Ngành logistics: “Săn” nhân lực chất lượng

7/09/20 7:33 AM

Sorry, this entry is only available in Tiếng Việt.

Là một mắt xích quan trọng của nền kinh tế, ngành logistics Việt Nam được đánh giá có triển vọng tăng trưởng cao trong những năm tới. Tuy nhiên, để khơi dậy được tiềm năng đó, cần giải quyết tốt bài toán nguồn nhân lực.

Nhu cầu nhân lực của ngành logistics đang gia tăng

Sức hấp dẫn của ngành logistics

Ngành logistics Việt Nam hiện có tốc độ tăng trưởng trung bình khoảng 12-14%/năm, cao gần gấp đôi so với mức tăng trưởng chung của cả nền kinh tế. Số lượng các DN vận tải và logistics hiện vào khoảng 4.000, bao gồm tất cả các DN logistics hoạt động trong lĩnh vực vận tải, kho bãi, giao nhận và các dịch vụ liên quan.

Đánh giá về ngành logistics, PGS.TS Nguyễn Thanh Chương – Phó Hiệu trưởng trường Đại học Giao thông vận tải – khẳng định, Việt Nam có nhiều lợi thế để phát triển dịch vụ logistics nhờ trao đổi thương mại toàn cầu gia tăng cùng với hội nhập kinh tế quốc tế thông qua ký kết thành công các Hiệp định thương mại tự do (FTA). Bên cạnh đó, vị trí địa lý của Việt Nam rất thích hợp để xây dựng các trung tâm trung chuyển của khu vực Đông Nam Á. Đặc biệt, cơ sở hạ tầng logistics như kho bãi, đường cao tốc, cảng biển, cảng hàng không… không ngừng được cải thiện.

“Sự phát triển của ngành logistics sẽ tạo tiền đề cho Việt Nam nhanh chóng trở thành một trung tâm sản xuất mới trong khu vực, một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu, có khả năng cạnh tranh với các trung tâm sản xuất trong khu vực và thế giới” – PGS.TS Nguyễn Thanh Chương nhấn mạnh.

Cơ hội của ngành logistics kéo theo nhu cầu nhân lực lớn và mở ra cơ hội nghề nghiệp hấp dẫn. Theo công bố của Công ty TNHH Robert Walters Việt Nam, mức lượng của những ngu#ời làm trong lĩnh vực logistics hiện nay khá cao và không ngừng tăng lên, do nguồn nhân lực đang thiếu và nhận thức của DN về vai trò của logistics ngày càng cao, nên những người được đào tạo và có kinh nghiệm trong lĩnh vực này luôn là “điểm ngắm” của các DN.

Thậm chí, theo số liệu công bố của First Alliances – một trong những công ty tư vấn nhân sự lớn nhất tại Việt Nam, mức lương trung bình của nhân lực logistics tại TP.Hồ Chí Minh ở vị trí nhân viên dao động từ 500 USD – 1.500 USD và cấp quản trị từ 800 – 5.000 USD mỗi tháng.

Cốt lõi của thành công

Theo kết quả khảo sát của Hiệp hội DN dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA), số lao động được đào tạo bài bản về dịch vụ logistics chỉ chiếm khoảng 5 – 7% số lao động hiện đang làm việc trong lĩnh vực này. Trong khi đó, dự báo đến năm 2030, nhu cầu nhân lực của ngành logistics lên đến 2,2 triệu lao động.

Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, Tiến sĩ Trịnh Thị Thanh Thủy – Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công Thương (Bộ Công Thương) – cho biết, nhân lực là yếu tố cốt lõi của sự thành công, đặc biệt trong lĩnh vực logistics. Theo đó, đối với người làm logistics, bên cạnh sự đam mê, nhiệt huyết đòi hỏi phải có sự đào tạo bài bản về kỹ năng, chuyên môn…

Nhận thức được vấn đề này, những năm gần đây một số trường đại học đã đào tạo logistics gắn với nhu cầu của DN và học hỏi kinh nghiệm quốc tế. Theo thống kê sơ bộ, trong số 286 trường đại học trên cả nước đã có 28 trường đại học tuyển sinh và đào tạo ngành hoặc chuyên ngành logistics. Bên cạnh đó, có 37 trường cao đẳng và trung cấp đào tạo nghề logistics… Ngoài ra, một số tổ chức phi chính phủ, hiệp hội ngành nghề, DN cũng tham gia cung cấp các khóa học ngắn hạn về logistics, nhằm trang bị kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp cho nhân lực logistics…

PGS.TS Nguyễn Thanh Chương cho rằng, để tháo gỡ điểm nghẽn về nhân lực cho ngành logistics, cần có chính sách khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho các trường, các tổ chức, đẩy mạnh công tác đào tạo, cung cấp nhân lực chất lượng cao cho ngành. Trong đó, việc chuẩn hóa mã ngành đào tạo, xây dựng chương trình chuẩn và chuyển đổi giảng viên đào tạo về logistics là những bước đầu tiên cần làm ngay.

Báo Công thương