Logistics là loại hình dịch vụ quan trọng đối với sự phát triển của nền kinh tế và thúc đẩy hoạt động sản xuất hàng hóa.
Đây cũng là những lĩnh vực có nhiều cam kết đáng chú ý trong Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Liên minh châu Âu (EVFTA) theo hướng mở cửa thị trường, bảo đảm cạnh tranh và minh bạch trong hợp tác kinh doanh và đặt ra những giới hạn đối với quản lý Nhà nước. Vì vậy, sau khi được chính thức ký kết và sẽ có hiệu lực thi hành trong năm nay, Hiệp định EVFTA được dự báo sẽ có tác động đáng kể đến tương lai thị trường logistics ở Việt Nam.
Vốn là ngành dịch vụ có nhiều tiềm năng nhưng ở Việt Nam hiện nay logistics chưa thực sự phát triển đủ lớn mạnh và năng lực cạnh tranh trong nước còn tương đối hạn chế. Lâu nay, ngành này vẫn được “bảo hộ” khá chặt chẽ thông qua các điều kiện đầu tư đối với nhà đầu tư nước ngoài.
Tuy nhiên, khi EVFTA được ký kết và có hiệu lực trong thời gian tới, sẽ mở ra không ít cơ hội kinh doanh và bảo hộ có ý nghĩa cho các nhà cung cấp dịch vụ logistics và đầu tư của Liên minh châu Âu (EU) khi bước chân vào thị trường đầy tiềm năng của Việt Nam. Điều đó đồng nghĩa, sẽ tạo thêm sức ép lớn đối với các doanh nghiệp logistics trong nước bởi các đối thủ canh tranh tới từ EU vốn đã rất phát triển và có tiềm lực hùng hậu.
Đây là thách thức trực diện, mặc dù, nhìn nhận 1 cách khách quan thì nhiều chuyên gia kinh tế khẳng định, sẽ cơ hội lớn để ngành này và các doanh nghiệp logistics Việt Nam buộc phải đổi mới, thúc đẩy cải cách và nâng cao năng lực cạnh tranh cho chính mình trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế đang ngày càng sâu, rộng như hiện nay.
Theo bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam), việc tăng cường cạnh tranh trên thị trường nhóm dịch vụ phục vụ các ngành sản xuất quan trọng như logistics sẽ hứa hẹn tạo cơ hội để các ngành sản xuất chế biến, chế tạo của Việt Nam, nhất là trong các khu vực sản xuất, xuất khẩu có thể tiếp cận các dịch vụ logistics với chất lượng tốt hơn, chi phí hợp lý hơn, từ đó có thể giảm giá thành sản phẩm, nâng cao năng lực cạnh tranh về giá cho hàng hóa Việt Nam, đặc biệt là hàng hóa xuất khẩu.
Theo các điều khoản tại EVFTA, Việt Nam cam kết mở cửa thị trường đối với dịch vụ vận tải hàng không, vận tải đường bộ, đường sắt, vận tải biển, vận tải thủy nội địa và một số dịch vụ hỗ trợ mọi phương thức vận tải.
Việc mở cửa dịch vụ được thực hiện theo nguyên tắc chọn cho đối với các lĩnh vực đã cam kết. Theo đó trong lĩnh vực đầu tư, trừ khi có các quy định khác, Việt Nam cam kết không áp dụng các biện pháp hạn chế đối với các nhà đầu tư EU về số lượng doanh nghiệp, tổng giá trị giao dịch hoặc tài sản, tổng số các hoạt động dịch vụ hay tỷ lệ tối đa của cổ phần/vốn góp/giá trị đầu tư nước ngoài và loại hình cụ thể của pháp nhân hoặc liên doanh…
Việt Nam cũng cam kết dành sự đối xử cho các nhà đầu tư EU không kém thuận lợi hơn so với các nhà đầu tư Việt Nam về việc thành lập hiện diện thương mại hay hoạt động của doanh nghiệp trong tất cả các lĩnh vực.
Việt Nam cũng cam kết dành sự đối xử cho các nhà cung cấp dịch vụ EU không kém thuận lợi hơn dành cho các nhà cung cấp dịch vụ nào của nền kinh tế khác trừ những trường hợp đã có cam kết khác…
Ngoài ra, Việt Nam cam kết không áp đặt đối với các nhà đầu tư EU về mức độ/tỷ lệ xuất khẩu, tỷ lệ hàm lượng nội địa hóa, mua, sử dụng hoặc dành ưu đãi đối với hàng hóa/dịch vụ của Việt Nam, ràng buộc số lượng/giá trị nhập khẩu hay nhập khẩu hoặc nguồn thu ngoại tệ, việc chuyển giao công nghệ, quy trình sản xuất hàng hóa, kiến thức độc quyền cho phía Việt Nam hoặc cung cấp độc quyền hàng hóa đến 1 khu vực cụ thể.
Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban pháp chế VCCI cho hay, theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới, Việt Nam đứng thứ 3 chỉ sau Singapore và Thái Lan về hoạt động logistics, tuy đứng đầu trong thị trường logistics mới nổi nhưng cũng chỉ xếp ở vị trí cao nhất trong nhóm các nước có thu nhập trung bình thấp.
Tiềm năng phát triển của logistics Việt Nam là dựa vào độ mở của nền kinh tế khiến lưu lượng hàng hóa chuyển dịch qua các khu vực ngày càng tăng cao, lại nhờ vào vị trí địa lý thuận lợi với bờ biển dài và nằm trong tuyến hàng hải quốc tế cùng mạng lưới đường bộ trải khắp cả nước và hệ thống đường cao tốc, sân bay quốc tế, hệ thống kho, cảng biển đang được chủ trương đầu tư mạnh. Thêm vào đó, nhờ việc Chính phủ xác định vận tải và logistics là đầu vào, kết nối với các ngành khác nên chủ trương cải cách thủ tục hành chính với hoạt động xuất nhập khẩu, hải quan điện tử giúp tạo thuận lợi, rút ngắn thời gian và chi phí logistics.
Tuy nhiên, điểm yếu của ngành này chính nằm ở chỗ cơ sở hạ tầng chưa đầy đủ và hoàn thiện, hệ thống đường bộ có nhiều tuyến đường xuống cấp, quá tải và đường sắt cũng rất tốn phí đầu tư. Hơn nữa, hạ tầng cảng biển kém và không có dịch vụ hàng hải kết nối trực tiếp với các cảng biển tại châu Âu và Mỹ.
Đó là chưa kể, tập quán xuất nhập khẩu theo lối cũ nên khách hàng thường thuê phương tiện do đối tác nước ngoài đảm nhận thay vì lựa chọn đội tàu trong nước để vận tải. Chính vì những lý do đó khiến cho chi phí dịch vụ logistisc ở Việt Nam rất cao, thường chiếm tới 20-25% GDP hàng năm. Cụ thể, chiếm 12% trong giá thành của các sản phẩm thủy sản, 23% giá thành đồ gỗ, 29% giá thành rau quả, 30% giá thành gạo… Ở mức này, chi phí logistics ở Việt Nam thường cao hơn Thái Lan tới 6%, hơn Malaysia 12% và hơn Singapore 300%…
Trước những thách thức đặt ra như đã nêu, để có thể tận dụng cơ hội kinh doanh từ các EVFTA, theo bà Nguyễn Thị Thu Trang, các doanh nghiệp logistics Việt Nam cần có kế hoạch khắc phục những hạn chế hiện tại, qua đó nâng cao năng lực cạnh tranh cho chính mình.
Cụ thể, các doanh nghiệp cần nắm rõ các cam kết mở cửa thị trường dịch vụ để nhận diện những nguy cơ mới, có kế hoạch nâng cao chất lượng dịch vụ và tính chuyên nghiệp, bài bản trong cung cấp dịch vụ, chăm sóc khách hàng. Các doanh nghiệp cải thiện trình độ công nghệ thông tin và tăng cường ứng dụng các thành tựu khoa học kỹ thuật để kết nối thông tin, nhất là mạng lưới logistics toàn cầu.
Doanh nghiệp cũng cần tăng cường đào tạo nguồn nhân lực để đảm bảo năng lực chuyên môn của đội ngũ lao động; cải thiện quy mô vốn, năng lực quản lý và phạm vi hoạt động kinh doanh, nhất là việc tận dụng cơ hội liên doanh với các nhà đầu tư EU.
Theo bà Trang, các doanh nghiệp Việt Nam cũng nên tìm các kênh thích hợp để tăng liên kết với các doanh nghiệp dịch vụ logistics khác như: hãng tàu, đại lý thương mại, bảo hiểm… Đồng thời, tích cực tham gia vào quá trình xây dựng, hoàn thiện chính sách của Nhà nước về quản lý đối với hoạt động logistics và các hoạt động liên quan khác như: hải quan, công thương…..
Bên cạnh đó, Nhà nước cũng cần thêm các chính sách thúc đẩy việc cải thiện môi trường đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho hoạt động kinh doanh của ngành logistics nói chung cùng các doanh nghiệp Việt, bà Trang nhấn mạnh.
Trước những thách thức đối với ngành logistics, ông Nguyễn Cảnh Tĩnh, Đại diện Tổng công ty Hàng hải Việt Nam cho rằng, năng lực hiện có và xu thế tự do hóa trong lĩnh vực dịch vụ vận tải hàng hải quốc tế đã, đang và sẽ gây áp lực cạnh tranh ngày càng lớn trên những tuyến quốc tế đối với các hãng tàu của Việt Nam.
Tuy nhiên, trong khó khăn vẫn luôn có những cơ hội, theo ông Tĩnh, với cam kết trong EVFTA, thương mại hàng hóa xuất nhập khẩu giữa Việt Nam với các nước thuộc Liên minh châu Âu sẽ tăng lên đáng kể. Trong khi đó, có tới 90% lượng hàng hóa xuất nhập khẩu của Việt Nam được thực hiện qua đường biển. Điều này sẽ kéo theo tỷ trọng hàng hóa các tuyến vận tải biển tuyến Bắc – Nam và Đông – Tây chắc chắn gia tăng.
“Để tăng sức cạnh tranh, vận tải biển Việt Nam và các doanh nghiệp trong lĩnh vực này cần tập trung cải thiện giá thành, chất lượng dịch vụ và hiện đại hóa đội tàu, các cảng biển”, ông Tĩnh khuyến nghị…