Việt Nam có lợi thế đặc biệt, xây cảng nhiều, nhưng thiếu hạ tầng kết nối

1/06/19 8:49 AM

Sorry, this entry is only available in Tiếng Việt.

Tại buổi Tọa đàm “Kinh tế vùng trọng điểm nhìn từ hệ thống cảng biển” được tổ chức chiều 29/5, các chuyên gia kinh tế đã trao đổi về những khó khăn, vướng mắc nhằm phát triển kinh tế từ hệ thống cảng biển.

Theo đó, tính đến nay, cả nước đã hình thành được một hệ thống gồm 45 cảng biển, một số cảng cạn (IDC) và trung tâm logistic lớn. Hàng năm hệ thống cảng biển Việt Nam thông qua đến 90% lượng hàng hóa xuất nhập khẩu, góp phần tạo động lực phát triển kinh tế đất nước…

Tuy nhiên, để phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam xứng tầm vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc: sự kết nối giữa các loại hình vận tải đa phương thức như đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa vẫn còn những bất cập; quy hoạch sử dụng đất đai, quy hoạch tổng thể phát triển công nghiệp, quy hoạch hạ tầng, quy hoạch dân cư – đô thị, quy hoạch lao động… chưa có sự đồng bộ.

Xây cảng nhưng thiếu hạ tầng kết nối?

Ông Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, ngay từ những năm đầu của hội nhập kinh tế, hệ thống cảng biển đã được xác định là mấu chốt để giúp phát triển.

“Theo thống kê, chúng ta có 45 cảng biển, tuy nhiên có cảng biển đúng nghĩa của Việt Nam chắc ít, chúng ta nhiều bến hơn nhiều cảng”, ông Kiên nói.

Trong tổng số kêu gọi đầu tư của nước ngoài vào hệ thống cảng biển Việt Nam, thì cảng Hải Phòng, Đà Nẵng, TP.HCM (gọi chung là cụm cảng Sài Gòn) là 3 cụm cảng trọng điểm quốc gia, đều được vay vốn ODA để phát triển. Ngoài ra Việt Nam còn vay vốn ODA để phát triển cảng Cái Lân (Quảng Ninh). Đây là hệ thống cảng xương sống ở các vùng trọng điểm phát triển kinh tế, đều có những khoản vay vốn rất lớn từ những năm 2000 để có thể hỗ trợ cho cảng biển phát triển.

Mặc dù, vai trò của cảng biển rất quan trọng, nhưng không có kết nối hạ tầng kỹ thuật phía sau. Điển hình như, cụm cảng Cái Mép – Thị Vải hiện nay không có đường sắt, và một thời gian rất dài không có đường bộ kết nối.

“Chúng ta cũng vừa làm cảng Lạch Huyện, một cảng rất hoành tráng, vay vốn của Nhật Bản, với sự tư vấn của Nhật Bản, nhưng cuối cùng cũng lại không có đường sắt kết nối, đây là những vấn đề đang được đặt ra”, ông Kiên nhìn nhận.

Xây dựng chiến lược riêng

Đồng quan điểm, PGS.TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, Thành viên Tổ tư vấn của Thủ tướng cho rằng, chúng ta có lợi thế đặc biệt về mặt địa lý, địa hình tự nhiên để phát triển kinh tế biển nhưng thực tế chúng ta phải tận dụng tốt hơn nữa những lợi thế này?

Việt Nam có các vùng kinh tế trọng điểm nằm dọc theo đường bờ biển và mỗi vùng kinh tế trọng điểm này có những đặc điểm khác nhau và việc tận dụng các cảng biển đó để phát triển kinh tế như thế nào cũng là một vấn đề lớn.

Ông Thiên nói: “Tôi có thể ví dụ Cảng TP.HCM, Bà Rịa – Vũng Tàu thì sự hậu thuẫn về công nghiệp phát triển mạnh thì việc phát triển kinh tế sẽ rất thuận lợi là lẽ đương nhiên nhưng đối với khu vực miền Trung thì hậu phương về công nghiệp kém hơn, do đó sự phát triển kinh tế cảng biển cũng bị hạn chế hoặc vùng Tây Nam Bộ lúa gạo nhiều, khả năng xuất nhập khẩu nông sản lớn và chúng ta phải tận dụng hết những lợi thế này để phát triển”.

“Để các cảng có thể hoạt động một cách hiệu quả cần nhìn nhận rõ các tiềm năng lợi thế phải gắn liền với phát triển các yếu tố khác đảm bảo cho cảng hoạt động, ngoài điều kiện tự nhiên”, ông Kiên nói.

Cảng của Việt Nam phần lớn mới chỉ là cảng chở hàng, vì hiện tại công nghiệp của chúng ta vẫn còn thô sơ, do vậy lợi ích kinh tế vẫn thấp. Ngoài chức năng của riêng các vùng kinh tế trọng điểm, Việt Nam cần khai thác tối đa các chức năng cảng công nghiệp, cảng hàng hoá, cảng du lịch gắn với đặc điểm của từng vùng kinh tế trọng điểm một cách đồng bộ.

Bên cạnh đó, ông Thiên cũng chỉ ra rằng, đối với các vùng kinh tế trọng điểm thì mỗi nơi có một đặc điểm riêng. Do đó, cần có tầm nhìn chính xác và xây dựng hướng phát triển dựa trên đặc điểm riêng của từng vùng. Nếu chỉ xây dựng chiến lược chung chung thì rất khó phát triển.

Bizlive