Theo Cục hàng hải Việt Nam, hiện nước ta sẽ không có doanh nghiệp vận tải biển nào bị ảnh hưởng trực tiếp về quá trình vận chuyển hàng hóa đi qua kênh đào Suez.
Tàu Ever Given mắc kẹt ở kênh đào Suez, Ai Cập từ ngày 23/3. Ảnh: Reuters.
Trao đổi với phóng viên TTXVN, ông Trần Tuấn Hải, Trưởng ban Tuyên giáo – Truyền thông Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (VIMC) cho biết, sự cố tàu Ever Given bị mắc cạn khi di chuyển qua kênh đào Suez (Ai Cập) không ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động vận tải của VIMC, bởi Tổng công ty hiện không có con tàu nào trực tiếp tham gia tuyến hàng hải này.
Thông tin thêm, ông Trần Tuấn Hải cho hay, tàu Ever Given – một trong những tàu container lớn nhất thế giới được xem là size lớn (cỡ tàu lớn – tàu mẹ), trên thế giới số lượng loại tàu này chỉ đếm trên đầu ngón tay, hiện Việt Nam chưa có một doanh nghiệp nào sở hữu loại tàu như vậy.
Tuy nhiên, ông Trần Tuấn Hải cho hay, tuy không trực tiếp bị ảnh hưởng từ sự cố trên nhưng xét về tổng thể thì việc vận chuyển hàng hóa của các đơn vị vận tải của VIMC sẽ bị ảnh hưởng dây chuyền.
Ví dụ như, hàng hóa mà các đơn vị của VIMC nhận vận chuyển thường được gom tại các cảng của Singapore trước khi được các tàu vận tải lớn chở đến các cảng ở châu Âu, châu Mỹ. Vì vậy, khi có sự cố tại kênh đào Suez thì lịch trình vận chuyển hàng hóa tại các cảng sẽ bị thay đổi kéo theo phải điều chỉnh giao nhận hàng…
Còn theo ông Võ Duy Thắng, Trưởng phòng Vận tải – Dịch vụ Hàng hải (Cục Hàng hải Việt Nam), hiện Việt Nam không có doanh nghiệp tàu biển nào khai thác các tuyến vận tải trực tiếp đi châu Âu. Do vậy, Việt Nam sẽ không có doanh nghiệp vận tải biển nào bị ảnh hưởng trực tiếp về quá trình vận chuyển hàng hóa đi qua kênh đào Suez.
Mặc dù vậy, ông Võ Duy Thắng cho rằng, nếu tình trạng tắc nghẽn tại kênh đào Suez không sớm được khắc phục sẽ ảnh hưởng tới vận tải biển chung của toàn thế giới. Các tàu chở hàng xuất khẩu sang châu Âu và bờ Đông nước Mỹ đã phải đi vòng qua châu Phi. Việc này sẽ làm tăng giá cước và kéo dài thời gian vận tải thêm đáng kể.
Liên quan đến sự cố trên, Khoảng 15h ngày 29/3 (giờ địa phương, 20h30 theo giờ Việt Nam), tàu container khổng lồ Ever Given được giải cứu sau gần một tuần mắc cạn tại kênh đào Suez.
Dữ liệu vệ tinh cho thấy tàu Ever Given bắt đầu di chuyển vào 15h ngày 29/3 (giờ địa phương). Ảnh: Marine Traffic.
Theo Bloomberg, ngay sau đó, người đứng đầu Cơ quan Quản lý Kênh đào Suez (SCA) Osama Rabie cho biết đến sáng 30/3, tổng cộng 113 con tàu sẽ di chuyển qua con kênh này.
Trước đó, dữ liệu của Bloomberg cho thấy hơn 450 con tàu bị mắc kẹt trong và ngoài kênh đào Suez do sự cố của tàu Ever Given. Con số này thậm chí vượt quá quy mô của toàn bộ hạm đội hải quân Mỹ.
Đại diện SCA cho biết hầu hết số tàu trên chờ đợi để đi qua kênh đào Suez thay vì đổi lộ trình. Trong khi đó, một số khác đã chuyển hướng đi vòng qua mũi Hảo Vọng tại châu Phi từ vài ngày trước.
Theo CNA, việc kênh đào Suez bị tắc nghẽn không chỉ ảnh hưởng đến ngành vận tải biển toàn cầu hay nền kinh tế Ai Cập, mà vô số doanh nghiệp, từ các nhà cung cấp vận tải trong nước đến các nhà bán lẻ, siêu thị và nhà sản xuất cũng bị ảnh hưởng.
Khoảng 30% tàu container toàn cầu – vận chuyển hàng hóa như ghế sofa, đồ điện tử, hàng tiêu dùng, quần áo và giày dép – di chuyển qua kênh đào Suez mỗi ngày. Do đó, việc tồn đọng hàng do tắc nghẽn có nguy cơ gây nhiều khó khăn hơn cho các công ty vận tải của Châu Âu và Mỹ.
Công ty vận tải container lớn nhất thế giới Maersk cho biết trong một phỏng vấn hôm 29.3 rằng, kênh đào đã được lưu thông trở lại nhưng những hậu quả mà nó để lại trong gần 1 tuần qua là rất lớn. Việc ngừng hoạt động tiêu tốn của kênh đào này từ 14 đến 15 triệu USD mỗi ngày.
Maersk có 3 tàu bị mắc kẹt trong kênh đào và 29 con tàu khác đang chờ vào, họ đã định tuyến lại 15 tàu đi về phía nam Châu Phi, điều này làm tăng thêm thời gian và chi phí đáng kể cho các chuyến đi.
MSC Thụy Sĩ – công ty vận tải tàu lớn thứ 2 thế giới – cho biết, tình hình này sẽ dẫn đến một trong những gián đoạn lớn nhất đối với thương mại toàn cầu trong những năm gần đây.
Caroline Becquart – Phó chủ tịch cấp cao của MSC – cho biết: “Chúng tôi dự đoán rằng quý 2 năm 2021 sẽ có nhiều khó khăn hơn so với ba tháng đầu tiên và có lẽ thậm chí phải đối mặt với nhiều thách thức hơn so với cuối năm ngoái vì ảnh hưởng của COVID-19”.
Các công ty vận tải container đã phải vật lộn trong nhiều tháng với sự gián đoạn do đại dịch COVID-19 gây ra và sự gia tăng nhu cầu đối với hàng hóa bán lẻ dẫn đến tắc nghẽn hậu cần rộng rãi hơn trên toàn thế giới.
Nếu tình trạng ùn tắc tại kênh đào Suez không được giải quyết nhanh chóng, một số công ty sẽ phải trả tiền để đặt thêm hàng và gửi hàng bằng đường hàng không, chi phí cao hơn ít nhất ba lần.
Cơ quan hải quân Vận hành Thương mại Hàng hải Anh (UKMTO) cho biết, nhiều nhà vận hành đã chuyển hướng các tàu di chuyển quanh mũi Hảo Vọng ở cực Nam của Châu Phi, điều này có thể làm tăng số lượng phương tiện lưu thông qua khu vực, đồng thời tạo cơ hội cho các băng nhóm cướp biển hoạt động.