Dịch viêm phổi cấp do virus Corona gây ra khiến nguồn thu của các DN trong lĩnh vực hàng hải bị ảnh hưởng lớn do hoạt động vận tảỉ bị ngưng trệ.
Khối DN cảng biển đang như ngồi trên lửa trước sự sụt giảm sản lượng ảnh hưởng do dịch nCoV
Hãng tàu cắt chuyến, sản lượng hàng hóa sụt giảm mạnh
Ông Phạm Hồng Mạnh, Trưởng hãng tàu T.S Lines (Hải Phòng) thông tin, trước diễn biến của tình hình dịch Corona (nCoV), từ ngày 19/1, hãng đã chủ động cắt tất cả các chuyến tàu có lịch trình vào Trung Quốc, Đài Loan.
“Trước đây một tháng, hãng có khoảng 12 – 13 tàu ghé qua Trung Quốc lấy/trả hàng, nhưng con số này trong tháng 1/2020 chỉ có 8 tàu (tính đến thời điểm cắt tàu do phát dịch), tháng 2 dự kiến chỉ có 7 tàu”, ông Mạnh nói và cho biết, triển khai cắt tàu đồng nghĩa hãng tàu phải vận chuyển hàng hóa qua bên thứ 3 đến cảng của những quốc gia khác với mức giá cao hơn để đảm bảo hợp đồng với khách hàng, chi phí phát sinh rất lớn.
Về nguồn hàng, thời gian nghỉ Tết Nguyên đán dài ngày cũng khiến lượng hàng giảm một nửa so với ngày thường, cộng thêm dịch bệnh khởi phát ngay trong dịp Tết khiến thời gian nghỉ của các đơn vị, doanh nghiệp phía Trung Quốc có thể kéo dài đến 13/2. “Thực trạng trên khiến lượng hàng tiếp tục bị tụt giảm nghiêm trọng, chỉ còn khoảng 30% so với cùng kỳ năm ngoái, hãng tàu đối mặt với tình trạng thu không đủ chi. Các chi phí vận hành tàu, thuyền viên… gần như hãng phải tự bù lỗ. Tổng thiệt hại kinh tế gần một tháng qua có thể lên đến hàng triệu USD”, ông Mạnh thông tin.
Cùng với các DN vận tải, khối DN cảng biển Việt Nam cũng đang như ngồi trên lửa trước sự sụt giảm sản lượng ảnh hưởng do dịch nCoV.
Ông Phan Tuấn Linh, TGĐ Công ty CP Cảng Quy Nhơn – một trong những đơn vị cảng có nhiều tuyến vận tải hàng hóa đi Trung Quốc cho biết, tại cảng Quy Nhơn, hầu hết các tuyến vận tải chở hàng gỗ dăm từ Bình Định đến các cảng phía Nam Trung Quốc. Tuy điểm đến cách xa vùng tâm dịch (phía Bắc Trung Quốc), song gần 20 ngày qua, tất cả các tàu đều bị kéo dài thời gian dỡ hàng xuống cảng do thời gian kiểm tra của phía Trung Quốc kéo dài hơn.
“Theo phản ánh, thời gian phát sinh khiến sản lượng chuyên chở của các tàu vận tải giảm từ 10 – 15%, kéo theo sản lượng hàng hóa thông qua cảng Quy Nhơn cũng bị giảm với tỷ lệ tương đương. Nếu thời gian trước, cảng khai thác 30/30 ngày, hiện tại số giờ làm việc của cảng chỉ còn 20 ngày. Tính trong tháng 1/2020, cảng thiếu hụt khoảng 100.000 tấn hàng so với kế hoạch đề tra”, ông Linh cho hay.
Đối với các DN xuất nhập khẩu, ông Hoàng Văn Nam, PGĐ Công ty CP Thương mại và Dịch vụ HBS Hà Nội cho biết, thời gian diễn ra dịch nCoV bùng phát vừa qua khiến các tuyến vận tải từ Trung Quốc đến Việt Nam bị ngưng trệ. Nhiều DN xuất nhập khẩu rơi vào cảnh thiếu hàng hóa, trong đó, hàng may mặc, hóa chất, máy móc là những mặt hàng bị ảnh hưởng nhiều nhất.
Chấp nhận lỗ để đảm bảo chiến lược lâu dài
Dù mức thiệt hại kinh tế gia tăng từng ngày do kế hoạch kinh doanh bị ảnh hưởng do dịch, song đại diện hãng tàu T.S Lines cho rằng, giữa tâm dịch hiện nay, hãng tàu buộc phải chấp nhận bù lỗ để đảm bảo chất lượng nguồn nhân lực. Nếu các hãng cố tình cho tàu hoạt động, chỉ một thuyền viên nhiễm nCoV, tàu sẽ bị cơ quan nước bạn giữ lại chờ phun khử trùng, cách ly, kiểm soát dịch bệnh trong tình cảnh hàng hóa không dỡ xuống được, chi phí lưu tàu tính từng ngày. Chi phí phải bỏ ra còn nhiều gấp bội.
“Hiện, tất cả thuyền viên đều được chủ tàu thông báo sử dụng các trang thiết bị y tế để phòng dịch từ xa như: Khẩu trang, găng tay y tế dùng một lần, các loại thuốc bổ sung sức đề kháng cho cơ thể để thuyền viên sử dụng thường xuyên. Hãng tàu cũng cấm toàn bộ thuyền viên không được đi bờ, phải ở trên tàu từ lúc vào đến lúc rời cảng. Tất cả những yêu cầu cần bổ sung về thực phẩm, thuốc men… đều có đại lý cung cấp trực tiếp lên tàu”, đại diện T.S Lines thông tin.
Đại diện Công ty CP Cảng Quy Nhơn cho rằng, theo chủ trương của Chính phủ, thời điểm hiện tại, các DN luôn đặt công tác phòng chống dịch nCoV lên hàng đầu.
“Riêng tại cảng Quy Nhơn, đơn vị đã thực hiện nghiêm thông báo cho Trung tâm Phòng chống dịch bệnh tỉnh Bình Định triển khai kiểm tra các tàu có kế hoạch vào cập cảng để nắm bắt tình trạng sức khỏe thuyền viên. Tàu nào có thuyền viên nghi nhiễm nCoV sẽ không được cập cảng, các cơ quan sẽ phối hợp cách ly, đảm bảo an toàn. Công nhân của cảng mỗi khi xuống làm việc dưới tàu đều được phát khẩu trang y tế, phun thuốc khử trùng”, ông Linh nói.