Vai trò của cảng biển trong xung đột thương mại Mỹ-Trung

12/12/24 8:49 AM

Sorry, this entry is only available in Tiếng Việt.

Nếu xung đột thương mại Mỹ-Trung bùng nổ, vấn đề hậu cần tại các cảng biển sẽ là mục tiêu trả đũa chính của Bắc Kinh bởi nước này kiểm soát phần lớn chuỗi hậu cần tại các cảng của Mỹ; khoảng 80% cần cẩu container ở Mỹ có nguồn gốc từ Trung Quốc; thậm chí, trong một số trường hợp, Trung Quốc cũng có cổ phần trong các công ty điều hành bến cảng của Mỹ.

Sự phụ thuộc này khiến các nhà chức trách Mỹ lo ngại rằng Bắc Kinh có thể sử dụng vị trí thống lĩnh này để gây gián đoạn chuỗi cung ứng của Mỹ. Đây là một phần nguyên nhân khiến Tổng thống Mỹ Joe Biden hồi tháng 2 đã ban hành các biện pháp nâng cao bảo mật công nghệ thông tin của cần cẩu và hệ thống hậu cần liên quan tại các cảng. Cảnh sát biển Mỹ đã ban hành thêm các quy định có hiệu lực vào tháng 11/2024.

Lý do để Mỹ ban hành các quy định an toàn chặt chẽ hơn là bởi nước này nghi ngờ Công ty nhà nước Trung Quốc Shanghai Zhenhua Heavy Industries (ZPMC) – công ty dẫn đầu thị trường thế giới về cần cẩu container với thị phần khoảng 70%, có thể truy cập từ xa vào hệ thống cần cẩu của các cảng Mỹ. Việc truy cập từ xa qua Internet có thể được coi là hợp pháp để tiến hành các công việc bảo trì. Điều này cũng sẽ cho phép công ty sản xuất thu thập thông tin về các container đang được vận chuyển hoặc tắt cần cẩu từ xa.

Trung Quốc đã đầu tư vào chuỗi hậu cần toàn cầu trong nhiều năm. Bên cạnh việc xây dựng các tuyến đường sắt, hoạt động đầu tư vào các cảng là một phần của Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI). Khi nói đến đầu tư của Trung Quốc, luôn có những cuộc thảo luận về rủi ro và nguy cơ phụ thuộc quá nhiều vào Bắc Kinh. Ngoài những lo ngại về an ninh và rủi ro địa chính trị, các cuộc tranh luận thường chứa đựng chủ nghĩa bảo hộ: sự tiến bộ kinh tế của Trung Quốc nên bị hạn chế. Mùa Xuân năm nay, Chính phủ Mỹ đã công bố đầu tư hàng tỷ USD vào cơ sở hạ tầng cảng, nhằm mục đích đưa hoạt động sản xuất cần cẩu trở lại nước này.

Bên cạnh đó, hậu cần hàng hải là một yếu tố dễ bị tổn thương của nền kinh tế Mỹ bởi ngay cả lực lượng vũ trang nước này, với các căn cứ và hoạt động trên toàn cầu, cũng dựa vào các cảng đang hoạt động. Theo tờ “ Wall Street Journal”, cần cẩu ZPMC của Trung Quốc còn được trang bị ở một số cảng mà quân đội Mỹ sử dụng. Do đó, có thể hình dung được một số kịch bản về cách Trung Quốc có thể khai thác quyền truy cập từ xa vào cần cẩu cảng ở Mỹ để gây tổn hại cho nền kinh tế hoặc quân đội Mỹ.

Việc tiếp cận từ xa dịch vụ hậu cần cảng của Mỹ sẽ rất hữu ích cho Trung Quốc trong trường hợp căng thẳng gia tăng giữa hai cường quốc lớn nhất thế giới. Nếu Trung Quốc thành công trong việc làm gián đoạn hoạt động hậu cần tại các cảng container như ở Long Beach hay Seattle, điều này có thể gây ra hậu quả nặng nề cho Mỹ.

Mỹ đặt ưu tiên cao cho an ninh quốc gia bởi nước này đóng vai trò là một cường quốc toàn cầu. Do vậy, một mặt, Mỹ phải đối phó với những mối đe dọa toàn diện và khốc liệt hơn hầu hết các quốc gia khác, mặt khác, về mặt kinh tế, Washington cũng có đủ khả năng để thực hiện các biện pháp bảo vệ cơ sở hạ tầng quan trọng và dần trở nên không phụ thuộc vào các sản phẩm từ Trung Quốc.

Báo Hải quan