Dù thị trường hàng hóa vẫn đang chịu tác động nặng bởi dịch Covid-19, song lĩnh vực vận tải biển đã “dễ thở” hơn, các doanh nghiệp (DN) vận tải biển đều kỳ vọng đến tháng 6/2020, dịch Covid-19 tại các quốc gia sẽ được kiểm soát giúp thị trường hàng hóa có thể phục hồi trong những tháng cuối năm.
Kịch bản khả quan nhất là dịch Covid-19 trên thế giới được kiểm soát trong tháng 6, khi ấy đội tàu vận tải sẽ có được lượng hàng chuyên chở tương đối lớn để “hồi sinh”
Thị trường vận tải vẫn “vui ít, buồn nhiều”
Ông Bùi Việt Hoài, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Vận tải biển Việt Nam (Vosco) chia sẻ, tháng 5/2020, dù thị trường hàng hóa vẫn đang chịu tác động nặng bởi dịch Covid-19, song lĩnh vực vận tải biển đã “dễ thở” hơn. “Một trong ba trung tâm hàng hóa lớn của thế giới là Trung Quốc đã bỏ lệnh phong tỏa, đội tàu của Vosco có thể hoạt động vận chuyển các mặt hàng: Quặng, than trở lại”, ông Hoài nói.
Gần đây, giá dầu giảm sâu cũng là yếu tố tích cực giúp hãng tàu giảm bớt chi phí nhiên liệu, nhất là trong bối cảnh hàng hóa khan hiếm, các hãng vận tải phải sử dụng nhiên liệu hàm lượng lưu huỳnh 0,5% (giá cao hơn dầu FO cũ) theo quy định của Tổ chức Hàng hải thế giới. “Ước tính, giá dầu giảm giúp các tàu container, tàu dầu tiết kiệm được khoảng 20% và tàu hàng khô nhiên liệu cũng giảm được 10 – 15% chi phí nhiên liệu”, ông Hoài thông tin.
Tuy vậy, theo ông Hoài, giá cước vận chuyển hàng hóa vẫn trên đà lao dốc. Đơn cử, mặt hàng quặng, nếu tháng 12/2019, doanh thu một tàu chở quặng khoảng 8.000 – 9.000 USD/ngày, đến bây giờ chỉ còn 3.000 – 4.000 USD/ngày.
Còn theo ông Phạm Văn Khoa, Trưởng phòng Khai thác Công ty Vận tải biển Vinalines, nếu thời điểm dịch Covid-19 chưa diễn ra, giá cước hàng clinker từ Việt Nam đi Trung Quốc khoảng 8 – 10 USD/tấn (tùy từng cảng) thì hiện giảm xuống chỉ còn 5 – 7 USD/tấn. Hàng xi măng bao đi Philippines, đầu năm 2020, giá cước khoảng 11 USD/tấn, hiện là 7 USD/tấn.
Đối với vận tải biển trong nước, ông Vũ Đức Ngọ, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và vận tải Vũ Gia Tam cho biết, từ tháng 4/2020, các tàu nội địa bắt đầu “thấm đòn” Covid-19. Nếu thời điểm trước dịch, cước vận chuyển clinker từ Hải Phòng đi Sài Gòn khoảng 190.000 – 200.000 đồng/tấn, lúc dịch mới bùng phát là 185.000 đồng/tấn, hiện tại chỉ còn 170.000 đồng/tấn.
“Đội tàu chạy tuyến quốc tế mất việc trở về thị trường nội địa, tranh giành các mối hàng nên khối lượng than vận chuyển của tàu biển nội địa và tàu VR-SB giảm mạnh. Dự báo, 1 – 2 tháng tới, lượng hàng than từ khu vực Quảng Ninh vào Sài Gòn, Đồng Nai, các tỉnh miền Trung sẽ giảm khoảng 30 – 40% so với thời điểm trước dịch”, ông Ngọ nói.
Trước thực trạng trên, ông Ngọ bày tỏ lo lắng khi 5 tàu của đơn vị trong 3 tháng đầu năm vẫn duy trì hoạt động 3 – 4 chuyến/tháng, song lượng hàng sụt giảm nên có thể một nửa trong số đó phải nằm nghỉ. Công suất hoạt động tàu lại quay về mức 50 – 60% như thời gian chịu ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế năm 2008.
Chờ cơ hội
Nhận định về khả năng phục hồi của thị trường vận tải biển trong năm 2020, ông Bùi Việt Hoài kỳ vọng, đại dịch Covid-19 sẽ được các nước khống chế thành công trước tháng 6/2020. “Nếu dịch được kiểm soát trong tháng 6, hoạt động sản xuất, thông thương hàng hóa tại các nước sẽ dần phục hồi sau 1 – 2 tháng tiếp theo. Khi ấy, đội tàu vận tải sẽ có được lượng hàng chuyên chở tương đối lớn để “hồi sinh”.
Trong đó, khu vực Bắc Á (Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc) sẽ là “mảnh đất vàng” đối với các DN vận tải biển. Tuyến vận tải này không chỉ đa dạng các mặt hàng xuất nhập khẩu sang Việt Nam như: Phân bón, sắt thép, thiết bị điện tử… tạo sức bật lớn về nhu cầu vận chuyển sau dịch mà còn là tuyến đội tàu Việt Nam có thể vận chuyển hàng hóa được hai chiều với giá cước hấp dẫn”, ông Hoài chia sẻ.
Nếu dịch kéo dài sang giai đoạn nửa năm còn lại, lãnh đạo Vosco bày tỏ sự lo ngại, các DN vận tải biển sẽ lại hoạt động “lay lắt”, cầm chừng. “Vosco mong muốn sẽ được ngân hàng thương mại cho khoanh nợ, xóa lãi năm 2020, không tính lãi phạt, cơ cấu kéo dài thời gian trả nợ gốc”, ông Hoài nói.
Về thị trường nội địa, ông Bùi Văn Năm, Thư ký Hiệp hội Vận tải đoàn kết An Lư (Hải Phòng) cho rằng, cơ hội để đội tàu trong nước phục hồi phải đến từ hai yếu tố: Các công trình xây dựng trở lại hoạt động bình thường, gia tăng nhu cầu vận chuyển nguyên, vật liệu và thị trường vận tải khu vực Đông Nam Á sôi động trở lại để đội tàu Việt Nam hoạt động tuyến quốc tế tải trọng lớn (10.000 – 20.000 DWT) không trở về thị trường nội địa gây áp lực cho đội tàu biển hạn chế 3 và tàu VR-SB.
Ông Năm cũng kiến nghị Chính phủ giao các bộ, ngành nghiên cứu giảm thuế giá trị gia tăng cho DN vận tải biển nội địa xuống 5% thay vì 10% như thời điểm hiện tại.
Trong khi đó, ông Vũ Đức Ngọ đề xuất thời gian tới, cơ quan chức năng sẽ chỉ đạo các ngân hàng thương mại có chính sách hỗ trợ đối với DN vận tải biển nội địa có lý lịch trả nợ tốt, giảm lãi suất gói vay trung hạn (3 – 4 năm) từ khoảng 11,7%/năm xuống còn 9 – 10%/năm, giúp DN cân đối tài chính, vừa thanh toán nợ, vừa duy trì hoạt động.