Ai bảo vệ quyền lợi thuyền viên khi tham gia tàu hành trình quốc tế?

21/08/20 9:33 AM

Sorry, this entry is only available in Tiếng Việt.

Nghề đi biển vốn lênh đênh cùng sóng nước, nhiều rủi ro lại thêm tình trạng quỵt nợ lương, nợ chế độ khiến không ít thuyền viên phải chịu thiệt thòi.

Thuyền viên Công ty vận tải biển Việt Nam(VOSCO)

Thuyền viên là đội ngũ nhân lực chất lượng cao trong ngành Hàng hải. Họ được ví là “linh hồn” của lĩnh vực vận tải biển. Vì vậy, ngày 25/6 hằng năm được quốc tế chọn là Ngày thuyền viên thế giới.

Ở Việt Nam, Nghị quyết số 36-NQ/TW tại Hội nghị lần thứ VIII Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn năm 2045 đã chỉ rõ: “…Đẩy mạnh phát triển đội tàu vận tải biển với cơ cấu hợp lý, ứng dụng công nghệ hiện đại, nâng cao chất lượng dịch vụ, đáp ứng nhu cầu thị trường vận tải nội địa, tham gia sâu vào các chuỗi cung ứng vận tải, từng bước gia tăng, chiếm lĩnh thị trường quốc tế”.

Theo thống kê của Cục Hàng hải Việt Nam, hiện tổng số giấy chứng nhận khả năng chuyên môn còn hạn sử dụng của thuyền viên, sỹ quan khoảng 40.000 chứng nhận. Số lượng tàu biển treo cờ Việt Nam khoảng 1.500 chiếc. Nhiều chủ tàu phải thuê thuyền viên nước ngoài, kể cả những chức danh thấp như AB, OS để duy trì hoạt động của đội tàu. Nhiều thuyền viên có giấy chứng nhận khả năng chuyên môn đã bỏ nghề.

Theo ông Nguyễn Xuân Sang, Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam: “Thị trường thuyền viên Việt Nam hiện nay đang ở tình trạng vừa thừa vừa thiếu. Rất nhiều sinh viên hàng hải sau khi tốt nghiệp vì thiếu kênh thông tin việc làm hoặc vướng phải doanh nghiệp thiếu uy tín, trả lương thấp nên đã bỏ việc, làm trái ngành, nghề để có mức thu nhập tốt hơn. Trong khi đó, nhiều chủ tàu ở thời điểm hiện tại mất cả tháng trời cũng không tuyển được một thuyền viên đúng theo nguyện vọng”.

Thuyền viên không còn mặn mà với nghề vận tải biển bởi nhiều lý do. Trong đó, quan trọng nhất là chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội chưa phù hợp với đặc thù lao động kỹ thuật cao, tính chất công việc nặng nhọc, nguy hiểm.

Đó là do Nhà nước chưa có quy định mức lương tối thiểu cho thuyền viên theo mức lương tối thiểu hàng tháng mà Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) quy định đối với chức danh thủy thủ, thợ máy là 618 đô la Mỹ, tương đương hơn 14 triệu đồng/tháng. Mức lương thuyền viên Việt Nam chưa tương xứng với sức lao động và mức độ rủi ro nghề nghiệp nên không hấp dẫn người lao động, nhất là lao động trẻ.

Để khuyến khích đội ngũ thuyền viên, ngày 26/11/2014, Quốc hội đã ban hành Luật số 71/2014/QH13 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật về thuế. Cụ thể, Khoản 3, Điều 2 của Luật đã bổ sung Khoản 15, Điều 4 về thu nhập được miễn thuế của Luật Thuế thu nhập cá nhân năm 2012, trong đó quy định: “Thu nhập từ tiền lương, tiền công của thuyền viên là người Việt Nam làm việc cho các hãng tàu nước ngoài hoặc các hãng tàu Việt Nam vận tải quốc tế” là một loại thu nhập được miễn thuế.

Mặc dù đã quy định miễn thuế cho thuyền viên nhưng quy định trên lại không đề cập đến việc miễn thuế thu nhập cá nhân cho các thuyền viên làm việc trên tàu biển chạy tuyến trong nước mà chỉ miễn thuế cho thuyền viên chạy tuyến nước ngoài. Trong khi, thuyền viên dù chạy tuyến quốc tế hay tuyến nội địa cũng vẫn phải chi phí hai đầu bến cảng khá đắt đỏ. Do vậy, thuyền viên thường có xu hướng chỉ lựa chọn đi tuyến quốc tế thay vì chọn đi tuyến nội địa vì thu nhập thực lĩnh tuyến nội địa không hấp dẫn.

ai bao ve quyen loi thuyen vien khi tham gia tau hanh trinh quoc te

Cuộc họp trực tuyến ngày 17/7/2020 giữa Cục Hàng hải Việt Nam và các đơn vị liên quan về bảo vệ quyền lợi thuyền viên tàu Việt Tín 01

Bên cạnh đó, hiện nay, khi xảy ra tranh chấp lao động liên quan đến chế độ, tiền lương, luân chuyển thuyền viên khi không may ốm đau thì thiệt thòi thường thuộc về thuyền viên.

Đơn cử vụ việc 12 thuyền viên tàu Việt Tín 01 ký hợp đồng với Công ty TNHH Công nghệ mới Thuận Thiên thực hiện nghĩa vụ hợp đồng đưa tàu Việt Tín 01 trở về Việt Nam trong thời hạn 15 ngày. Tuy nhiên, khi sang đến Malaysia, các thuyền viên mới biết tình trạng của tàu không đảm bảo an ninh, an toàn hàng hải và thiếu 4 chức danh trên tàu. Chính quyền cảng của nước sở tại đã tạm giữ thợ máy trưởng và con tàu. Trong suốt hơn 5 tháng qua, Công ty TNHH Công nghệ mới Thuận Thiên và Công ty cổ phần Vận tải Việt Tín đã không thực hiện đầy đủ trách nhiệm của chủ tàu với người lao động theo yêu cầu của Cục Hàng hải Việt Nam. Công ty TNHH Công nghệ mới Thuận Thiên là chủ sử dụng lao động đã không thực hiện cam kết trong hợp đồng lao động, nợ thuyền viên tổng số tiền hơn 1 tỷ đồng, trong đó có hơn 900 triệu đồng tiền lương.

Trong một vụ việc khác, 8 thuyền viên của tàu STC Columbus (thuộc Công ty Xây dựng và Thiết kế Sao Thủy) đang bị chính quyền sở tại tạm giữ tại Hàn Quốc. Các thuyền viên đang trong tình trạng hết hạn hợp đồng lao động tới 16 tháng nhưng không được công ty thanh lý hợp đồng lao động. Thuyền viên bị ốm, phải nhập viện điều trị không được công ty quan tâm và bố trí thay người, đưa thuyền viên về nước chữa bệnh. Còn nhiều thuyền viên ngậm ngùi bị quỵt lương hàng trăm triệu đồng do không được công ty thực hiện trách nhiệm nghĩa vụ theo hợp đồng đã ký kết.

Khi không may rơi vào hoàn cảnh khó khăn, những tổ chức mà thuyền viên thường cầu cứu là Nghiệp đoàn công nhân Vận tải Quốc tế (ITF), Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), Giáo hội Thủy thủ (SCI), Mạng lưới hỗ trợ và phúc lợi cho thuyền viên quốc tế (ISWAN)… Trong nhiều trường hợp, thuyền viên phải bỏ tiền, “chịu phí” thuê luật sư và các tổ chức đại diện thuyền viên để ủy quyền đấu tranh với chủ tàu đòi tiền lương và chi phí sinh hoạt.

ai bao ve quyen loi thuyen vien khi tham gia tau hanh trinh quoc te

Hội nghị thượng đỉnh thuyền viên châu Á (ASSM) và Ủy ban thuyền viên châu Á/Nauy (NASCO) năm 2019

Mới đây, Việt Nam cũng đã khai trương đường dây nóng bảo hộ người Việt tại nước ngoài khi gặp tình huống khẩn cấp như mất hộ chiếu, bị lừa đảo, gặp tai nạn… Cục Hàng hải Việt Nam đã xây dựng trang thông tin “Thuyền viên và việc làm” nhằm thúc đẩy công tác tuyển dụng và tìm kiếm việc làm của chủ tàu, thuyền viên.

Theo ông Vũ Khang Cường – Cục Hàng hải Việt Nam: “Hiện không ít thuyền viên gặp phải “công ty ma”, đăng tuyển một đằng, nội dung công việc lại một nẻo hoặc đơn vị có quá trình hoạt động thiếu minh bạch. Vì vậy, trước khi phê duyệt tin đăng tuyển của chủ tàu, Cục Hàng hải Việt Nam sẽ phân công bộ phận chuyên trách tìm hiểu thông tin về đơn vị đó qua hồ sơ có sẵn và đánh giá của thuyền viên. Nếu đơn vị có lịch sử hoạt động thiếu minh bạch hoặc không đủ uy tín, lập tức tin đó sẽ bị đào thải để giảm rủi ro cho thuyền viên”.

Hiện nay, ngoài việc thường xuyên theo dõi và phản hồi thông tin đến các cơ quan quản lý nhà nước, thuyền viên có thể xem xét thành lập hội nghề nghiệp với sự tham gia của tổ chức Công đoàn đại diện, bảo vệ quyền lợi. Đơn cử như Hội nghị thượng đỉnh thuyền viên châu Á (ASSM) và Ủy ban thuyền viên châu Á/Nauy (NASCO) mà Công đoàn Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam là thành viên. Đây là cơ chế hợp tác hết sức hiệu quả giữa tổ chức Công đoàn các quốc gia cung cấp thuyền viên và các quốc gia có đội tàu lớn khu vực châu Á và Nauy. ASSM và NASCO có nhận định, đánh giá và có những đề xuất, kiến nghị mang tầm khu vực tới các tổ chức quốc tế như Nghiệp đoàn công nhân Giao thông vận tải quốc tế (ITF), Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) về đảm bảo quyền lợi, phúc lợi cho đội ngũ thuyền viên khu vực châu Á. Đã có rất nhiều nội dung thiết thực liên quan trực tiếp đến quyền lợi, phúc lợi của thuyền viên châu Á đã được đưa vào chương trình nghị sự các kỳ hội nghị như: Việc thực thi Công ước Lao động Hàng hải (MLC 2006), hỗ trợ thuyền viên bị bỏ rơi; hỗ trợ y tế trên biển; việc thương lượng Thỏa ước lao động tập thể; thiết lập kênh liên lạc khẩn cấp giữa các thành viên để hỗ trợ kịp thời cho thuyền viên khi gặp khó khăn…

Báo Cuộc sống an toàn