Vẫn kỳ vọng khơi thông cảng biển miền Trung

30/10/19 8:01 AM

Sorry, this entry is only available in Tiếng Việt.

Trong chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045, Nghị quyết 36-NQ/TW của BCH Trung ương Đảng khóa XII đặt mục tiêu xây dựng vùng kinh tế trọng điểm miền Trung thành trung tâm kinh tế biển hùng mạnh, tạo thế tiến ra biển góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo Tổ quốc. 

Trong đó, vai trò của cảng biển hết sức quan trọng, là chìa khóa mở cửa kinh tế biển cho cả khu vực miền Trung và Tây nguyên, cần được quan tâm đầu tư tương xứng.

Hạ tầng đứt gãy

Theo quy hoạch phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến 2030 của Thủ tướng Chính phủ, miền Trung có 14 nhóm cảng biển, trong đó có 8 cảng loại I thuộc cảng tổng hợp quốc gia, đầu mối là các cảng Nghi Sơn (Thanh Hóa), Nghệ An, Hà Tĩnh, Thừa Thiên – Huế, Đà Nẵng, Dung Quất (Quảng Ngãi), Quy Nhơn (Bình Định) và cảng Khánh Hòa.
Trong đó, cụm cảng biển được xem là xương sống của vùng, bao gồm Chân Mây, Đà Nẵng, Chu Lai, Dung Quất và Quy Nhơn. Thể hiện rõ nét nhất là vai trò của cảng Đà Nẵng, Dung Quất, Quy Nhơn…

Tuy nhiên, nhìn chung năng lực cảng biển lớn ở miền Trung vẫn chưa được phát huy, chưa thể hiện được vai trò điều phối, chủ đạo cho cả vùng. Thậm chí, đang xảy ra xung đột lợi ích, cạnh tranh giữa các địa phương có cảng biển, dẫn đến tự triệt tiêu lẫn nhau.

Miền Trung có lợi thế về cảng biển nước sâu, lượng hàng hóa thông cảng đạt khối lượng lớn, nhưng hàng hóa không đa dạng, chủ yếu là xăng dầu, xi măng, thép, dệt may, giày da, gỗ và đồ gỗ… lượng hàng container rất hạn chế.

Dịch vụ vận tải biển chậm phát triển, chưa tận dụng được lợi thế cảng nước sâu để phát triển logistics và vận tải biển cho hành lang kinh tế Đông – Tây; chi phí vận chuyển cao hơn so với các vùng khác. Công tác quản lý ở một số cảng đang trong tình trạng chồng chéo, phân tán khả năng đầu tư và phát triển.

Tại hội nghị phát triển kinh tế miền Trung vừa diễn ra vào tháng 8 tại Bình Định, Bộ trưởng Bộ GT-VT Nguyễn Văn Thể, cho biết thời gian qua một số luồng vào bến cảng như Cửa Lò, Cửa Việt, Quy Nhơn liên tục được cải tạo. Một số cảng khác như Nghi Sơn, Cửa Lò, Đà Nẵng (cảng Tiên Sa giai đoạn 2), Dung Quất, Quy Nhơn… đã và đang đầu tư, xây dựng.

Ngoài ra, nâng công suất của các cảng biển tổng hợp, container Nghi Sơn đạt 13,5 triệu tấn; Cửa Lò 5,5 triệu tấn; Tiên Sa, Sơn Trà – Đà Nẵng 9,1 triệu tấn; Dung Quất 5 triệu tấn và cảng Quy Nhơn lên 8,6 triệu tấn. Hiện tại, Bộ GT-VT đang chuẩn bị đầu tư mở rộng cảng Liên Chiểu – Đà Nẵng.

Song theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, hiện hệ thống cao tốc vẫn chưa đồng bộ, các tuyến đường “xương cá” liên kết ngang cũng chưa được đầu tư đồng bộ, liên thông. Thực tế này khiến sự phối hợp của các phương thức vận tải như đường bộ, đường sắt, đường thủy, đường biển, đường không… trở nên đứt đoạn, tính kết nối không cao.
Trong đó, khả năng kết nối của các cảng biển và tuyến đường sắt (phương thức vận tải khối lượng lớn) còn hạn chế; một số cảng kết nối với Quốc lộ 1 rất khó khăn, cách trở hoặc phải đi qua đường nội đô…

Hậu phương còn yếu

Ông Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, cho rằng trong khai thác và phát triển tiềm năng của cảng biển, miền Trung nên quan tâm đến hậu phương công nghiệp và phải làm logistics. Nếu không gắn hậu phương công nghiệp không nên chạy đua đầu tư, phát triển cảng.

Hiện có một số cảng như Đà Nẵng, Nghi Sơn, Kỳ Hà, Dung Quất, Nha Trang… bước đầu đã phát triển gắn với hậu phương công nghiệp khá vững chắc. Tuy nhiên, về dịch vụ logistics, miền Trung rất hạn chế cần được quan tâm phát triển hơn. Ngoài ra, miền Trung cần phát triển thêm cảng du lịch, kết nối với tuyến đường ven biển để tăng tính kết nối cho các địa phương.

Dịch vụ logistics thực chất là chuỗi vận tải đa phương thức trọn gói. Nghĩa là, doanh nghiệp làm logistics sẽ nhập hàng và bao trọn gói vận chuyển đến thẳng cho khách hàng, không qua trung gian. Vận tải logistics thông qua nhiều phương thức vận tải từ đường bộ, đường thủy… Các doanh nghiệp, hãng tàu nước ngoài làm logistics rất hiệu quả. Tuy nhiên, doanh nghiệp trong nước năng lực làm logistics rất hạn chế.

Theo ông Trần Tuấn Hải, Trưởng ban Truyền thông TCT Hàng hải Việt Nam khu vực miền Trung cần phát triển cảng tập trung, có điểm nhấn để thu hút nguồn lực dồi dào; tăng cường phát triển các phương thức kết nối, đầu tư đồng bộ hạ tầng về giao thông và hậu phương sau cảng…

Cảng biển miền Trung cần tăng cường kết nối và đầu tư tương xứng với tiềm năng.

Nhìn chung khu vực miền Trung có hệ thống cảng biển nhiều, nhưng chất lượng chưa đạt. Việc nâng cấp, đầu tư cảng biển lại cần vốn lớn nên phải kêu gọi các doanh nghiệp chung tay. Nhà nước cần đồng hành cùng doanh nghiệp trong các vấn đề liên quan đến đầu tư kho, bãi và cảng cạn…

Cảng Quy Nhơn được xem là cảng nước sâu lớn và có vai trò quan trọng ở miền Trung, đặc biệt vai trò là cửa ngõ gần nhất kết nối vùng kinh tế trọng điểm miền Trung hướng lên Tây nguyên, các nước hành lang kinh tế Đông – Tây. Thời gian qua, việc cổ phần hóa cảng này phát sinh hàng loạt sai phạm, đã được Thanh tra Chính phủ phát hiện, xử lý.
Sau khi trở về thuộc quản lý, chi phối của nhà nước, toàn bộ đội ngũ ban lãnh đạo của CTCP Cảng Quy Nhơn đã dần được hoàn thiện. Ông Phan Tuấn Linh, tân Tổng giám đốc CTCP Cảng Quy Nhơn, cho biết cảng Quy Nhơn có nhiều tiềm năng, lợi thế do có vị trí địa lý thuận lợi, ít chịu ảnh hưởng của thiên tai, có độ sâu luồng vào rất lớn (âm 11m), nằm gần tuyến hàng hải quốc tế, đặc biệt là vị trí trung tâm của các nước Đông Nam Á, Đông Á…

Ông Linh đặt ra tham vọng trong 5 năm tới sẽ đưa cảng Quy Nhơn đi lên xứng tầm hơn. Trong đó, đến năm 2025, cảng sẽ đón 15 triệu tấn hàng thông quan, nâng cao năng lực đón tàu container lên đến 300.000DWT. Quan trọng nhất, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công nhân viên hiện đại chuyên nghiệp hơn.

“Thời gian tới, chúng tôi sẽ tăng cường phối hợp chặt chẽ với địa phương, tập trung tháo gỡ các điểm nghẽn về hạ tầng giao thông; cải tạo, nâng cấp cầu tàu, nạo vét luồng lạch. Trước mắt, chúng tôi sẽ đẩy mạnh phát triển hậu phương sau cảng, như phát triển các cảng cạn (tập kết, trung chuyển hàng hóa) ở đất liền Bình Định và Tây nguyên và khai thác các mặt hàng địa phương có thế mạnh” – ông Linh khẳng định.

Báo Sài Gòn Đầu Tư