Doanh nghiệp “gặp khó” trong đầu tư tuyến đường sau cảng Lạch Huyện

13/11/22 11:26 PM

Sorry, this entry is only available in Vietnamese.

Dù thực hiện bằng phương hình thức đối tác công tư (PPP) hay giao cho doanh nghiệp trực tiếp đầu tư tuyến đường phía sau khu bến cảng Lạch Huyện, cảng biển Hải Phòng cũng gặp vướng mắc.

Tại buổi họp bàn việc đầu tư tuyến đường phía sau khu bến cảng Lạch Huyện, cảng biển Hải Phòng vừa được tổ chức, ông Lê Kim Thành, Cục trưởng Cục Đường cao tốc VN cho biết, có hai hình thức đầu tư tuyến đường phía sau khu bến cảng Lạch Huyện, cảng biển Hải Phòng gồm đầu tư trực tiếp và đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP).

Việc đầu tư tuyến đường giao thông sau bến 3-6 không đủ tiêu chí thực hiện theo hình thức PPP do nguồn vốn dự kiến ban đầu là hơn 500 tỷ đồng

“Tuy nhiên, Luật PPP quy định rõ với lĩnh vực giao thông vận tải, tổng mức đầu tư cho dự án PPP phải từ 1.500 tỷ đồng trở lên. Việc đầu tư tuyến đường giao thông sau bến 3-6 không đủ tiêu chí do nguồn vốn dự kiến ban đầu là hơn 500 tỷ đồng. Do đó, chỉ còn phương án giao cho doanh nghiệp trực tiếp đầu tư”, ông Thành cho hay.

Là chủ đầu tư bến 5, 6 khu bến cảng Lạch Huyện, ông Hoàng Đình Tuấn, Tổng giám đốc CTCP Tập đoàn Hateco băn khoăn, tuyến đường đi qua bến 3, 4 của Cảng Hải Phòng và bến 5,6 của Hateco có làm đồng bộ, khớp nối được hay không là câu hỏi khó vì hai doanh nghiệp có cơ chế quản lý nguồn vốn khác nhau.

“Việc đầu tư tuyến sau bến còn làm thay đổi tổng mức đầu tư và hiệu quả đầu tư của dự án, sẽ ảnh hưởng đến hợp đồng vay vốn giữa nhà đầu tư và ngân hàng, gây chậm tiến độ triển khai dự án”, lãnh đạo Hateco nói và mong muốn được Bộ GTVT cùng các bộ, ngành liên quan đưa ra những hướng dẫn và phương án khả thi, đảm bảo khớp nối đồng bộ với tiến độ của các dự án cảng.

Đồng quan điểm, đại diện CTCP Cảng Hải Phòng – chủ đầu tư bến 3, 4 cho biết Cảng Hải Phòng là doanh nghiệp có vốn của nhà nước nên khi thay đổi phương thức đầu tư, cần lấy ý kiến của nhiều đơn vị liên quan, sẽ khó trong việc đảm bảo tính thống nhất và đồng bộ.

Trong khi đó, ông Phạm Anh Tuấn – Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (VIMC) cho rằng, dù phương án nào được đưa ra cũng làm thay đổi bản chất đầu tư.

Ông Tuấn đặt phương án nếu không áp dụng được hình thức đầu tư PPP, có thể có phương án khác là doanh nghiệp đầu tư rồi bàn giao cho nhà nước quản lý.

“Tuy nhiên, phương án này cũng còn vấn đề trong cơ chế bàn giao. CTCP Cảng Hải Phòng theo hình thức cổ phần hóa nên việc bàn giao cũng phải xin ý kiến các cổ đông. Chưa kể, còn việc giao đất, duy tu bảo dưỡng, nguồn thu để doanh nghiệp hoàn vốn chi phí đầu tư…”, ông Tuấn chia sẻ.

Phương án doanh nghiệp đầu tư rồi bàn giao cho nhà nước quản lý cũng còn vướng vấn đề trong cơ chế bàn giao

Trước đó, tại Thông báo số 39/TB-VPCP ngày 11/02/2022 thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại buổi làm việc với lãnh đạo thành phố Hải Phòng, về việc đầu tư hệ thống đường bộ phía sau các bến cảng khu vực Lạch Huyện và cầu Tân Vũ – Lạch Huyện 2, trước mắt đầu tư đoạn đường từ bến cảng số 2 đến hết bến cảng số 6.

Đặc biệt, văn bản nêu rõ “giao cho các doanh nghiệp đang thi công các bến cảng thực hiện xây dựng đồng bộ hệ thống đường bộ phía sau bến cảng”.

Sau văn kết luận này, Bộ GTVT đã có văn bản đề nghị các Bộ, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước, UBND TP. Hải Phòng phối hợp chỉ đạo các nhà đầu tư các cảng container số 3, 4, 5 và 6, thuộc Khu bến cảng Lạch Huyện, cảng biển Hải Phòng chủ động hoàn thiện các thủ tục theo qui định và bố trí nguồn vốn để đầu tư xây dựng đoạn đường phía sau bến cảng container của mình.

Sau khi xem xét, tổng hợp đề nghị của UBND TP. Hải Phòng và các nhà đầu tư, Bộ GTVT có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép tiếp tục triển khai thực hiện đầu tư tuyến đường giao thông sau các bến cảng từ bến 3 đến bến 6 bằng nguồn vốn đầu tư công đã được Bộ GTVT phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án.

Tuy nhiên, như các doanh nghiệp có phản ánh, việc đầu tư tuyến đường này gặp khó về phương án thực hiện do vướng vấn đề pháp lý, đặc biệt liên quan vấn đề khai thác sau đầu tư.

Do đó, Thứ trưởng Nguyễn Xuân Sang yêu cầu, các doanh nghiệp cần rà soát lại toàn bộ dự án hiện nay, phương án đề xuất sắp tới.

“Thậm chí, có thể mời tư vấn để xây dựng đề xuất phương án. Trường hợp có vướng mắc cần tháo gỡ, phải báo cáo lên Bộ GTVT để chủ trì phối hợp”, Thứ trưởng Sang nhấn mạnh và đề nghị các doanh nghiệp phải báo cáo phương án về Bộ chậm nhất đế hết ngày 30/11.

Lãnh đạo Bộ GTVT cũng giao Vụ Kế hoạch đầu tư nghiên cứu các phương án, cơ chế hợp lý để triển khai thực hiện. Trường hợp có phương án khả thi, sẽ lập tức triển khai ngay.

Báo DĐDN