Năm 2023, nhiều yếu tố tác động gây khó cho thị trường cảng biển Việt Nam khiến doanh thu sụt giảm. Tình thế đó buộc các doanh nghiệp cảng biển tìm hướng cho năm 2024.
Doanh thu không như kỳ vọng
Những ngày cuối năm 2023, hàng hóa qua cảng biển khu vực Vũng Tàu vẫn tấp nập. Sản lượng hàng hóa qua cảng tăng trưởng nhẹ sau nhiều tháng giảm liên tiếp.
Khối cảng biển trong năm 2024 vẫn đối mặt với nhiều thách thức
Thống kê của Cục Hàng hải VN, trong 11 tháng đầu năm 2023, sản lượng hàng qua cảng biển Bà Rịa -Vũng Tàu tăng 3% so với cùng kỳ năm 2022.
Tuy nhiên, khối lượng hàng container thông qua giảm khoảng 5%. Năm 2023, tổng khối lượng hàng hóa qua cảng biển Bà Rịa – Vũng Tàu ước đạt hơn 111 triệu tấn. Trong đó, khối lượng hàng hóa đạt hơn 7,9 triệu Teu.
Theo các chuyên gia, năm qua, khối cảng biển tại Bà Rịa – Vũng Tàu, đặc biệt khu vực cảng nước sâu Cái Mép – Thị Vải là khu vực chịu ảnh hưởng lớn bởi những biến động của tình hình kinh tế – xã hội, chính trị thế giới. Chi tiêu bị thắt chặt tại nhiều nước đã khiến hàng tồn kho lớn, giảm các đơn hàng xuất khẩu.
Không riêng Bà Rịa – Vũng Tàu hay doanh nghiệp tại Cái Mép – Thị Vải, theo Cục Hàng hải VN, năm 2023, ước tổng khối lượng hàng hóa thông qua cảng biển Việt Nam hơn 756 triệu tấn, tăng 5% so với cùng kỳ năm 2022.
Đây là mức tăng trưởng khá thấp so với các năm trước đó. Trong đó, hàng xuất khẩu chỉ tăng 2%, hàng nhập khẩu tăng 8%. Sản lượng hàng hóa tính theo Teu chỉ bằng với cùng kỳ năm trước.
Thừa nhận sản lượng hàng hóa qua cảng và lợi nhuận không đạt được kế hoạch đặt ra, ông Phan Hoàng Vũ, Phó tổng giám đốc Công ty TNHH liên doanh dịch vụ container Quốc tế cảng Sài Gòn – SSA (chủ đầu tư bến cảng SSIT) cho biết, lượng hàng rời qua cảng có sự tăng trưởng, đạt hơn 2 triệu tấn, vượt khoảng 10% so với kế hoạch. Tuy nhiên, năm nay, sản lượng hàng container lại suy giảm.
Sở hữu nhiều cảng biển, Tổng công ty Hàng hải VN (VIMC) cũng cùng chung tình cảnh. Ước tính trong năm 2023, sản lượng hàng thông qua khối cảng của VIMC đạt 113 triệu tấn, bằng 84% kế hoạch năm.
Tổng doanh thu trong năm của VIMC ước đạt gần 18.000 tỷ đồng, vượt 4% so với kế hoạch đặt ra; Lợi nhuận đạt hơn 2.000 tỷ đồng, chỉ bằng 90% so với kế hoạch.
Dù vậy, tại một số khu vực vẫn có những điểm sáng. Dù thị trường chính của cảng Đà Nẵng khó khăn nhưng các chỉ số kinh doanh của cảng vẫn duy trì được sự tăng trưởng ổn định. Tổng sản lượng dự kiến tăng 2%, tổng doanh thu dự kiến tăng 4% và lợi nhuận trước thuế ước tăng 2% so với cùng kỳ năm 2022.
Phó tổng giám đốc Cảng Quy Nhơn Hồ Liên Nam cho biết, doanh nghiệp này cũng có những tín hiệu tích cực khi sản lượng hàng qua cảng đạt khoảng 9,7 triệu tấn, bằng 78% so với kế hoạch, lợi nhuận ước đạt 138 tỷ đồng (kế hoạch 135 tỷ đồng).
Vượt khó cách nào?
Cảng Quy Nhơn
Bước qua những khó khăn của năm 2023, các chuyên gia dự báo thị trường cảng biển trong năm 2024 vẫn tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức.
Theo Phó chủ tịch Hiệp hội Cảng biển VN Trần Khánh Hoàng, một trong những điểm sáng của năm 2024 với khối cảng biển là việc Bộ GTVT ban hành Thông tư 39/2023 về biểu khung giá dịch vụ hoa tiêu, dịch vụ sử dụng cầu, bến, phao neo, dịch vụ bốc dỡ container và dịch vụ lai dắt tại cảng biển Việt Nam.
Trong đó, mức giá dịch vụ bốc dỡ container cảng biển đã có sự điều chỉnh, tăng ở một số khu vực. Đây là mong mỏi từ lâu của các doanh nghiệp cảng biển.
“Mức tăng giá dịch vụ theo Thông tư mới không quá lớn, chỉ khoảng 10%, song có thể tác động tích cực tới hoạt động của nhiều doanh nghiệp trong bối cảnh một số cảng đang gặp khó khăn, lỗ lũy kế ngày càng lớn”, ông Hoàng nhận định và cho rằng, các doanh nghiệp vẫn phải tích cực hoàn thiện cơ sở hạ tầng, đầu tư chiều sâu để đáp ứng các nhu cầu của khách hàng.
Theo Phó tổng giám đốc Cảng SSIT Phan Hoàng Vũ, nếu kỳ vọng sự tăng trưởng của cảng biển, ít nhất cũng phải sang nửa cuối năm 2024. Hiện tại, các hãng tàu của Việt Nam và thế giới vẫn cẩn trọng trong việc nhận định về tình hình của hai quý đầu năm mới.
Trước những khó khăn dự báo, thời gian tới SSIT dự kiến sẽ mở rộng cầu bến, đầu tư thêm cẩu bờ chạy bằng điện. Ngoài ra, cảng sẽ nghiên cứu khả năng để nâng cấp kết cấu cầu cảng nhằm đón tàu có trọng tải lớn nhất hiện nay (khoảng hơn 230.000 DWT).
Tương tự, lãnh đạo cảng Quy Nhơn tiết lộ năm tới, doanh nghiệp này cũng lên kế hoạch đầu tư hai cẩu bờ đa năng, cùng các thiết bị nâng trong bãi, kho, hệ thống đường nội bộ… với tổng mức đầu tư khoảng hơn 200 tỷ đồng.
Năm qua, hãng tàu Evergreen đã mở một tuyến dịch vụ Bắc Á mới qua cảng Quy Nhơn. Nếu sản lượng hàng hóa đều đặn, các tuyến dịch vụ mới sẽ được tăng cường.
Trong khi đó, VIMC xác định trong kế hoạch sản xuất kinh doanh và đầu tư giai đoạn 2021-2025, lĩnh vực cảng biển sẽ được đầu tư phát triển về chiều sâu với các cảng hiện hữu, hoàn thành các dự án trọng điểm về cơ sở hạ tầng, phương tiện, thiết bị nhằm tăng lợi thế về quy mô. Đồng thời, tập trung nguồn lực để đầu tư xây dựng mới các cảng biển nước sâu, cảng trung chuyển quốc tế.
Báo Giao thông