Nhiều đại lý hãng tàu, các công ty logistics, đại lý vận tải đang rất lo lắng về mức xử phạt vi phạm khai hải quan cho một vận đơn gấp 10 đến 20 lần phí dịch vụ thu được của một lô hàng. Khi nhân viên thấy mức phạt quá cao, sợ không có tiền đền bù đã xin chuyển công việc.
Thực tế có những hồ sơ đóng ngay trong ngày tàu chạy, vì vậy nhân viên chứng từ không có đủ thời gian để nhập liệu và khai báo kịp thời hạn, song vẫn bị phạt
Nhiều lỗi không đến từ doanh nghiệp
Theo phản ánh của nhiều doanh nghiệp logistics, mặc dù Nghị định 128/2020 mới có hiệu lực gần một tháng nhưng đã bộc lộ nhiều bất cập khi áp dụng vào thực tế, đặc biệt là mức phạt quá cao trong khi nhiều lỗi không phải từ phía doanh nghiệp.
Trong đơn kiến nghị của một số doanh nghiệp logistics gửi Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Tổng cục Hải quan, các doanh nghiệp phản ánh mức xử phạt theo Nghị định 128/2020 là quá cao và bất hợp lý đối với doanh nghiệp làm dịch vụ logistics.
Cụ thể, Nghị định 128/2020 (khoảng 4, điều 8) quy định phạt tiền từ 5 đến 10 triệu đồng đối với các hành vi khai sai số lượng vận đơn; khai sai số lượng hành khách; khai sai số lượng kiện hành lý…
Theo lý giải của doanh nghiệp, lý do phạt như vậy là chưa hợp lý vì việc khai báo muộn vận đơn trên bản lược khai hàng hóa điện tử (e-manifest) đã từng xảy ra do nhiều nguyên nhân như hệ thống hải quan thường xuyên bị lỗi, không ổn định; có thời điểm hệ thống bị tắc nghẽn nửa ngày đến một ngày làm việc.
Một nguyên nhân nữa liên quan đến thời hạn khai báo, theo quy định, nhân viên đại lý vận tải phải khai báo e-manifest 12 tiếng trước khi tàu vào. Tuy nhiên, thực tế có những hồ sơ của tàu chở hàng đóng rất sớm trước vài ngày so với giờ tàu cập cảng; nhiều khi đóng hồ sơ ngay trong ngày tàu chạy, vì vậy nhân viên chứng từ không có đủ thời gian để nhập liệu và khai báo kịp thời hạn.
Hơn nữa, nhân viên chứng từ của các công ty logistics, đại lý vận tải hoàn toàn bị động về mặt thời gian trong việc nhận thông tin chứng từ bên đại lý nước ngoài do múi giờ làm việc các nước khác nhau.
Cần kiểm soát tận gốc chứ không kiểm soát phần ngọn
Theo phản ánh của các doanh nghiệp logistics, từ khi nhận được thông báo về việc triển khai nghị định 128/2020 với mức phạt từ 5 đến 10 triệu đồng cho một hành vi khai báo muộn, khai báo sai số lượng vận đơn doanh nghiệp rất lo lắng vì mức phạt quá cao so với lỗi nhỏ của nhân viên.
Các doanh nghiệp so sánh với lỗi tương tự như vậy tại Nhật Bản mức xử phạt là 5.000 yên Nhật (khoảng 1.123.000 đồng), tức là mức phạt của Việt Nam cao gấp gần 10 lần mức phạt của Nhật.
Thời gian qua tại Hải Phòng, nhân viên của một số doanh nghiệp logistics sau mắc lỗi khai báo hải quan muộn và bị phạt thì xin thay đổi công việc hoặc xin nghỉ việc vì mức phạt gấp 10 đến 20 lần phí dịch vụ thu được của một lô hàng nên nhân viên không có tiền đền bù.
Nhân viên của một doanh nghiệp logistics tại TPHCM cho TBKTSG Online biết rằng, khi nhân viên mắc các lỗi khai báo hải quan lỗi thường được quy cho người làm trực tiếp và phải bỏ tiền túi ra nộp phạt. Với mức lương doanh nghiệp đang trả cho nhân viên từ 8 -10 triệu đồng, nếu mắc lỗi tiền đóng phạt coi như mất cả tháng lương. Do vậy, mức phạt quá cao của Nghị định 128 đã gián tiếp đẩy người lao động vào thế khó.
Vì thế, trong đơn các doanh nghiệp logistics kiến nghị Chính phủ, các cơ quan ban ngành có liên quan giảm mức phạt, đưa về mức từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi khai báo vận đơn không đúng thời hạn và khai sai số lượng vận đơn để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
Trong đơn kiến nghị các doanh nghiệp cũng đồng ý với chủ trương tăng cường giám sát việc chống buôn lậu để chống thất thu cho ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, doanh nghiệp cho rằng nên tăng cường việc giám sát một lô hàng ngay từ đầu nguồn để kiểm soát hàng lậu chứ không phải bắt lỗi phần ngọn như hiện nay.