Với nhiều lợi thế về hạ tầng giao thông như: sân bay quốc tế, cảng nước sâu, đường bộ thuận tiện… Những năm qua, TP Hải Phòng luôn chú trọng đầu tư, phát triển hệ thống hạ tầng cơ sở, trong đó có hạ tầng logistics, với mục tiêu xây dựng Hải Phòng trở thành trung tâm logistics quốc tế hiện đại theo đúng tinh thần Nghị quyết 45 của Bộ Chính trị.
Cảng Tân Vũ
Đánh thức “tiềm năng”
Hải Phòng có tiềm năng phát triển kinh tế – xã hội to lớn với hệ thống cảng có lưu lượng hàng hóa thông qua lớn nhất khu vực miền Bắc, với đường bờ biển dài 125km, hơn 400km đường thủy nội địa, 5 cửa sông lớn là Bạch Đằng, Cửa Cấm, Lạch Tray, Văn Úc và sông Thái Bình.
Hải Phòng là TP duy nhất tại miền Bắc hội tụ đầy đủ 5 loại hình giao thông gồm: đường biển, đường sắt, đường hàng không, đường bộ và đường thủy nội địa. Khoảng 70% hàng hoá ở Hải Phòng vận chuyển bằng đường bộ, 24% bằng đường biển, 4,5% đường thủy nội địa và 1,5% đường sắt.
Với những nỗ lực đầu tư về hạ tầng và tập trung phát triển logistics của TP, các loại hình trung tâm logistics với quy mô đa dạng đang dần phát triển và nâng cấp theo hướng mở rộng về quy mô, hiện đại về trang thiết bị và công nghệ. Điển hình như việc đưa vào khai thác cảng container tại Lạch Huyện mở ra hướng phát triển mới của Hải Phòng.
Từ cảng biển truyền thống chỉ có thể khai thác tàu khoảng 40.000 tấn, đến nay có thể đón được những con tàu từ 100.000 đến 150.000 tấn góp phần đưa hàng hóa xuất, nhập khẩu của khu vực miền Bắc có thể đi thẳng tới thị trường châu Âu, châu Mỹ; không phải trung chuyển qua các cảng tại khu vực như Singapore, Hồng Kông, giảm chi phí vận tải, tăng năng lực cạnh tranh đối với hàng hóa xuất nhập khẩu của Việt Nam.
Bên cạnh đó, hệ thống giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa, đường hàng không cũng theo đó được kết nối liên hoàn và đồng bộ. Hải Phòng đã hoàn thành và đưa vào khai thác nhiều công trình giao thông trọng điểm của khu vực Bắc Bộ và cả nước, có ý nghĩa chiến lược đối với sự phát triển của TP, kết nối các địa phương trong vùng, khu vực và quốc tế như: Đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng; đường nối TP Hạ Long – cao tốc Hà Nội – Hải Phòng; nâng cấp Cảng hàng không quốc tế Cát Bi; hai bến khởi động Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng; cầu, đường ô tô Tân Vũ – Lạch Huyện; nâng cấp, mở rộng quốc lộ 10; hoàn thành nhiều cầu vượt sông phục vụ kết nối giao thông như: cầu Hoàng Văn Thụ, cầu Đăng, cầu Hàn, cầu sông Hóa…
Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Lê Văn Thành cho biết, hạ tầng giao thông Hải Phòng ngày càng khẳng định vai trò là cửa chính ra biển của các tỉnh phía Bắc với tổng vốn đầu tư phát triển hạ tầng giao thông giai đoạn 2016-2019 là 88.117 tỷ đồng (69 dự án), gấp 3,10 lần so với giai đoạn 2011-2015 (52 dự án, 28.395 tỷ đồng); trong đó ngân sách TP đầu tư 33.227 tỷ đồng, gấp 4,42 lần giai đoạn 2010-2015 (7.518 tỷ đồng).
Ngoài ra, hệ thống dịch vụ hậu cần sau cảng cũng được đầu tư khá bài bản. Tổng diện tích kho, bãi phục vụ cho dịch vụ logistics đạt khoảng 702ha với khoảng hơn 60 kho bãi chính bao gồm hệ thống kho bãi tại các cảng biển, kho ngoại quan, hệ thống kho bãi tại các điểm thu gom hàng lẻ, địa điểm kiểm tra tập trung và hệ thống kho chứa hàng hóa thông thường và kho lạnh khác…
Phối cảnh hai bến container số 3, 4 cảng Lạch Huyện
Phấn đấu hiện thực hóa mục tiêu
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh khẳng định, Hải Phòng có thể tạo ra những đột biến để trở thành nơi trọng điểm về logistics của cả vùng, thúc đẩy mạnh mẽ nền kinh tế của không chỉ TP mà còn của cả nước.
Để hiện thực điều đó, Hải Phòng cần sớm lập quy hoạch kết nối đường sắt đến các bến cảng, triển khai mạnh mẽ cơ chế một cửa quốc gia; cải cách thủ tục kiểm tra chuyên ngành, bãi bỏ và đơn giản hóa các điều kiện kinh doanh, hỗ trợ xúc tiến thương mại và mở rộng thị trường cho doanh nghiệp dịch vụ logistics, hỗ trợ kết nối doanh nghiệp dịch vụ logistics với chủ hàng. Đặc biệt, cần tạo sự liên kết ngang giữa Hải Phòng với các địa phương, đẩy mạnh liên kết vùng…
Để phát triển lĩnh vực logistics tại Hải Phòng xứng tầm với tiềm năng, lợi thế, khẳng định vị thế trong cả nước, TP đang tiến hành quy hoạch 3 hành lang vận tải hàng hóa đi/đến TP bao gồm: Tuyến trục Hải Phòng – Hà Nội với hai nhánh đi Lào Cai – Vân Nam (Trung Quốc) và đi Lạng Sơn – Quảng Tây (Trung Quốc); tuyến trục Hải Phòng – Hạ Long – Móng Cái; tuyến trục Hải Phòng – Thái Bình – Nam Định – Ninh Bình.
Ngoài ra, Hải Phòng sẽ xây dựng 17 loại hình dịch vụ trong chuỗi hoạt động logistics, bao gồm: xếp dỡ, kho bãi hỗ trợ vận tải biển, kho bãi hỗ trợ mọi phương thức vận tải, chuyển phát, đại lý vận tải, đại lý thủ tục hải quan, dịch vụ khác, hỗ trợ bán buôn, vận tải dịch vụ biển, vận tải dịch vụ đường thủy nội địa, đường sắt, hàng không, vận tải đa phương thức, kiểm định, dịch vụ hỗ trợ vận tải…
Cùng với đó, quy hoạch 4 trung tâm logistics với tổng lượng hàng hóa qua các trung tâm đạt khoảng 71,6 triệu tấn/năm (trong đó đạt 4,01 triệu TEUs/năm), đảm nhận 40-50% tổng lượng hàng có nhu cầu dịch vụ logistics trên địa bàn TP. Cụ thể: 1 trung tâm cấp vùng là trung tâm logistics Nam Đình Vũ tại Khu công nghiệp Nam Đình Vũ (phía Đông); 3 trung tâm cấp TP tại Lạch Huyện (phía Đông Nam), khu VSIP tại Khu công nghiệp VSIP (phía Đông Bắc) và khu Tràng Duệ tại Khu công nghiệp Tràng Duệ (phía Tây). Bốn trung tâm này sẽ đóng vai trò tiếp nhận, giải quyết vận chuyển, lưu thông hàng hóa đường bộ, cảng biển và đường hàng không.
Đến năm 2025, Hải Phòng quy hoạch thêm 2 trung tâm logistics cấp tỉnh tại huyện Tiên Lãng và sân bay Cát Bi nâng tổng số lên 6 trung tâm logistics. Hải Phòng sẽ tiếp tục nâng cấp 6 trung tâm lên hiện đại, nhằm hỗ trợ tổng lượng hàng hóa thông qua lên đến 140,35 triệu tấn/năm, đảm nhận 60-65% tổng lượng hàng hóa có nhu cầu cung ứng dịch vụ logistics trên địa bàn TP.
Với những giải pháp tích cực cả về hệ thống giao thông thủy, bộ lẫn hệ thống kho bãi, cảng biển, hứa hẹn trong thời gian tới dịch vụ logistics sẽ có những bước tăng trưởng bền vững, trở thành nền kinh tế mũi nhọn của TP.