Các công ty vận tải biển đang tỏ ra lo lắng sau các cuộc tấn công nhằm vào hai tàu chở dầu khí gần eo biển Hormuz, nơi trung chuyển 30% sản lượng dầu toàn cầu.
“Sau hai cuộc tấn công trên, tôi vô cùng lo lắng về sự an toàn của các thủy thủ đoàn khi đi qua eo biển Hormuz”, ông Paolo d’Amico, chủ tịch hiệp hội tàu chở dầu Intertanko nói.
“Bạn phải nhớ rằng 30% dầu thô của thế giới đang đi qua eo biển này – nếu những vùng biển này trở nên nguy hiểm, nguồn cung của toàn bộ thế giới phương Tây có thể bị đe dọa”, ông nói thêm.
Hai cuộc tấn công nhằm vào tàu Front Altair của công ty Na Uy Front Line và Kokuka Courageous của công ty Nhật Bản Kokuka Sangyo. Các cuộc tấn công diễn ra ở phía đông eo biển Hormuz, một nhánh biển chia cách Iran ở phía bắc và Oman cùng Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất ở phía nam, nơi các tàu từ vùng Vịnh phải đi qua khi muốn ra biển Oman và Ấn Độ Dương.
Hoa Kỳ đã cáo buộc Iran muốn phá vỡ thị trường dầu mỏ thế giới bằng cách thực hiện những cuộc tấn công trên. Tehran đã mạnh mẽ bác bỏ những cáo buộc trên.
Ngay từ ngày 17/5, các công ty bảo hiểm hàng hải của công ty vận tải biển Lloyd’s of London đã tăng rủi ro liên quan đến vận chuyển trong vùng Vịnh sau vụ phá hoại bí ẩn của bốn tàu thương mại, trong đó có 2 tàu chở dầu ở ngoài khơi UEA.
Nhưng vụ tấn công hôm 13/6 làm tăng thêm lo lắng. “Chúng tôi kêu gọi các quốc gia làm mọi thứ có thể để giảm căng thẳng và đảm bảo việc tàu thuyền thương mại qua eo biển Hormuz an toàn”, Angus Frew, Tổng thư ký Bimco, hiệp hội các công ty vận chuyển biển hàng đầu thế giới nói.
“Sau hai cuộc tấn công mới này và trong khi chúng tôi chờ kết quả điều tra, căng thẳng ở eo biển Hormuz và vùng Vịnh đặc biệt tăng cao, ngay cả khi không có xung đột vũ trang công khai”, ông Frew nói thêm.
Tổ chức Hàng hải Quốc tế (IMO), cơ quan của Liên Hợp Quốc có trụ sở tại London chịu trách nhiệm đảm bảo sự an toàn của vận tải biển, cũng phát đi những lời kêu gọi yêu cầu các nước bình tĩnh.
Một số hãng vận tải biển đã đặc biệt sử dụng các biện pháp cẩn trọng: Mitsui OSK Lines của Nhật Bản vừa ra lệnh cho tàu của họ tránh một khu vực bán kính 12 hải lý xung quanh nơi xảy ra các vụ tấn công, theo Bloomberg.
Giá dầu đã tăng hơn 4% vào ngày 13/6. Sang ngày 14/6, giá dầu ổn định trở lại.
Các nhà phân tích nói với AFP rằng nếu eo biển Hormuz bị đóng cửa, giá dầu sẽ tăng vọt. Nhưng chừng nào tàu thuyền còn có thể lưu thông qua eo biển này, thị trường dầu mỏ rất khó dự đoán.
Petrotimes