Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng vừa ký quyết định phê duyệt nhiệm vụ lập Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Mục tiêu lập quy hoạch nhằm hoạch định phát triển cho cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, triển khai cụ thể hóa chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045; đề xuất các giải pháp quản lý, thực hiện quy hoạch nhằm nâng cao hiệu quả đầu tư phát triển cảng tại Việt Nam đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất trong đầu tư, khai thác cảng biển; đồng bộ giữa phát triển hạ tầng cảng biển và hạ tầng giao thông kết nối, giữa khai thác cảng biển và các dịch vụ sau cảng, tăng tính liên kết ngành, liên kết vùng trong phát triển cảng biển để góp phần sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên quốc gia, giảm chi phí logistics.
Nội dung quy hoạch cần phân tích, đánh giá về các yếu tố, điều kiện tự nhiên, nguồn lực, bối cảnh, thực trạng phân bố, sử dụng không gian của kết cấu hạ tầng cảng biển Việt Nam; dự báo xu thế phát triển, kịch bản phát triển và biến đổi khí hậu ảnh hưởng trực tiếp tới kết cấu hạ tầng cảng biển trong thời kỳ quy hoạch; dự báo xu thế phát triển khoa học công nghệ tác động tới phát triển cảng biển tại Việt Nam.
Bên cạnh đó, nội dung quy hoạch đánh giá về liên kết ngành, liên kết vùng trong thực trạng phát triển hệ thống cảng biển. Cụ thể, phân tích, đánh giá sự liên kết, đồng bộ của hệ thống kết cấu hạ tầng cảng biển trong phạm vi cả nước, giữa mạng lưới cảng biển trong nước với quốc tế, giữa kết cấu hạ tầng cảng biển với kết cấu hạ tầng của các ngành, lĩnh vực khác trong phạm vi vùng lãnh thổ, trong đó bao gồm đánh giá tính đồng bộ của mạng lưới cảng biển, kết nối giữa cảng biển với các phương thức vận tải, kết nối vùng, kết nối đối ngoại, kết nối với hệ thống đô thị, khu kinh tế, khu du lịch, khu công nghiệp, khu chế xuất, trung tâm logistics, cảng cạn, sự đồng bộ giữa hạ tầng cảng biển và hạ tầng phụ trợ gồm hạ tầng báo hiệu hàng hải… Nội dung quy hoạch đánh giá về sự phù hợp của quy hoạch kết cấu hạ tầng cảng biển hiện tại với các quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch không gian biển quốc gia, quy hoạch sử dụng đất quốc gia và các quy hoạch khác có liên quan đến phát triển cảng biển; tham khảo kinh nghiệm phát triển cảng biển của một số quốc gia trong khu vực và trên thế giới có nền kinh tế cảng biển phát triển.
Nội dung quy hoạch xác định yêu cầu của phát triển kinh tế – xã hội đối với ngành cảng biển, những cơ hội và thách thức đối với phát triển kết cấu hạ tầng cảng biển; khả năng ứng dụng công nghệ, trang thiết bị và vận hành khai thác cảng biển.
Phương án phát triển hệ thống cảng biển trên phạm vi cả nước và các vùng lãnh thổ bao gồm các nội dung chủ yếu sau: Định hướng phân bố không gian phát triển hệ thống cảng biển; xác định quy mô phát triển cho từng cảng biển trong từng giai đoạn, định hướng kết nối đến các đô thị đặc biệt, độ thị loại lớn; định hướng kết nối đến các trung tâm sản xuất, phân phối hàng hóa, khu công nghiệp, khu kinh tế, các vùng kinh tế trọng điểm, các hành lang kinh tế, vận tải chính; phát triển hạ tầng phụ trợ phát triển cảng biển; hạ tầng báo hiệu hàng hải…; xác định loại hình, vai trò, vị trí, quy mô, định hướng khai thác, sử dụng, tầm quan trọng, vùng hấp dẫn và các chỉ tiêu kinh tế, kỹ thuật, công nghệ gắn với phân cấp, phân loại theo quy định của pháp luật về hàng hải.
Phương án phát triển hệ thống cảng biển cũng bao gồm định hướng kết nối giữa các phương thức vận tải (đường biển, đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa) đáp ứng yêu cầu phát triển của vận tải đa phương thức và dịch vụ logistics; kết nối giữa hệ thống cảng biển trong nước, quốc tế; kết nối hệ thống kết cấu hạ tầng cảng biển với hệ thống đô thị, hệ thống cơ sở hạ tầng phòng, chống thiên tai và thủy lợi, hệ thống du lịch và các hệ thống kết cấu hạ tầng khác; giải pháp về quản lý khai thác, bảo đảm an toàn đối với hệ thống kết cấu hạ tầng cảng biển trước rủi ro thiên tai, bối cảnh biến đổi khí hậu.