Trước diễn biến giá dịch vụ hàng hải quốc tế tăng mạnh, nhất là đi Mỹ và châu Âu, Cục Hàng hải Việt Nam đang tăng cường quản lý, giám sát việc niêm yết giá dịch vụ vận chuyển hàng hải.
Tăng cường kiểm tra niêm yết giá dịch vụ
Cục Hàng hải Việt Nam vừa có văn bản gửi Bộ Giao thông vận tải (GTVT) về giá dịch vụ vận chuyển hàng container đi châu Mỹ, Châu Âu. Theo đó, Cục Hàng hải Việt Nam cho biết, báo giá của một số hãng tàu, giá cước từ Việt Nam đi cảng khu vực Tây Mỹ là 2.650 USD/container 40 feet, đi cảng khu vực Đông Mỹ 3.900 USD/container 40 feet, đi châu Âu 4.900 USD/container 40 feet.
Cũng theo Cục Hàng hải Việt Nam, hiện nay, để làm rõ thông tin giá dịch vụ vận tải container tại Việt Nam và tác động của việc tăng giá vận tải đối với doanh nghiệp xuất nhập khẩu, Cục này đã có văn bản giao cho các Cảng vụ Hàng hải: Hải Phòng, TP Hồ Chí Minh, Vũng Tàu phối hợp với các chi cục hàng hải làm việc với các hãng tàu có tuyến dịch vụ đi châu Âu, Châu Mỹ để đánh giá biến động tăng giá vận chuyển, tình hình vận tải, khả năng cung cấp nguồn cung tàu ra thị trường.
Trao đổi với PLVN, lãnh đạo Cục Hàng hải Việt Nam cho biết, cùng với những động thái trên, Cục đã chỉ đạo các đơn vị thực hiện kiểm tra, giám sát việc niêm yết giá dịch vụ vận chuyển và phụ thu ngoài giá dịch vụ vận chuyển container theo đúng quy định. “Chúng tôi đang quyết liệt triển khai việc kiểm tra, giám sát, tránh việc lợi dụng giá dịch vụ tăng mà các đơn vị tăng giá sai quy định, ảnh hưởng đến các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp xuất khẩu” – lãnh đạo Cục Hàng hải Việt Nam nói.
Lãnh đạo đơn vị này cho biết thêm, thống kê về chỉ số giá vận chuyển container cho thấy, giá dịch vụ vận tải container từ châu Á đi châu Âu, châu Mỹ trong tuần đầu của tháng 1/2024 biến động lớn, tăng khoảng 60% so với thời điểm cuối năm 2023 và tăng 25% so với cùng kỳ năm ngoái. Hiện tại, mức giá cao hơn khoảng 88% so với mức giá trước dịch COVID-19 và thấp hơn khoảng 1 – 2% so với mức giá trung bình của 10 năm gần đây.
Ngoài việc tăng giá vận chuyển, thị trường vận tải biển cũng xảy ra việc hủy, bỏ chuyến. Cụ thể, trên các tuyến vận chuyển hàng hải chính trên thế giới (xuyên Thái Bình Dương, Đại Tây Dương, châu Á – Bắc Âu và Địa Trung Hải), có 78/650 tuyến bị hủy trong khoảng thời gian từ tuần thứ 2 của tháng 1/2024 đến giữa tháng 2/2024, tỷ lệ hủy chiếm 12%.
Trong 5 tuần tới, các liên minh hãng tàu lớn như OCEAN Alliance đã thông báo 29 lần hủy, tiếp theo là 2M với 13 lần hủy và THE Alliance với 12 lần hủy. Trong cùng thời gian, các hãng tàu không thuộc liên minh cũng thông báo hủy 24 tuyến. “Việc duy trì tuyến còn phụ thuộc vào tình hình thị trường thế giới, các tuyến tàu có thể thay đổi lịch trình trong thời gian tới nếu thị trường thế giới bất ổn, ảnh hưởng đến an toàn hàng hải” – lãnh đạo Phòng Vận tải và Dịch vụ Hàng hải (Cục Hàng hải Việt Nam) cho hay.
Doanh nghiệp vận tải biển Việt Nam ảnh hưởng gì?
Lý giải việc giá vận tải container tăng, đại diện Cục Hàng hải Việt Nam cũng cho hay, thông thường đối với tuyến vận tải từ châu Á đi châu Âu, hành trình tàu đi qua Biển Đỏ và kênh đào Suez, đây là tuyến đường ngắn nhất với chi phí tối ưu. Kể từ cuối năm 2023, do xung đột tại khu vực Biển Đỏ, các hãng tàu đã phải thay đổi tuyến đường, không đi qua kênh đào Suez mà phải đi vòng qua mũi Hảo Vọng, khiến hành trình tàu kéo dài từ 10 – 14 ngày so với trước, phát sinh thêm nhiều chi phí vận chuyển, dẫn tới giá vận chuyển tăng cao và hiện tượng thiếu container có thể sẽ xảy ra.
Việc giá dịch vụ tàu biển quốc tế tăng cao chắc chắn khiến các doanh nghiệp xuất khẩu nước ta bị ảnh hưởng. Câu hỏi khác đặt ra là các doanh nghiệp vận tải biển trong nước chịu ảnh hưởng gì? Trả lời câu hỏi này, đại diện Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (VIMC) cho biết, là đơn vị vận tải biển có đội tàu biển quốc tế lớn nhất Việt Nam nên việc giá cước đi châu Âu và châu Mỹ tăng cao cũng ít nhiều ảnh hưởng đến doanh nghiệp này. “Do lo ngại khu vực Biển Đỏ nên nhiều tàu của chúng tôi phải vòng đường khác đi xa hơn, từ đó tốn thêm thời gian, chi phí, nguyên liệu”, vị này nói và cho biết thêm, việc tăng phí dịch vụ tưởng như doanh nghiệp vận tải biển sẽ có lợi, nhưng thực tế, vì giá cao nên sẽ ít khách hàng hơn, từ đó có những ảnh hưởng.
Tuy nhiên, đại diện VIMC cho rằng, vận tải biển quốc tế chỉ là một trong những lĩnh vực kinh doanh của đơn vị, không chiếm tỷ trọng chủ đạo. Thế mạnh của đơn vị này là kinh doanh cảng biển, vận tải biển quãng đường ngắn hơn nên không chịu ảnh hưởng nhiều.