Nhờ tái cơ cấu đúng hướng, vận tải biển Việt Nam đã có nhiều khởi sắc, tổng sản lượng vận tải của đội tàu biển Việt Nam liên tục tăng trưởng. Dự kiến trong thời gian tới, với tác động từ những diễn biến thương mại toàn cầu lẫn trong nước, sản lượng hàng hóa trao đổi sẽ tiếp tục tăng trưởng và mang lại một số cơ hội cho các doanh nghiệp vận tải biển Việt Nam.
Liên tục tăng trưởng
Tính đến tháng 12/2018, đội tàu biển Việt Nam có 1.593 tàu (trong đó tàu vận tải hàng hóa là 1.128 tàu) với tổng dung tích 4,8 triệu GT và tổng trọng tải khoảng 7,8 triệu DWT. Theo số liệu thống kê của Diễn đàn Thương mại và phát triển Liên Hiệp quốc (UNCTAD), năm 2018, đội tàu Việt Nam đứng thứ 4 trong khu vực ASEAN và thứ 30 trên thế giới.
Cơ cấu đội tàu biển Việt Nam trong thời gian qua đã có bước cải thiện đáng kể, đội tàu phát triển theo hướng chuyên dụng hóa, đáp ứng được nhu cầu vận tải hàng hóa trong nước. Cụ thể, đội tàu container Việt Nam tăng trưởng khá tốt, số lượng tàu tăng từ 19 tàu trong năm 2013 lên 41 tàu trong năm 2018, tăng bình quân khoảng 20%/năm.
Năm 2018, tổng sản lượng vận tải do đội tàu biển Việt Nam thực hiện ước đạt 144,6 triệu tấn, khối lượng hàng hóa luân chuyển ước đạt 153.079 triệu tấn km, tăng 10,9% so với năm 2017, chiếm tỷ trọng 55,6% trong tổng lượng hàng hóa luân chuyển của tất cả các phương thức vận tải. Đội tàu mang cờ quốc tịch Việt Nam hiện đã đảm nhận được gần 100% lượng hàng vận tải nội địa bằng đường biển, trừ một số tàu chuyên dụng như LPG, xi măng rời… Tổng sản lượng hàng hóa thông qua cảng biển của các phương tiện thủy nội địa năm 2018 ước đạt 171,6 triệu tấn, tăng 30,5% so với năm 2017.
Tỷ trọng lượng hàng thông qua hệ thống cảng biển của phương tiện thủy nội địa đã tăng 11,5% trong giai đoạn 2016 – 2018.
Về hệ thống cảng biển, theo Quy hoạch phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, hệ thống cảng biển Việt Nam được phân chia thành 06 nhóm cảng biển với 45 cảng biển đang hoạt động trong đó cảng biển loại IA (gồm 02 cảng): Cảng Hải Phòng (Lạch Huyện) và Cảng Vũng Tàu (Cái Mép – Thị Vải) cho tàu container 4.000 – 8.000 TEU (tương đương 50.000 – 100.000 tấn), có thể tiếp nhận tàu trọng tải đến 160.000 -180.000 tấn; Cảng biển loại I (gồm 12 cảng có khả năng tiếp nhận tàu có trọng tải từ 10.000 – 50.000 tấn, thực hiện vai trò đầu mối khu vực, thông qua hàng hóa xuất nhập khẩu trên các tuyến biển tầm trung và gần, là cảng vệ tinh cho các cảng loại IA; Cảng biển loại II (gồm 18 cảng) có khả năng tiếp nhận cho tàu trọng tải 10.000 tấn, phục vụ chủ yếu gom hàng trong phạm vi địa phương và khu vực lân cận, là cảng vệ tinh của các cảng cửa ngõ quốc tế (loại IA) và các cảng đầu mối khu vực (loại I).
Hiện nay, tổng số bến cảng được công bố là 272 bến cảng với khoảng 92,2 km dài cầu cảng, với tổng công suất trên 550 triệu tấn/năm. Hệ thống cảng biển Việt Nam đã được đầu tư đồng bộ về cơ sở hạ tầng, đáp ứng được yêu cầu vận chuyển hàng hóa vận tải bằng đường biển. Hầu hết các cảng biển hiện do các doanh nghiệp nhà nước và các thành phần kinh tế khác sở hữu và trực tiếp tổ chức khai thác; có 04 bến cảng được đầu tư bằng nguồn ngân sách nhà nước và giao Cục HHVN làm đại diện cơ quan nhà nước ký hợp đồng cho thuê khai thác gồm: Bến cảng Cái Lân (cầu 5,6,7), Bến cảng container ODA Cái Mép, Bến cảng tổng hợp quốc tế Thị Vải và Bến cảng An Thới – Kiên Giang.
Hiện cả nước có 48 luồng hàng hải công cộng với tổng chiều dài là 944 km và 12 luồng hàng hải chuyên dùng. Các luồng hàng hải được đầu tư hệ thống báo hiệu đồng bộ, theo chuẩn quốc tế, hỗ trợ cho tàu thuyền hàng hải an toàn.
Năm 2018, sản lượng hàng hóa thông qua hệ thống cảng biển Việt Nam ước đạt 524,7 triệu tấn (không bao gồm sản lượng hàng hóa quá cảnh không bốc dỡ), tăng 19% so với năm 2017. Hành khách qua cảng đạt 5,8 triệu hành khách, tăng 28,9% so với năm 2017. Lượng hàng hóa thông qua cảng biển tăng trưởng ở mức cao đều qua các năm đã góp phần giảm tải cho đường bộ, tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước, hỗ trợ doanh nghiệp trong lĩnh vực hàng hải, đồng thời góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội tại các địa phương.
Cảng biển Việt Nam: “Lột xác” sau gần hai thập kỷ quy hoạch
Trong những năm qua, thực hiện chỉ đạo của Bộ GTVT, nhằm tạo điều kiện cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, tận dụng khai thác tối đa kết cấu hạ tầng hàng hải đã được đầu tư xây dựng, Cục HHVN đã hướng dẫn các doanh nghiệp thực hiện việc đánh giá kết cấu hạ tầng hiện hữu, kiểm tra kiểm định, đánh giá chất lượng kết cấu hạ tầng cầu cảng, khả năng đáp ứng của luồng hàng hải, khu quay trở, neo đậu, xây dựng phương án bảo đảm an toàn hàng hải để xem xét, cho phép tàu có trọng tải lớn hơn thiết kế ra vào, làm hàng. Sau gần 20 năm thực hiện quy hoạch phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam, cơ sở hạ tầng cảng biển đã được nâng lên về nhiều mặt. So với năm đầu tiên thực hiện quy hoạch (2000), hệ thống cảng biển Việt Nam đã tăng lên 4,4 lần về chiều dài bến cảng. Năng lực bến cảng được quan tâm, nâng cấp cải tạo để tiếp nhận các tàu có trọng tải ngày càng lớn hơn. Hầu hết các cảng tổng hợp, đầu mối khu vực đã được đầu tư mới và cải tạo nâng cấp cho phép tiếp nhận tàu có trọng tải đến 30.000 DWT và lớn hơn phù hợp với xu thế phát triển của đội tàu biển thế giới. Nhiều bến cảng đầu tư mới với quy mô hiện đại cho phép tiếp nhận tàu trọng tải lớn đến hàng trăm ngàn tấn như các bến cảng khu vực Cái Mép – Thị Vải tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu và bến cảng Lạch Huyện – Hải Phòng.
Ngày 20/02/2017, bến cảng CMIT – cảng Bà Rịa – Vũng Tàu đã tiếp nhận thành công tàu container lớn nhất thế giới hiện nay với trọng tải từ 18.300TEU (194.000 DWT). Đây là cơ sở quan trọng, khẳng định năng lực cảng biển Việt Nam, tạo tiền đề để các hãng tàu sử dụng cảng biển Việt Nam làm mắt xích trong chuỗi hải trình toàn cầu.
Lần đầu tiên tại Việt Nam các bến cảng chuyên dùng hành khách đã được quan tâm, đầu tư xây dựng tại Hòn Gai – Quảng Ninh và Phú Quốc – Kiên Giang. Khi các bến cảng này hoàn thành cho phép tiếp nhận tàu khách quốc tế có trọng tải đến 225.000GT, bước đầu đáp ứng nhu cầu vận tải hành khách du lịch quốc tế bằng đường biển.
Từ những chính sách mở về đầu tư, thời gian qua đã thu hút được nhiều nhà đầu tư là các nhà khai thác cảng chuyên nghiệp, các hãng tàu lớn của thế giới tham gia đầu tư xây dựng và khai thác cảng biển tại Việt Nam, mang đến những dịch vụ cảng biển tốt nhất, góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ và sức cạnh tranh của các cảng biển Việt Nam. Những dịch vụ cảng biển ngày càng hoàn thiện, thủ tục hành chính cho tàu biển không ngừng được cải thiện rút ngắn thời gian chờ đợi tàu.
Mặt khác, do nhu cầu hàng hóa vận tải bằng đường biển ngày càng lớn đã thu hút các hãng tàu mở tuyến tàu mẹ kết nối với Cái Mép – Thị Vải. Tại khu vực đã thiết lập được 20 tuyến vận tải container quốc tế và 6 tuyến vận tải container nội địa.
Ngày 13/5/2018, Bến cảng cửa Ngõ quốc tế Hải Phòng tại Lạch Huyện đã chính thức khánh thành và đưa vào khai thác 02 bến khởi động, tiếp nhận tàu trọng tải 100.000 DWT, đây sẽ là bến cảng tiếp theo tại khu vực phía Bắc cho phép tiếp nhận các tàu mẹ trên tuyến hải trình quốc tế. Các bến cảng tại khu vực Cái Mép – Thị Vải và Lạch Huyện hoàn thành đưa vào khai thác, có khả năng tiếp nhận tàu container trọng tải lớn là cơ sở rất quan trọng, tạo tiền đề để đưa cảng biển Việt Nam trở thành mắt xích trong chuỗi vận tải, logistics toàn cầu.
Có thể nói, nhờ tái cơ cấu đúng hướng, vận tải biển Việt Nam đã có nhiều khởi sắc, tổng sản lượng vận tải của đội tàu biển Việt Nam liên tục tăng trưởng. Hệ thống cảng biển cơ bản đáp ứng yêu cầu luân chuyển hàng hóa, phục vụ tích cực cho phát triển kinh tế biển hội nhập sâu rộng, mở ra nhiều cơ hội cũng như thách thức mới. Thời gian tới, Phó Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam Bùi Thiên Thu cho biết, sẽ tiếp tục nghiên cứu quy hoạch phát triển hệ thống cảng cạn – cánh tay nối dài của cảng biển để vừa hỗ trợ các dịch vụ của cảng biển, vừa góp phần tổ chức hiệu quả mạng lưới giao thông; Đồng thời, dành quỹ đất thích hợp phía sau cảng để xây dựng trung tâm phân phối hàng hóa, dịch vụ hậu cảng, kết nối thuận tiện với mạng lưới giao thông quốc gia. Cục Hàng hải Việt Nam sẽ kiến nghị triển khai những điểm mới trong quy hoạch phát triển cảng biển, trong đó có quan điểm: “Cỡ tàu theo quy hoạch” để làm cơ sở đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng công cộng cảng biển, chỉ cho phép các tàu có tải trọng có thông số kỹ thuật phù hợp với khả năng tiếp nhận của cầu cảng, chuẩn tắc kỹ thuật của luồng tàu, đảm bảo an toàn và chất lượng khai thác tại cảng biển.
Báo Công luận