Xây dựng Cảng Cần Giờ góp phần vào phát triển chung của đất nước

19/10/23 6:34 PM

Sorry, this entry is only available in Tiếng Việt.

Đây là quan điểm chung của các chuyên gia kinh tế tại hội nghị lấy ý kiến đề án nghiên cứu xây dựng Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ do UBND TP.HCM tổ chức sáng nay 19/10.

Chủ trì hội nghị có đồng chí Phan Văn Mãi, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch UBND TPHCM; Nguyễn Xuân Sang, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải; Bùi Xuân Cường, Phó Chủ tịch UBND TPHCM.

Về phía đơn vị nghiên cứu, đề xuất dự án Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ có sự tham dự của Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (VIMC)  Lê Anh Sơn, lãnh đạo Công ty cổ phần Cảng Sài Gòn và đối tác MSC/TIL (tập đoàn vận tải biển lớn nhất thế giới).

Bảo đảm tính hài hòa lợi ích kinh tế và môi trường

Góp ý cho Đề án, TS Trần Du Lịch, Ủy viên Hội đồng tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia bày tỏ sự đồng tình việc xây dựng Cảng TCQT Cần Giờ, bởi theo ông phải xem việc phát triển cảng này là vấn đề quốc gia, để phát triển cảng này cần kiến nghị Ban điều phối vùng theo Nghị quyết 24 của Bộ Chính trị, Thủ tướng là Trưởng ban, người điều phối để làm sao hài hòa cả cụm cảng biển phát triển hết tiềm năng vì lợi ích quốc gia chứ không vì thành phố chứ không phải riêng Đông Nam bộ.

Song song vấn đề xây dựng cảng Cần Giờ không chỉ vấn đề trung chuyển quốc tế mà cần tạo một hệ sinh thái chung để phát triển một trung tâm logictics và đặc biệt là khu mậu dịch phi thuế quan, điều này cần bổ sung thêm để khai thác cảng quốc tế đó là cái lợi thế và là điều rất quan trọng.

'Siêu' cảng quốc tế Cần Giờ: Thời cơ lịch sử không thể bỏ lỡ - Ảnh 2.

TS Trần Du Lịch phát biểu tại hội nghị

TS Trần Du Lịch cũng cho rằng cần tiếp tục đánh giá về tác động xây dựng cảng biển Cần Giờ với môi trường, xã hội. Với vai trò là Chủ tịch – Hội đồng Tư vấn triển khai thực hiện Nghị quyết số 98, TS Trần Du Lịch cũng nhấn mạnh đến cơ hội khi tận dụng cơ chế đặc thù để triển khai thực hiện Đề án này và cơ hội mất đi thì không thể tìm lại được. Ông cho rằng đây là cơ hội để cụm cảng biển số 4 xây dựng Cái Mép – Thị Vải và Cần Giờ thành một trung tâm trung chuyển quốc tế ở tầm nhìn 20 năm tới, khi có đường hàng hải quốc tế và những quan hệ kinh tế thay đổi.

Đồng tình với ý kiến của TS Trần Du Lịch về cơ hội và tầm quốc gia của cảng Cần Giờ, GS.TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam nhấn mạnh, phải xem đây là cơ hội lịch sử cần phải tận dụng và nắm bắt cơ hội này. Vì việc xây dựng Cảng Cần Giờ là phát huy hết tiềm năng cùng các cảng biển khác cho sự phát triển của đất nước.

GS.TS Nguyễn Trọng Hoài, nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế TPHCM nêu ý kiến tại hội nghị

GS.TS Nguyễn Trọng Hoài, nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế TPHCM nêu ý kiến tại hội nghị

Phân tích về những xung đột khi xây dựng Cảng Cần Giờ, GS.TS Nguyễn Trọng Hoài, nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế TPHCM cho rằng, dự án  rất có ý nghĩa với tiềm năng kinh tế biển của TPHCM nói riêng và của Việt Nam nói chung. Cần Giờ là nơi mà có thể liên kết vùng. Nếu có nhiều xung đột liên quan đến cụm cảng, có nhiều xung đột liên quan đến vấn đề xã hội, văn hóa, đặc biệt là vấn đề môi trường. Về báo cáo kỹ thuật đã nêu, đây là một vùng đệm chứ không phải vùng lõi và đã nêu sẽ sử dụng công nghệ số để giảm thiểu về môi trường và có đưa ra một số thuyết phục ban đầu. Tất cả những xung đột lợi ích đã chứng minh được rằng lợi ích lớn hơn và xung đột có thể giải quyết. Điều này theo ông cần phải được nêu rõ để tạo sự đồng thuận.

PGS.TS Viên Ngọc Nam, Giảng viên Khoa Lâm nghiệp Trường Đại học Nông lâm TPHCM là người trực tiếp chỉ đạo trồng rừng ngập mặn Cần Giờ và có 23 năm làm việc trong ngành lâm nghiệp thành phố và đến năm 2005 trở về làm công tác giảng dạy và nghiên cứu rừng ngập mặn Việt Nam. Ông bày tỏ sự đồng tình việc xây dựng cảng và cho rằng việc xây dựng cảng này nên dịch chuyển không đụng tới ranh giới của rừng, điều này vừa được cảng, vừa được rừng. Khi làm cảng này cũng sẽ có lợi che chắn 2 cù lao giảm sạt lở. Điều này bảo đảm hài hòa về môi trường.

Tận dụng thời cơ để thực hiện đề án

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Xuân Sang, đánh giá cao việc TPHCM tổ chức hội nghị để lắng nghe ý kiến góp ý của các chuyên gia. Đồng thời, nhấn mạnh về cơ sở chính trị và pháp lý để triển khai thực hiện đề án. Việc xây dựng đề án chính là cơ sở khoa học và thực tiễn để góp ý hoàn thiện cơ sở cuối cùng đề án xây dựng Cảng TCQT Cần Giờ.

Đồng chí Nguyễn Xuân Sang lưu ý, cần đặt Cảng Cần Giờ trong khu vực cảng biển thuộc nhóm cảng biển số 4, gồm TPHCM, Thị Vải, Vũng Tàu, Bình Dương, Long An và cần đặt trong tuyến vận tải biển. Mục tiêu xây dựng cảng trung chuyển thì cần đặt cảng này trong cảng quốc tế là quan trọng. Bên cạnh đó, TP cần làm rõ trong xây dựng cảng biển quốc gia đã tính và đưa vào Cảng Cần Giờ là tiềm năng và đặt các cảng biển vào phạm vi thế giới để hoạch định cảng biển.

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Xuân Sang phát biểu tại hội nghị

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Xuân Sang phát biểu tại hội nghị

Về vấn đề môi trường được nhiều người quan tâm khi xây dựng cảng biển Cần Giờ, Thứ trưởng Nguyễn Xuân Sang cho rằng do vị trí đặt cảng biển ở 2 cù lao có rừng, Bộ GTVT đã giao đánh giá tư vấn môi trường đánh giá khi quy hoạch điều chỉnh chung. Cần có đánh giá sâu hơn về vấn đề môi trường để đưa vào đề án, để Bộ xem xét.

“Đây là nội dung quan trọng và rất khó, định hướng xây dựng đề án mang tính đột phá, yếu tố thời cơ rất quan trọng, tạo ra cơ hội để có bước tăng trưởng nhảy vọt về trung chuyển. Đồng tình quan hệ giữa các cảng là quan hệ tương hỗ, có tác động tích cực với nhau. Vì vậy, TP cần nghiên cứu cần kỹ, cẩn trọng, toàn diện, nhưng do có yếu tố thời cơ nên cần khẩn trương thực hiện, cần có tiến độ hoàn thành đề án để Bộ GTVT trình Chính phủ phê duyệt quy hoạch tổng thể cảng biển. Do đó, TP cần có tiến độ hoàn thành đề án, tiến độ cập nhật quy hoạch, tiến độ trình tự, thủ tục đầu tư.” – Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Xuân Sang đề nghị.

Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi phát biểu kết luận hội nghị

Kết luận hội nghị, Chủ tịch UBND TP Phan Văn Mãi nhấn mạnh, qua hội nghị đã thống nhất đây là cơ hội và tận dụng cơ hội để triển khai dự án, nhận thức đây là dự án trọng điểm quốc gia và khi triển khai thì tận dụng cơ hội này để triển khai dự án. Đây là dự án trọng điểm quốc gia, nếu thực hiện thành công sẽ đưa Việt Nam tham gia vào mạng lưới vận tải hàng hóa toàn cầu, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc tế của Việt Nam. Do vậy phải tính lợi ích tổng thể chung để triển khai dự án.

Chủ tịch UBND TP Phan Văn Mãi giao Sở GTVT cùng với đơn vị tư vấn, các đơn vị có liên quan tiếp thu đầy đủ các ý kiến chỉ đạo Thứ trưởng Bộ GTVT và các ý kiến phát biểu tại đây cũng như các ý kiến góp ý bằng văn bản, để giải trình theo yêu cầu chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà và khẩn trương hoàn thiện đề án. Đề nghị đến cuối tháng 10 Sở GTVT đơn vị tư vấn và hoàn thiện hồ sơ, đến khoảng 15/11 thì xin lại ý kiến của các bộ, ngành.

“TPHCM xác định vai trò, trách nhiệm chính trong việc hoàn thiện đề án và triển khai đề án, tập trung nghiên cứu, đề xuất các cơ chế chính sách ưu đãi cho nhà đầu tư, phân bổ nguồn lực để đầu tư hạ tầng đồng bộ, kết nối, tập trung đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho dự án và các vấn đề có liên quan khác. TP vừa làm khẩn trương, làm chặt chẽ để đạt được kết quả cao nhất.” – Đồng chí Phan Văn Mãi nhấn mạnh.


Cảng xanh đầu tiên

Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ (huyện Cần Giờ) có mức đầu tư dự kiến gần 5,4 tỉ USD. Theo đề án, vị trí cảng là khu vực cù lao Con Chó nằm ở cửa sông Cái Mép, thuộc vùng đệm khu dự trữ sinh quyền rừng ngập mặn Cần Giờ, không ảnh hưởng đến vùng lõi khu dự trữ. Nơi đây nằm biệt lập với các khu vực lân cận, hiện nay có kết nối thuận lợi với luồng hàng hải và luồng đường thủy.

Về quy mô, tổng chiều dài cầu cảng chính dự kiến khoảng 7 km và bến sà lan khoảng 2 km để đón tàu có trọng tải lên đến 250.000 DWT (24.000 teu)… Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ sẽ sử dụng điện để trở thành cảng xanh đầu tiên tại Việt Nam.

Sau khi hoàn thành, cảng đóng vai trò lớn trong phát triển kinh tế biển cho vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước. Đồng thời giúp TP HCM giữ vững vị trí trung tâm logistics của khu vực, vươn lên đứng hàng đầu về vận tải biển. Trong tương lai không xa, nơi đây đem về nguồn thu ngân sách, tạo công ăn việc làm cho người dân, hoàn hiện hạ tầng đường sá, thu hút đầu tư…