năm 2020

Trước khó khăn của doanh nghiệp và người lao động, Hiệp hội Chủ tàu Việt Nam có văn bản đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, chỉ đạo các cơ quan chức năng đưa thuyền viên vào danh sách ưu tiên tiêm chủng vaccine phòng Covid-19. Vào thời điểm này, việc tiêm vaccine Covid-19 cho thuyền viên sẽ có giá trị như “hộ chiếu vaccine” nhằm tạo điều kiện cho những con tàu đi lại thuận lợi giữa các nước, để lên bờ và thay đổi thuyền viên.

Theo lý giải của Hiệp hội Chủ tàu Việt Nam, thuyền viên là một trong những đối tượng lao động đặc thù được quy định trong Bộ luật Lao động 2019. Do đó, việc đưa thuyền viên vào danh sách ưu tiên tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 sẽ giúp hoạt động thay thế thuyền viên và kinh doanh vận tải biển diễn ra thuận tiện, duy trì lực lượng mang lại ngoại tệ lớn cho đất nước.

Doanh nghiệp vận tải biển: Tiêm vaccine cho thuyền viên là yêu cầu cấp bách

Những thuyền viên may mắn được “thay thế thành công”

Các doanh nghiệp vận tải biển đều cho rằng, việc nỗ lực đưa thuyền viên hồi hương bằng đường hàng không, đường biển chỉ là giải pháp tạm thời. Nếu tiếp tục chi trả kinh phí lớn như vậy, doanh nghiệp không thể chịu đựng được về lâu dài. Bên cạnh đó, nếu không được thay thế kịp thời thì thuyền viên làm việc liên tục trong điều kiện lao động đặc thù quá hạn sẽ dẫn đến mỏi mệt, dễ gây nguy cơ tai nạn. Các doanh nghiệp thông qua Hiệp hội Chủ tàu Việt Nam vẫn đang tiếp tục đề xuất Chính phủ có chính sách ưu tiên hỗ trợ giảm chi phí cho tàu đưa thuyền viên về nước, ưu tiên tiêm vaccine phòng Covid-19 cho thuyền viên, trước hết là thuyền viên chạy tuyến quốc tế.

Đồng ý với kiến nghị của các doanh nghiệp, Cục Hàng hải Việt Nam cũng đề xuất với Chính phủ bổ sung thêm đối tượng “thuyền viên đánh thuê” vào danh sách được tiêm vaccine Covid-19.

“Thuyền viên “đánh thuê” cũng được cấp giấy xuất khẩu lao động nước ngoài. Vì vậy, trong danh mục chi tiết các đối tượng ưu tiên tiêm vaccine, cơ quan có thẩm quyền cần quy định cụ thể thuyền viên làm việc trên tàu biển hoặc đi tàu biển nước ngoài là đối tượng được ưu tiên”, bà Nguyễn Thị Thương, Phó trưởng phòng Vận tải và Dịch vụ hàng hải, Cục Hàng hải Việt Nam cho biết.

Doanh nghiệp vận tải biển: Tiêm vaccine cho thuyền viên là yêu cầu cấp bách

Vận hành những con tàu thời đại dịch, với các doanh nghiệp là rất khó khăn

Cũng theo Hiệp hội Chủ tàu Việt Nam, với thuyền viên làm việc trên các tàu nước ngoài, nếu không được tiêm vaccine sớm, họ sẽ mất rất cơ hội việc làm và hưởng mức lương cao hơn 30 – 40% so với năm 2020.

Trước làn sóng lây nhiễm Covid-19 với biến thể mới lần này, ông Nguyễn Xuân Sang – Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam, Phó Tổng Thư ký thường trực Ban Thư ký IMO Việt Nam đã gửi thư tới Tổng Thư ký IMO đề xuất ý tưởng về việc IMO cần khuyến nghị mạnh mẽ các quốc gia thành viên đưa lực lượng thuyền viên (không kể quốc tịch) vào danh sách đối tượng ưu tiên tiêm vaccine phòng Covid-19.

Doanh nghiệp vận tải biển: Tiêm vaccine cho thuyền viên là yêu cầu cấp bách

Lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 cho thuyền viên

Đánh giá cao đề xuất từ Ban Thư ký IMO Việt Nam và một số quốc gia khác, tháng 5/2021, Ủy ban An toàn hàng hải (MSC) của IMO đã thông qua nghị quyết khuyến nghị các quốc gia thành viên, trong đó có Việt Nam ưu tiên tiêm vaccine cho các thuyền viên của mình.

Bên cạnh việc vấn đề tiêm vaccine cho thuyền viên, Cục Hàng hải cũng chỉ đạo các doanh nghiệp vận tải biển, chủ tàu cân nhắc việc ký hợp đồng, điều động tàu đến khu vực có nguy cơ lây nhiễm cao. Khi phương tiện, tàu thuyền hoạt động tại các quốc gia, vùng lãnh thổ có dịch Covid-19, thuyền trưởng không được để thuyền viên đi bờ, không để những người không có nhiệm vụ từ bờ lên tàu.

Khi phương tiện, tàu thuyền quay về Việt Nam, thuyền viên không được đi bờ. Tất cả các trường hợp thuyền viên lên bờ đều phải được sự đồng ý của cơ quan có thẩm quyền.

Doanh nghiệp vận tải biển: Tiêm vaccine cho thuyền viên là yêu cầu cấp bách

Thuyền viên được thay thế vui mừng khi về nước

Các doanh nghiệp, thuyền trưởng chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc không kiểm soát chặt chẽ, quản lý thuyền viên, người lao động trong việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 theo quy định gây lây lan dịch bệnh ra cộng đồng trong hoạt động sản xuất kinh doanh.

Theo Tổng Công đoàn quốc tế, hơn 80% thương mại thế giới được vận chuyển bằng đường biển với sự đóng góp to lớn của thủy thủ đoàn. Việc đóng cửa biên giới toàn thế giới, hạn chế đi lại và tạm dừng các chuyến bay thương mại để kiềm chế lây lan khiến cho nhiều thủy thủy đoàn không thể lên bờ. Dịch Covid-19 đang tác động nặng nề đến việc làm, thu nhập và đời sống, sức khỏe của thuyền viên.

Bên cạnh đó, do có tới 400.000 thuyền viên bị mắc kẹt nên đồng nghĩa với việc một số lượng tương đương những người không có việc làm, thu nhập./.

Cuộc sống an toàn