Tiếp tục kiến nghị miễn giảm thuế thu nhập cá nhân cho thuyền viên

8/09/22 4:05 PM

Đóng góp vào Dự thảo Đề án phát triển đội tàu vận tải biển quốc tế của Cục Hàng hải Việt Nam, doanh nghiệp đề xuất nhiều chính sách liên quan đến nguồn nhân lực, trong đó kiến nghị đưa ra quy định mức lương tối thiểu, miễn giảm thu nhập cá nhân cho thuyền viên.

Cần quy định mức lương tối thiểu, miễn giảm thuế thu nhập cá nhân

Hiện nay, lượng hàng hóa xuất nhập khẩu bằng container ở Việt Nam chủ yếu do hãng tàu nước ngoài đảm nhận, đặc biệt tuyến biển xa đến các nước phát triển thuộc châu Âu, châu Mỹ. Đội tàu trong nước chủ yếu đảm nhận phần vận tải nội địa, hoạt động tuyến quốc tế ngắn trong khu vực châu Á. Thị phần vận tải biển tuyến quốc tế của đội tàu vận tải biển Việt Nam lại đang có xu hướng giảm dần đều trong thời gian qua.

Dự thảo Đề án phát triển đội tàu biển quốc tế của Cục Hàng hải Việt Nam (gọi tắt là Đề án) đặt mục tiêu tăng thị phần vận tải hàng hóa xuất nhập khẩu qua cảng biển Việt Nam bằng đội tàu biển Việt Nam lên 10% vào năm 2026 và đạt 20% vào năm 2030. Dự thảo Đề án cũng chỉ ra nhiều vấn đề khiến đội tàu vận tải biển quốc tế của Việt Nam chưa thể phát triển như kỳ vọng, trong đó có vấn đề về nguồn nhân lực hàng hải, đặc biệt là sĩ quan, thuyền viên.

Theo thống kê của Cục Hàng hải Việt Nam, cả nước đang có gần 50.000 thuyền viên. Căn cứ xu hướng phát triển đội tàu trong nước và nhu cầu bổ sung lực lượng thuyền viên nghỉ hưu, bỏ nghề, Việt Nam cần đào tạo mới khoảng 15.000 thuyền viên (7.000 người bổ sung theo yêu cầu phát triển đội tàu, 8.000 người thay thế lực lượng thuyền viên hiện có).

Hiện tại, các chủ tàu ngày càng khó tuyển dụng thuyền viên, đặc biệt là những người có tay nghề cao. Ông Vũ Khang Cường – Trưởng phòng Đăng ký tàu biển và Thuyền viên (Cục Hàng hải Việt Nam) cho biết, Bộ luật Lao động 2019 lần đầu tiên quy định người lao động (NLĐ) làm việc trong lĩnh vực Hàng hải xếp vào nhóm các ngành nghề đặc biệt, được áp dụng một số chế độ phù hợp về đào tạo, hợp đồng lao động, tiền lương, thời giờ làm việc. Đây là cơ sở quan trọng để cơ quan chức năng, doanh nghiệp nghiên cứu, đề xuất Chính phủ chính sách phù hợp nhằm “vực dậy” nguồn nhân lực hàng hải nói chung và thuyền viên nói riêng.

Cục Hàng hải Việt Nam sẽ nghiên cứu, lấy ý kiến của cơ quan chức năng về việc quy định mức lương tối thiểu trên cơ sở tham khảo mức lương tối thiểu thuyền viên của ITF (Liên đoàn Công nhân Vận tải Quốc tế). Tuy nhiên, việc quy định mức lương tối thiểu có thể sẽ ảnh hưởng lớn đến hoạt động của doanh nghiệp nên vấn đề này sẽ được xem xét kĩ lưỡng trước khi đề xuất lên cấp có thẩm quyền.

Nhiều ý kiến cho rằng, lao động lĩnh vực Hàng hải được xếp vào nhóm ngành đặc thù thì các chế độ liên quan cũng cần phải được xem xét, điều chỉnh theo hướng ưu tiên. Điển hình là chế độ Bảo hiểm xã hội (BHXH) và Bảo hiểm y tế (BHYT) của thuyền viên.

VIMC đề xuất miễn giảm thuế thu nhập cá nhân cho thuyền viên

Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (VIMC) cho biết, nguồn nhân lực vận tải biển Việt Nam được đào tạo bài bản, có nhiều kinh nghiệm trong quản lý, khai thác tàu, tuân thủ các quy định trong Công ước Lao động Hàng hải 2006 (MLC 2006). Tuy nhiên, bộ máy quản lý của nhiều doanh nghiệp vận tải biển, đặc biệt là các doanh nghiệp có vốn góp của Nhà nước còn cồng kềnh, tư duy kinh doanh còn nặng theo truyền thống…

Về cơ chế, chính sách khuyến khích nguồn nhân lực vận tải biển, VIMC đề nghị miễn thuế thu nhập cho thuyền viên làm việc trên tàu chạy tuyến nội địa thay vì miễn 50% cho thuyền viên có thâm niên công tác từ 5 năm trở lên (giống như miễn thuế thu nhập cho thuyền viên trên tàu chạy tuyến quốc tế).

Tàu Bien Dong Navigator của Công ty vận tải Biển Đông đang cập cảng và làm hàng tại cảng Tân Vũ

Bởi lẽ, Nghị quyết số 36-NQ/TW tại Hội nghị lần thứ VIII Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về chàu Thanh Ba của Công ty CP Vận tải biển và Hợp tác lao động quốc tế đang cập cảng và làm hàng tại iến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn năm 2045 đã chỉ rõ: “…Đẩy mạnh phát triển đội tàu vận tải biển với cơ cấu hợp lý, ứng dụng công nghệ hiện đại, nâng cao chất lượng dịch vụ, đáp ứng nhu cầu thị trường vận tải nội địa, tham gia sâu vào các chuỗi cung ứng vận tải, từng bước gia tăng, chiếm lĩnh thị trường quốc tế”.

Để khuyến khích đội ngũ thuyền viên, ngày 26/11/2014, Quốc hội đã ban hành Luật số 71/2014/QH13 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật về thuế. Cụ thể, Khoản 3, Điều 2 của Luật đã bổ sung Khoản 15, Điều 4 về thu nhập được miễn thuế của Luật Thuế thu nhập cá nhân năm 2012: “Thu nhập từ tiền lương, tiền công của thuyền viên là người Việt Nam làm việc cho các hãng tàu nước ngoài hoặc các hãng tàu Việt Nam vận tải quốc tế”.

Nhưng quy định trên còn bất cập bởi thuyền viên dù chạy tuyến quốc tế hay tuyến nội địa cũng vẫn phải chi phí hai đầu bến cảng rất đắt đỏ. Mức lương thuyền viên chạy tuyến nội địa thấp hơn nhưng vẫn phải nộp thuế thu nhập cá nhân. Do vậy, thuyền viên có xu hướng chỉ lựa chọn đi tuyến quốc tế hơn là đi tuyến trong nước.

Nhấn mạnh doanh nghiệp không thể tồn tại nếu không có nguồn nhân lực, VIMC đề nghị bổ sung việc công nhận thuyền viên là nguồn lao động chủ chốt theo kiến nghị của Tổ chức Hàng hải Quốc tế (IMO). Theo đó, Nhà nước cần xây cơ chế, chính sách đặc thù để thu hút nguồn lao động thuyền viên như: Bỏ quy định tham gia BHYT với thuyền viên trong thời gian làm việc trên tàu (việc phải đóng BHYT bắt buộc gây tốn kém cho thuyền viên khi hầu hết thời gian trong năm, thuyền viên làm việc trên biển, không sử dụng dịch vụ y tế trên bờ. Những thuyền viên dự trữ trên bờ lại không được nhận hỗ trợ từ BHYT do không có lương); ưu tiên thuyền viên không phải mua BHYT bắt buộc để tránh chi phí phát sinh.

VIMC còn kiến nghị Chính phủ và các bộ, ngành liên quan xem xét chấp nhận cho thuyền viên được đóng BHXH ở mức bình quân theo tháng đối với thu nhập trong một năm. Hiện nay, quy định về thực hiện chính sách BHXH đối với thuyền viên còn chưa phù hợp. Thuyền viên làm việc trên tàu từ 6 đến 10 tháng liên tục, sau đó sẽ thực hiện nghỉ dự trữ trung bình từ 2 đến 4 tháng. Mọi thu nhập kể cả tiền làm thêm giờ, tiền phép đều được chi trả trong khoảng thời gian làm việc trên tàu. Thời gian nghỉ dự trữ thường không có bất kỳ một khoản thu nhập nào. Luật BHXH quy định thuyền viên là một nghề nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm được quy định nghỉ hưu ở tuổi 55. Với thời gian đóng BHXH từ 6 đến 10 tháng/năm thì đến khi đủ tuổi nghỉ hưu, thuyền viên sẽ không đảm bảo được thời gian đóng BHXH (dưới 35 năm) để hưởng đầy đủ các quyền lợi về chế độ hưu trí theo quy định hiện hành (75%).

Đồng tình với quan điểm trên, ông Phạm Hồng Khánh – Giám đốc Công ty CP Vận tải biển Tân Đại Dương cho rằng, cần xem xét đưa ra quy định mức lương tối thiểu, miễn thuế thu nhập cho thuyền viên đi tàu nội địa; cho phép chủ tàu Việt Nam chạy tuyến nội địa được mua nhiên liệu với giá tạm nhập tái xuất mà không phải chịu thuế nhập khẩu để giảm chi phí, lấy số tiền chênh lệch trả mức lương hấp dẫn cho thuyền viên.

Bắt buộc doanh nghiệp phối hợp đào tạo, tránh tình trạng “câu kéo” thuyền viên

Theo VIMC, trong bối cảnh cạnh tranh nguồn nhân lực gay gắt, nhiều doanh nghiệp không tham gia vào công tác thực tập, đào tạo, huấn luyện thuyền viên mà chỉ “câu kéo” thuyền viên bằng cách tăng lương cao mà không phải bỏ chi phí đào tạo. Đơn vị này kiến nghị Cục Hàng hải Việt Nam, Bộ Giao thông vận tải cần có quy định và chế tài bắt buộc các doanh nghiệp vận tải biển có trách nhiệm trong việc phối hợp với các trường nghề hàng hải trong việc đào tạo, huấn luyện, nâng bậc cho thuyền viên.

Tiếp tục kiến nghị miễn giảm thuế thu nhập cá nhân cho thuyền viên

Đào tạo thuyền viên tại Trường Cao đẳng nghề Bách Nghệ (Hải Phòng)

Thời gian qua, để giữ chân sĩ quan, thuyền viên, VIMC đã vận dụng chính sách cải cách tiền lương cho sĩ quan, thuyền viên nhưng vẫn không theo kịp các hãng tàu tư nhân. Tình trạng “chảy máu chất xám” đã diễn ra. Nhiều hãng tàu mới ra đời “quyết lấy bằng được người” bằng chính sách tiền lương và các chính sách khác “hấp dẫn” hơn. Trong khi đó, chính sách của VIMC hạn chế vì đặc thù doanh nghiệp Nhà nước (nhiều về số lượng nhưng ít về khối lượng).

Ông Phạm Hồng Khánh – Giám đốc Công ty CP Vận tải biển Tân Đại Dương cũng cho rằng, thiếu nhân lực thuyền viên dẫn đến tình trạng chủ tàu thiếu chức danh gì tuyển nấy, chưa chủ động phối hợp với các cơ sở đào tạo huấn luyện sẵn nhân lực với đầy đủ chức danh, có cơ chế hỗ trợ, tăng lương cho NLĐ. Chủ tàu Việt Nam cần học hỏi chính sách duy trì nguồn nhân lực của chủ tàu nước ngoài: Đặt hàng đào tạo kết hợp giữ NLĐ bằng chính sách ưu đãi như thuyền viên nghỉ chờ tàu vẫn được cấp lương, đóng BHXH…

Theo Cục Hàng hải Việt Nam, nâng cao chất lượng đội ngũ thuyền viên là một giải pháp quan trọng để phát triển đội tàu. Việc nghiên cứu xây dựng chương trình đào tạo sĩ quan, thuyền viên không qua cấp đào tạo đại học cần được tính tới. Đơn vị sử dụng thuyền viên và các cơ sở đào tạo cần tăng cường phối hợp đào tạo, huấn luyện nhằm đảm bảo nhân lực có kiến thức, kĩ năng sát với yêu cầu thực tế.

Cần quản lý nguồn lao động hàng hải, đặc biệt là sĩ quan, thuyền viên làm việc trên tàu; đẩy mạnh xã hội hóa công tác đào tạo nguồn nhân lực, bao gồm cả đào tạo trong nước và nước ngoài; có chính sách, chế độ ưu đãi đặc thù đối với lao động của ngành Vận tải biển nhằm khích NLĐ gắn bó lâu dài với nghề như đưa ra quy định về mức lương tối thiểu, giảm 50% thuế thu nhập đối với thuyền viên trên tàu nội địa…

LĐCĐ