Bộ GTVT đề xuất nới cơ chế trong việc mua tàu biển sử dụng vốn nhà nước, tăng khả năng cạnh tranh mua phương tiện cho chủ tàu Việt Nam.
Bộ GTVT đang tổ chức lấy ý kiến dự thảo nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 171/2016 của Chính phủ về đăng ký, xóa đăng ký và mua, bán, đóng mới tàu biển.
Đáng chú ý, tại dự thảo nghị định này, Bộ GTVT đề xuất hình thức mua tàu biển sử dụng vốn nhà nước. Theo đó, doanh nghiệp thay vì phải tiến hành từng bước, từ thực hiện theo quy định của pháp luật về đấu thầu, nếu không thành công mới được chuyển sang hình thức chào hàng cạnh tranh theo thông lệ quốc tế (với ít nhất 3 người chào hàng là người trực tiếp bán hoặc người môi giới), tại quy định mới, DN sẽ được chọn luôn một trong hai hình thức để đảm bảo hiệu quả.
Lý giải về đề xuất này, Bộ GTVT cho biết, tàu biển là loại tài sản cố định có giá trị lớn, mang tính đặc thù chuyên biệt cao, theo quy định tại Nghị định 171, việc mua tàu biển phải thực hiện theo quy định pháp luật về đấu thầu. Trong khi đó, những người bán tàu nước ngoài không quan tâm tới việc chào thầu theo hồ sơ mời thầu của người mua Việt Nam vì họ có nhiều lựa chọn từ người mua khác trên khắp thế giới. Về phía người mua tàu, việc phải thực hiện mua tàu sẽ phát sinh chi phí lập hồ sơ thầu, thẩm định năng lực của các nhà thầu.
“Nếu thị trường tàu biển sôi động, người mua sẽ mất cơ hội mua được các tàu biển phù hợp do có nhiều người mua khác thực hiện bằng hình thức đàm phán trực tiếp với chủ tàu hoặc thông qua môi giới dưới hình thức chào hàng cạnh tranh. Cùng đó, theo thông lệ quốc tế, người mua chỉ áp dụng hình thức chào hàng cạnh tranh theo thông lệ quốc tế khi đặt đóng mới tàu hoặc mua tàu cũ nên việc thay đổi cơ chế là phù hợp”, Bộ GTVT cho hay.
Cũng theo dự thảo nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 171/2016, việc mua, bán, đóng mới tàu biển sẽ phải được các cấp chức năng phê duyệt chủ trương trước khi thực hiện để đảm bảo tránh thất thoát, lãng phí nguồn ngân sách.