Bộ Giao thông – Vận tải cam kết phối hợp các Bộ, ngành để phát triển hạ tầng giao thông đồng bộ như các cảng cạn, trung tâm logistics.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng trả lời chất vấn sáng 8/6
Sáng 8/6, Bộ trưởng Bộ Giao thông – Vận tải Nguyễn Văn Thắng tiếp tục trả lời các câu hỏi cuối chiều 7/6. Mở đầu, là về chi phí logistics. Theo đại biểu Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, chi phí logistics rất cao, trung bình 16,8 – 17% trên giá trị hàng hóa, thậm chí có mặt hàng doanh nghiệp phải trả đến 20 – 25%. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng nêu giải pháp giảm gánh nặng về vấn đề này.
Trả lời, Bộ trưởng Thắng nói theo thông lệ quốc tế, chi phí logistics được so sánh với GDP. Năm 2022, con số của Việt Nam ở mức 16,8% GDP, cao so với bình quân thế giới nhưng sát với chỉ tiêu tối thiểu mà Chính phủ đề ra tại Chiến lược phát triển logistics của Việt Nam đến năm 2025 là 16 – 20%.
Việt Nam đang xếp ở vị trí thứ 43 trong 139 nước tham gia xếp hạng. Tại ASEAN, Việt Nam đứng thứ tư. Theo ông Thắng, đây là kết quả “để tiếp tục phấn đấu” và “dư địa để giảm chi phí logistics còn rất nhiều”.
Thời gian tới, Bộ Giao thông – Vận tải sẽ phối hợp các Bộ, ngành để phát triển hạ tầng giao thông đồng bộ như các cảng cạn, trung tâm logistics. Bộ trưởng Thắng thông tin, rằng sau khi được phê duyệt quy hoạch hàng không, Bộ sẽ đầu tư kết nối đường thủy với cảng biển, lấy quy hoạch hàng hải, cảng biển là trung tâm để kết nối với đường thủy, đường sắt.
Đồng thời, Bộ trưởng cam kết nghiên cứu, xem xét, phối hợp với địa phương để giảm các loại phí liên quan đến cảng biển như chi phí ra vào, chi phí lưu kho bãi, chi phí vốn… Ngoài ra, các dịch vụ đi kèm tại cảng biển cũng sẽ được quan tâm, phát triển lên một bước.
Với ngành nông nghiệp, việc giảm chi phí logistics được xem là giải pháp căn cơ, góp phần tăng sức cạnh tranh của nông sản trên trường quốc tế.
Do nhiều nguyên nhân về dịch bệnh, hạ tầng giao thông, nên tuyến vận chuyển nông sản chính của nước ta những năm qua – đường bộ – xảy ra hiện tượng ùn tắc, nhất là khi nông sản vào vụ thu hoạch chính. Phát triển vận chuyển bằng đường biển, vì thế, là một cách giúp nông sản Việt có nhiều cơ hội hơn đến các thị trường nước ngoài.
Chủ tịch Quốc hội tổng kết lại nhóm vấn đề thứ tư sáng 8/6
Tại phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, trách nhiệm quản lý nhà nước về logistics thuộc Bộ Công thương. Bộ Giao thông – Vận tải chịu trách nhiệm trong việc đầu tư, tổ chức vận tải đa phương thức. Vận tải biển là một trong số đó.
Thực tế Việt Nam hiện nay, đóng góp chi phí logistics trong GDP tương đối thấp, nhưng chi phí logistics trong giá thành lại cao, đặc biệt là nông sản. Chủ tịch Quốc hội xem “đây là một nghịch lý”.
Phát biểu tổng kết lại nội dung nhóm vấn đề thứ tư, Chủ tịch Vương Đình Huệ nhấn mạnh vấn đề đa dạng hóa phương thức vận chuyển, trong đó tập trung đẩy mạnh vận chuyển bằng đường biển, đường sắt song song với phát triển hạ tầng giao thông đường bộ.
Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị Bộ Giao thông – Vận tải có thêm những chính sách đột phá khuyến khích đầu tư phát triển vận tải đa phương thức, vận tải thủy nội địa, vận tải đường sắt, nhằm giải quyết triệt để vấn đề về chất lượng dịch vụ vận tải, logistics hiện chưa đáp ứng được yêu cầu.