Từ 01/01/2020, theo quy định mới của Bộ GTVT, tàu VR-SB chỉ cần bố trí tối thiểu 3 – 4 thuyền viên trong một ca làm việc.
Sắp tới tàu VR-SB được bố trí thuyền viên theo một ca làm việc
Theo quy định tại Thông tư số 39/2019 (quy định trách nhiệm của chủ phương tiện, thuyền viên, người lái phương tiện, đảm nhiệm chức danh thuyền viên và định biên an toàn tối thiểu trên phương tiện thủy nội địa) vừa được Bộ GTVT ban hành, có hiệu lực từ 01/01/2020, việc bố trí số lượng thuyền viên tối thiểu làm việc trên phương tiện thủy đi ven biển mang cấp VR-SB được căn cứ theo ca làm việc, thay vì chỉ theo chuyến hành trình như hiện nay.
Cụ thể, trên tàu VR-SB nhóm I (sức chở trên 100 khách, trọng tải toàn phần trên 1.000 tấn) chỉ cần tối thiểu 4 thuyền viên trong một ca làm việc, gồm: thuyền trưởng, máy trưởng, thủy thủ và thợ máy. Tàu thuộc nhóm II (sức chở 50- 100 người, trọng tải toàn phần 500- 1.000 tấn) và nhóm III (sức chở đến 50 người, trọng tải toàn phần đến 500 tấn) chỉ cần tối thiểu 3 thuyền viên, gồm: thuyền trưởng, máy trưởng và thủy thủ.
Đối với tàu VR-SB có chuyến hành trình có tổng thời gian làm việc vượt quá một ca và đến hai ca làm việc, số lượng thuyền viên tối thiểu bố trí trên phương tiện thuộc nhóm I là 6 (gồm thuyền trưởng, thuyền phó, máy trưởng, máy phó, thủy thủ và thợ máy), nhóm II là 5 (không yêu cầu thợ máy), nhóm III là 4 (không yêu cầu máy phó, thợ máy).
Đối với tàu có hành trình vượt quá hai ca làm việc, trên tàu VR-SB nhóm I tối thiểu phải có 9 thuyền viên (đủ các chức danh trên nhưng có 2 thuyền phó, 2 máy phó, 2 thủy thủ), trên tàu nhóm II tối thiểu có 6 thuyền viên (2 thuyền phó, không yêu cầu thợ máy), tàu nhóm III tối thiểu có 5 thuyền viên (2 thuyền phó, không yêu cầu máy phó, thợ máy).
Đại diện Cục Đường thủy nội địa VN cho biết, hiện chỉ quy định bố trí thuyền viên tối thiểu theo chuyến hành trình nên số lượng thuyền viên phải có trên tàu ít nhất bằng với số lượng của hai ca làm việc. Với quy định mới sắp có hiệu lực, tàu VR-SB có hành trình ngắn, được bố trí giảm số thuyền viên bằng một ca làm việc, giúp giảm số lượng thuyền viên để tiết kiệm chi phí nhân công, thuyền viên.
Liên quan đến nhà hàng, khách sạn nổi, thông tư cũng phân chia theo tính chất phương tiện và tùy theo loại phương tiện mới phải bố trí định biên thuyền viên. Cụ thể, nhà hàng, khách sạn nổi được neo đậu tại một vị trí cố định không phải bố trí định biên thuyền viên. Nhà hàng, khách sạn nổi không tự hành bị lai, trong mỗi ca làm việc chỉ cần bố trí 2-4 thủy thủ (tùy loại phương tiện).
Đối với nhà hàng, khách sạn nổi tự hành, số lượng thuyền viên tối thiểu trong một ca làm việc được giữ nguyên như quy định hiện nay, với định biên 4-7 thuyền viên (tùy loại phương tiện) và buộc phải bố trí thuyền trưởng, máy trưởng, thủy thủ, thợ máy.
Báo Giao thông