Dự thảo Chiến lược phát triển dịch vụ logistics Việt Nam vừa được Bộ Công Thương xin ý kiến các Bộ, ngành, Hiệp hội, doanh nghiệp đưa ra định hướng cần tạo đột phá trong việc xây dựng thể chế pháp luật, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia phát triển dịch vụ logistics.
Bộ Công Thương vừa tổ chức cuộc họp xin ý kiến với Dự thảo Chiến lược phát triển dịch vụ logistics Việt Nam ngày 20/5.
Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho hay, việc xây dựng Dự thảo Chiến lược phát triển dịch vụ logistics Việt Nam thời kỳ 2025 – 2035, tầm nhìn đến 2045 (Dự thảo Chiến lược) nhằm phát triển ngành dịch vụ logistics đồng bộ, toàn diện và tương xứng với tiềm năng phát triển kinh tế của Việt Nam trong giai đoạn tới.
Theo đó, giai đoạn 2025 – 2035, Dự thảo Chiến lược đặt mục tiêu tỷ trọng đóng góp của ngành dịch vụ logistics vào GDP đạt 5% – 7%. Tốc độ tăng trưởng trung bình của ngành dịch vụ logistics hằng năm đạt 12% – 15%. Tỷ lệ thuê ngoài dịch vụ logistics đạt 70% – 80%. Chi phí logistics giảm xuống tương đương 12% – 15% GDP. Xếp hạng theo chỉ số LPI trên thế giới đạt thứ 40 trở lên (do Ngân hàng Thế giới công bố).
Số lượng doanh nghiệp dịch vụ logistics sử dụng các giải pháp chuyển đổi số đạt 80% số doanh nghiệp logistics Việt Nam. Phương tiện vận tải chuyển sang sử dụng năng lượng xanh đạt 50% số phương tiện của doanh nghiệp logistics Việt Nam. 70% người lao động trong ngành dịch vụ logistics được đào tạo trình độ chuyên môn kỹ thuật, trong đó 30% có trình độ đại học trở lên.
Giai đoạn đến năm 2045, tỷ trọng đóng góp của ngành dịch vụ logistics vào GDP đạt 6% – 8%. Tốc độ tăng trưởng trung bình của ngành dịch vụ logistics hằng năm đạt 10% – 12%. Tỷ lệ thuê ngoài dịch vụ logistics đạt 80% – 90%. Chi phí logistics giảm xuống tương đương 10% – 12% GDP.
Xếp hạng theo chỉ số LPI trên thế giới đạt thứ 30 trở lên (Ngân hàng Thế giới công bố). Số lượng doanh nghiệp dịch vụ logistics sử dụng các giải pháp chuyển đổi số đạt 100% số doanh nghiệp logistics Việt Nam. Phương tiện vận tải chuyển sang sử dụng năng lượng xanh đạt 100% số phương tiện của doanh nghiệp logistics Việt Nam. 90% người lao động trong ngành dịch vụ logistics được đào tạo trình độ chuyên môn kỹ thuật, trong đó 50% có trình độ đại học trở lên.
Tạo đột phá trong xây dựng thể chế phát triển dịch vụ logistics
Trong bối cảnh kinh tế và thương mại thế giới có xu hướng hồi phục, cách mạng công nghiệp lần thứ tư, chuyển đổi số, thương mại điện tử phát triển mạnh, hội nhập sâu rộng của Việt Nam vào nền kinh tế thế giới mở ra cơ hội cho phát triển dịch vụ logistics. Do vậy, giai đoạn đến năm 2035, tầm nhìn 2045, Dự thảo Chiến lược phát triển dịch vụ logistics Việt Nam theo 6 định hướng chung như sau:
Một là, tạo đột phá trong việc xây dựng thể chế pháp luật, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia phát triển dịch vụ logistics.
Hai là, đẩy mạnh đầu tư xây dựng hạ tầng theo hướng đồng bộ, hiện đại làm cơ sở để phát triển dịch vụ logistics Việt Nam.
Ba là, phát triển thị trường logistics, nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp, thúc đẩy liên kết vùng kinh tế, hành lang kinh tế, khu vực và quốc tế bảo đảm tăng trưởng bền vững, đồng thời nâng cao chất lượng và xanh hóa các hoạt động dịch vụ logistics dựa trên nền tảng số.
Bốn là, đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và chuyển đổi xanh trong lĩnh vực dịch vụ logistics, nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất với thương mại, xuất nhập khẩu, lưu thông phân phối trong nước và quốc tế.
Năm là, phát triển nguồn nhân lực logistics chất lượng cao nhằm nâng cao hiệu quả và chất lượng dịch vụ logistics.
Sáu là, nâng cao vai trò của các hiệp hội và các doanh nghiệp tiên phong trong lĩnh vực dịch vụ logistics, thúc đẩy hình thành các chuỗi cung ứng hiện đại, phát triển đa dạng các dịch vụ logistics giá trị gia tăng đáp ứng nhu cầu trong nước và quốc tế, đưa Việt Nam trở thành trung tâm trung chuyển và phân phối hàng hóa của thế giới.
Giai đoạn 2025 – 2035, Dự thảo Chiến lược đặt mục tiêu tỷ trọng đóng góp của ngành dịch vụ logistics vào GDP đạt 5% – 7%
Để đạt được mục tiêu đề ra, Dự thảo Chiến lược cũng đặt ra các nhiệm vụ giải pháp cụ thể. Theo đó, tạo đột phá trong việc xây dựng thể chế pháp luật, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia phát triển dịch vụ logistics, thúc đẩy hội nhập quốc tế, tăng cường quản lý nhà nước và nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực thi pháp luật đối với dịch vụ logistics theo cơ chế thị trường, thích hợp với trình độ phát triển kinh tế đất nước và phù hợp với thông lệ, luật pháp quốc tế.
Đẩy mạnh đầu tư xây dựng, phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng logistics đồng bộ, hiện đại, chú trọng hạ tầng giao thông vận tải, hạ tầng thương mại và hạ tầng số, đảm bảo phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội của mỗi địa phương, từng vùng và cả nước theo từng giai đoạn phát triển làm cơ sở để phát triển dịch vụ logistics Việt Nam.
Phát triển thị trường logistics, thúc đẩy liên kết khu vực và quốc tế. Nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp dịch vụ logistics và chất lượng dịch vụ logistics.
Đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và chuyển đổi xanh trong lĩnh vực dịch vụ logistics, nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất với thương mại, xuất nhập khẩu, lưu thông phân phối trong nước và quốc tế. Đào tạo, phát triển nguồn nhân lực logistics chất lượng cao.
Nâng cao vai trò của các hiệp hội logistics trong lĩnh vực dịch vụ logistics, thúc đẩy hình thành các chuỗi cung ứng hiện đại, phát triển đa dạng các dịch vụ logistics giá trị gia tăng đáp ứng nhu cầu trong nước và quốc tế.
Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền nâng cao nhận thức, tạo quyết tâm triển khai đồng bộ các giải pháp phát triển logistics ở cả Trung ương và địa phương; cung cấp thông tin dự báo xu hướng thị trường logistics trong nước và quốc tế nhằm hỗ trợ doanh nghiệp kịp thời thích ứng với thị trường.
Thiếu tính liên kết vùng
Phát biểu tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân cho rằng: Cần bản thảo thêm các vấn đề về logistics tích hợp với quy hoạch quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch địa phương, quy hoạch chuyên ngành của địa phương, từng địa phương liên kết với vùng, từng vùng liên kết quốc gia và quốc gia liên kết quốc tế. Bởi “vấn đề này chưa được đề cập rõ nét trong dự thảo”, Thứ trưởng nhận định.
So với quốc tế, hiện nay, thị phần các doanh nghiệp nước ngoài trong lĩnh vực logistics đnag chiếm tỷ trọng lớn. Do vậy, vấn đề cần đặt ra là làm thế nào để tăng sức cạnh tranh cho doanh nghiệp trong nước có thể chiếm lĩnh thị phần này từ đó nâng cao vị thế của ngành ngành logisctics Việt Nam ngay tại sân nhà.
Ngoài ra, cần nhấn mạnh vai trò của hiệp hội trong việc kết nối doanh nghiệp; phát triển logistics xanh, bền vững; vấn đề đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành logistics; phát triển nguồn hàng; xây dựng trung tâm logistics tạo được sự liên kết cũng được động lực lan tỏa…
“Sau cuộc họp này, Bộ sẽ tổng hợp và tiếp tục xin ý kiến đóng góp của các Bộ, ngành, địa phương, Hiệp hội, doanh nghiệp, đồng thời, sẽ tiếp tục tổng hợp đầy đủ giải trình, tiếp thu và hoàn thiện, chỉnh sửa lại Dự thảo Chiến lược, Dự thảo Tờ trình Chính phủ, dự thảo Quyết định phê duyệt Chiến lược trên cơ sở các ý kiến tham gia”, Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân cho hay.
Báo Chính phủ