Đề xuất mở tuyến vận tải thủy kết nối với cảng Hải Phòng

27/09/19 8:43 AM

Sorry, this entry is only available in Vietnamese.

Doanh nghiệp kỳ vọng tuyến vận tải thủy Hà Nội – Hải Phòng sẽ được triển khai, để tiết giảm chi phí vận chuyển hàng hóa…

Tuyến vận tải thủy Hà Nội – Hải Phòng được kỳ vọng sẽ đáp ứng được nhu cầu vận chuyển hàng hóa ngày càng gia tăng xuống cảng biển khu vực Hải Phòng

Đại diện Tổng công ty Hàng hải VN (Vinalines) cho biết, dự báo, nhu cầu vận tải container của Hà Nội, Bắc Ninh và Vĩnh Phúc rất lớn. Đến năm 2020, lượng container từ các địa phương này sẽ vào khoảng gần 3,5 triệu Teus và sẽ tăng lên 7 triệu Teus vào năm 2030, chiếm hơn 47% lượng container của khu vực phía Bắc. Trong đó, nhu cầu vận chuyển container trên tuyến vận tải thủy Hà Nội – Hải Phòng được dự báo chiếm tỷ trọng lớn nhất.

Tuyến này từ cảng Hà Nội qua sông Hồng, sông Đuống, sông Kinh Thầy, sông Cấm đến khu vực cảng Hải Phòng với chiều dài khoảng 150km. Vì vậy, việc triển khai tuyến vận tải thủy này là cần thiết.

Cũng theo đại diện Vinalines, cùng với phát triển tuyến vận tải Hà Nội Hải Phòng, cơ quan chức năng cũng cần nghiên cứu hình thành thêm cảng cạn (ICD) tại Hà Nội.

“Đặc biệt, đối với tuyến vận tải thủy Hà Nội – Hải Phòng, đây là tuyến vận tải thủy có năng lực vận tải lớn, cùng với QL5, QL18 và đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng sẽ là một tuyến thu gom rút hàng chủ lực cho các cảng biển vùng duyên hải Đông Bắc Bộ nói chung và cảng Hải Phòng nói riêng. Vì vậy, nếu được đầu tư ICD đầu mối tại Hà Nội là có thể triển khai được ngay tuyến này”, đại diện này nói.

Tìm hiểu của PV Báo Giao thông, hiện ở Hà Nội đã có 2 điểm thông quan nội địa (chức năng tương đương cảng cạn) đang hoạt động là: ICD Gia Thụy và ICD Mỹ Đình. Tuy nhiên, do vị trí ở sâu trong nội thành nên việc kết nối các ICD này với hệ thống đường thủy còn gặp nhiều khó khăn.

Trước đó, tháng 6/2017, Công ty Vận tải biển Vinalines Container (đơn vị thành viên của Vinalines) đã mở dịch vụ vận tải container đường thủy bằng sà lan theo hình thức vận chuyển container rỗng từ Hải Phòng đến cảng Hải Linh (Việt Trì, Phú Thọ) với tần suất 2-3 sà lan/tuần.

Tuy nhiên, do sà lan trên tuyến này phải đi qua khu vực cầu Đuống, cây cầu nằm ở vị trí mặt cắt bị thu hẹp, tim nằm chéo so với hướng dòng chảy nên vào mùa mưa lũ (từ tháng 7 đến tháng 8), độ chênh mực nước giữa thượng lưu và hạ lưu lớn gây khó khăn cho tàu thuyền đi lại.

Ngoài ra, vào mùa mưa lũ, mực nước dâng cao, tĩnh không cầu Đuống chỉ đảm bảo trong khoảng 5,5m. Trong khi đó, chiều từ Việt Trì – Hải Phòng, do vận chuyển hàng nặng, chiều cao tĩnh không cầu thấp nhất phải từ 6,5m, sà lan chuyên chở mới lưu thông an toàn. Những nguyên nhân đó khiến tuyến vận tải container Hải Phòng – Việt Trì chưa đạt được hiệu quả như mong muốn.

Báo Giao thông