Hội nghị Ban Thư ký IMO mở rộng năm 2022, chào mừng Ngày thuyền viên thế giới 25/6/2022

19/06/22 7:57 AM

Sorry, this entry is only available in Tiếng Việt.

Hội nghị Ban Thư ký IMO Việt Nam mở rộng năm 2022 và phát động Tuần lễ hưởng ứng, chào mừng Ngày thuyền viên thế giới năm 2022 với chủ để “ Sẻ chia hành trình người đi biển xưa và nay”.

Toàn cảnh Hội nghị Ban thư ký IMO mở rộng năm 2022

Ngày 17 tháng 6 năm 2022, Thứ trưởng Nguyễn Xuân Sang – Tổng Thư ký IMO Việt Nam đã chủ trì Hội nghị Ban Thư ký IMO Việt Nam mở rộng năm 2022 và phát động Tuần lễ hưởng ứng, chào mừng Ngày thuyền viên thế giới năm 2022 với chủ để “ Sẻ chia hành trình người đi biển xưa và nay” tại Quảng Ninh. Tham dự Hội nghị có các thành viên BTK IMO Việt Nam là đại diện Lãnh đạo các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Giao thông vận tải cùng các cơ quan, đơn vị liên quan, Hiệp hội chủ tàu, các công ty, doanh nghiệp chủ tàu, vận tải biển và cung ứng thuyền viên cùng một số thuyền viên nữ đầu tiên của Việt Nam và thuyền viên tiêu biểu có thành tích hoàn thành nhiệm vụ xuất sắc. Đặc biệt, tại Hội nghị Ban Thư ký IMO Việt Nam mở rộng lần này, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng cũng cử đại diện Bộ đội biên phòng tỉnh Bình Thuận tham dự và nhận quà tặng dành cho chiến sỹ có thành tích dũng cảm cứu người trên biển của Tổng Thư ký Ban Thư ký IMO Việt Nam.

Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Xuân Sang – Tổng Thư ký IMO Việt Nam lên phát biểu và chỉ đạo tại Hội Nghị

Phát biểu tại buổi lễ chào mừng Ngày thuyền viên thế giới năm 2022 với chủ để “ Sẻ chia hành trình người đi biển xưa và nay”, Tổng Thư ký đã bày tỏ sự trân trọng, tri ân đối với những cống hiến, đóng góp, khơi dậy niềm tự hào nghề nghiệp của đội ngũ thuyền viên trong toàn xã hội, đồng thời phát động Tuần lễ hưởng ứng, chào mừng Ngày thuyền viên thế giới năm 2022 bắt đầu từ 17/6-25/6. Tổng Thư ký cũng nhấn mạnh “Cùng với Tổ chức Hàng hải quốc tế (IMO), Việt Nam đang từng bước hiện thực hoá việc công nhận thuyền viên là lao động chủ chốt để hành trình của mỗi người đi biển sẽ thuận lợi và tốt đẹp hơn”. Tiếp theo là bài tham luận của Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (VIMC), cánh chim đầu đàn trong các doanh nghiệp vận tải biển Việt Nam qua các thời kỳ, với chủ đề “ Nguồn nhân lực thuyền viên – Những khó khăn và thách thức đối với sự phát triển của ngành vận tải biển” đã nêu lên được những trăn trở của các chủ tàu, các doanh nghiệp vận tải biển đối với sự khan hiếm, thiếu hụt của lực lượng thuyền viên chất lượng cao ở thời điểm hiện này và thời gian sắp tới.

Để động viên, khuyến khích toàn thể đội ngũ thuyền viên Việt Nam, đặc biệt là lực lượng thuyền viên nữ theo lời phát động của Tổng Thư ký IMO. Tại Hội nghị lần này, Tổng Thư ký Ban Thư ký IMO Việt Nam đã cùng với đại diện lãnh đạo Cục Hàng hải Việt Nam và Tổng công ty Hàng hải Việt Nam trao Giấy chứng nhận khả năng chuyên môn (COC) với chức danh Sỹ quan boong cho Thuyền viên nữ đầu tiên của Việt Nam tên Lê Nguyễn Bảo Thư cùng hoa và quà tặng lưu niệm. Cùng được nhận hoa và quà lưu niệm của Ban Thư ký IMO Việt Nam lần này có thêm 03 thuyền viên nữ (cùng với Lễ Nguyễn Bảo Thư là thế hệ đầu tiên của lực lượng thuyền viên nữ Việt Nam), 06 thuyền viên nam tiêu biểu có thành tích hoàn thành nhiệm vụ xuất sắc trong thời gian qua và Trung úy Nguyễn Văn Hòa, Đội trưởng phòng chống ma túy và tội phạm thuộc Đồn biên phòng Tân Thành, Bộ đội biên phòng tỉnh Bình Thuận đã có thành tích dũng cảm cứu người bị nạn trên biển.

Tại phiên họp Ban Thư ký IMO Việt Nam mở rộng năm 2022, sau khi lắng nghe Báo cáo tổng kết, đánh giá của Ban Thư ký IMO Việt Nam giai đoạn 2020-2022 cùng các khó khăn, hạn chế và phương hướng nhiệm vụ giai đoạn tới, Thứ trưởng Nguyễn Xuân Sang đã yêu cầu từng thành viên Ban Thư ký IMO Việt Nam căn cứ vào chức năng nhiệm vụ được giao có ý kiến cụ thể đối với Báo cáo, đề xuất giải pháp khắc phục các khó khăn vướng mắc và nhiệm vụ, phương hướng trong thời gian tới. Tại nội dung này, Phó Cục trưởng Cục Hàng hải Việt nam Hoàng Hồng Giang cũng nhấn mạnh về giải pháp cần thiết tăng cường sự hiện diện và nâng cao hoạt động của Việt Nam tại Tổ chức Hàng hải quốc tế (IMO) trong thời gian tới, trong đó mỗi thành viên Ban Thư ký IMO Việt Nam phải thực sự phát huy vai trò của mình với chức năng và quyền hạn được giao để có những đóng góp ý kiến sâu sắc và chủ động hơn nữa trong việc nghiên cứu các tài liệu, văn bản, đề xuất sửa đổi của IMO nhằm bảo vệ được quyền lợi của Việt Nam và thực thi đầy đủ nghĩa vụ, trách nhiệm của quốc gia thành viên tại IMO. Phó Cục trưởng cũng đề xuất một cơ chế mở rộng cho thành phần Ban thư ký IMO Việt Nam nhằm thu hút được nhiều chuyên gia về hàng hải và nguồn lực tài chính, hướng tới phát triển hoạt động của Việt Nam tại IMO sâu và rộng hơn nữa, trong đó có việc thành lập các tiểu ban trong Ban Thư ký IMO Việt Nam để có được sự phân công nhiệm vụ rõ ràng và nghiên cứu chuyên sâu hơn nữa các lĩnh vực An toàn, An ninh và Bảo vệ môi trường biển, cũng như các quy định, chính sách của IMO đối với vấn đề đào tạo, huấn luyện và cấp chứng chỉ cho thuyền viên.

Sau khi lắng nghe đầy đủ ý kiến của các thành viên Ban Thư ký IMO Việt Nam và một số đại biểu tham dự Hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Xuân Sang, Tổng Thư ký Ban Thư ký IMO Việt Nam đã có phát biểu chỉ đạo Hội nghị, qua đó cơ bản nhất trí với nội dung báo cáo tổng kết, đánh giá hoạt động của BTK IMO Việt Nam, những khó khăn, vướng mắc, đề xuất kiến nghị và phương hướng thực hiện nhiệm vụ của BTK IMO trong thời gian tới. Tổng Thư ký lưu ý một số vấn đề:

“Về cơ cấu của Ban Thư ký IMO Việt Nam: không nên bó hẹp thành phần chỉ trong Bộ GTVT mà nên mở rộng thành phần tới các bộ, ngành khác, có thể kể đến như: Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng, Bộ Tư lệnh hải quân, v.v.. ; ngoài sự tham gia của các cơ quan quản lý nhà nước, cần có cơ chế tham gia của các tổ chức có liên quan hoặc xây dựng các tổ, nhóm tạo điều kiện hỗ trợ, cố vấn cho Ban Thư ký bao gồm: các chuyên gia, đại diện các hiệp hội, thuyền trưởng, sỹ quan đang công tác hoặc đã nghỉ hưu, v.v..; đồng ý với đề xuất nghiên cứu thành lập các tiểu ban để chuyên sâu hơn trong từng lĩnh vực, đồng thời tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện hơn nữa dự thảo kiện toàn Ban Thư ký IMO Việt Nam để chức năng, nhiệm vụ không bị chồng chéo với chức năng, nhiệm vụ Bộ Giao thông vận tải cũng như các Bộ khác (trong trường hợp có thành phần tham gia từ các Bộ khác) đã giao;

Về phương hướng hoạt động của Ban Thư ký IMO Việt Nam: Cơ bản thống nhất với phương hướng tuy nhiên vẫn còn chung chung, cần vạch ra kế hoạch triển khai cụ thể. Đối với kinh phí hoạt động, cần sử dụng hiệu quả, đúng quy định hội phí do hội viên đóng góp, cần đa dạng hóa, xã hội hóa nguồn kinh phí hoạt động này, xây dựng các phương án để huy động nguồn tài trợ khác để có đủ kinh phí sử dụng cho các hoạt động của Ban Thư ký IMO Việt Nam. Cần thiết phải nâng cao vai trò của Việt Nam trong Tổ chức Hàng hải quốc tế cả về chất và lượng;

Tổng Thư ký cũng đề cập đến các thành phần quan trọng của của ngành Hàng hải Việt Nam, đó là Cảng biển, Vận tải biển, và Dịch vụ Hàng hải. Tại thời điểm này, có thể nói các thành phần này đều đang rất có tiềm năng và triển vọng, đáp ứng đầy đủ các yêu cầu của Việt Nam và quốc tế cả về mặt cung ứng dịch vụ cũng như các quy định pháp lý, tạo được bệ phóng vững chắc để ngành Hàng hải Việt Nam ngày càng phát triển và vươn xa trên trường quốc tế.”

Phát biểu bế mạc Hội nghị, Tổng Thư ký kêu gọi sự hỗ trợ của tất cả các thành viên, đại biểu tại Hội nghị cùng nghiên cứu, đóng góp để xây dựng đề án phát triển ngành vận tải biển Việt Nam. Tổng Thư ký đề nghị Ban Thư ký IMO Việt Nam tổng hợp các ý kiến đóng góp tại Hội nghị, nghiên cứu, hiện thực hóa thành các đề xuất, dự thảo và sớm trình lên các cấp có thẩm quyền phê duyệt để có cơ sở triển khai các hoạt động của Ban Thư ký IMO Việt Nam trong thời gian tới.

Vinamarine