Không để cảng biển Việt Nam thành cảng nội Đông Á vì luồng lạch kém

18/12/20 2:30 PM

Sorry, this entry is only available in Tiếng Việt.

Thứ trưởng Nguyễn Nhật yêu cầu đẩy nhanh tiến độ thủ tục nâng cấp luồng, đưa cảng nước sâu Việt Nam là cảng đầu mối quốc tế…

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật phát biểu chỉ đạo tại hội nghị

Nâng cao chất lượng quy hoạch cảng biển, xây dựng cơ chế phát triển vận tải biển

Ngày 18/12, Cục Hàng hải VN tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2020 và triển khai kế hoạch năm 2021. Phát biểu chỉ đạo tại đây, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật đánh giá cao kết quả cán bộ công chức, viên chức, người lao động Cục Hàng hải VN đạt được trong năm 2020.

Trên cơ sở nhiệm vụ trọng tâm tại Nghị quyết số 36, Hội nghị lần thứ tám Ban chấp hành TƯ Đảng (khóa XII) về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Thứ trưởng Nguyễn Nhật yêu cầu Cục Hàng hải tiếp tục nâng cao hiệu quả từ hạ tầng cơ sở, đội tàu đến nguồn lực quản lý.

“Đối với quy hoạch cảng biển Việt Nam đang được xây dựng theo Luật Quy hoạch mới phải rõ ràng, mạch lạc, tránh tình trạng manh mún, rải rác. Cảng container phải xuyên suốt cầu bến tiếp nhận tàu container thay vì xen kẽ các bến đón tàu hàng khác. Khi đồng bộ được hạ tầng bến cảng, việc quản lý nhà nước, đầu tư và vận hành trang thiết bị, máy móc tại cảng mới được hiệu quả

Đặc biệt, quy hoạch hệ thống cảng biển phải là quy hoạch mở. Quy mô phụ thuộc vào yếu tố phát triển, đề xuất của từng địa phương thay vì gò bó theo một khung nào đó”, Thứ trưởng Nhật nói.

Đối với lĩnh vực vận tải biển, Thứ trưởng Nhật yêu cầu Cục Hàng hải VN làm việc với các chủ tàu, rà soát lại tất cả đội tàu thuộc các công ty vận tải lớn để nắm bắt tình hình vận tải. Từ đó, có cơ sở xây dựng, trình các cấp có thẩm quyền cơ chế phát triển đội tàu Việt Nam phát triển mạnh mẽ hơn nữa.

Thứ trưởng Bộ GTVT cũng đánh giá cao Cục Hàng hải VN cùng hai Tổng công ty bảo đảm An toàn hàng hải miền Bắc, miền Nam thời gian qua đã khắc phục những khó khăn trong thủ tục môi trường, nỗ lực phối hợp với địa phương tìm vị trí đổ thải phù hợp, sớm khơi thông các tuyến luồng quan trọng, bảo đảm hoạt động hành hải của tàu, thuyền được xuyên suốt.

“Tuy vậy, đối với cảng nước sâu như Cái Mép – Thị Vải, các đơn vị liên quan phải đẩy nhanh triển khai các thủ tục theo quy định, sớm nâng cấp luồng xuống độ sâu 15,5m để đáp ứng cỡ tàu ngày càng gia tăng cập cảng làm hàng. Cảng biển Việt Nam không thể vì luồng lạch kém mà trở thành cảng nội Đông Á mà phải là cảng đầu mối quốc tế”, Thứ trưởng nói.

Chủ tịch Công đoàn GTVT Việt Nam Đỗ Nga Việt và Cục trưởng Cục Hàng hải VN Nguyễn Xuân Sang thừa ủy quyền của Bộ trưởng trao Bằng khen của Bộ trưởng Bộ GTVT cho các cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác

Giữ nhịp tăng trưởng trong “bão” Covid-19

Trước đó, báo cáo tại hội nghị, ông Nguyễn Đình Việt, Phó Cục trưởng Cục Hàng hải VN cho biết, năm 2020, dù dịch Covid-19 kéo dài và diễn biến phức tạp nhưng tổng sản lượng hàng hóa thông qua hệ thống cảng biển Việt Nam vẫn giữ được nhịp tăng trưởng, ước đạt hơn 689 triệu tấn, tăng 4% so với năm 2019. Riêng khối lượng hàng container thông qua cảng biển năm 2020 ước đạt hơn 22 triệu Teus, tăng tới 13% so với năm trước.

“Tổng sản lượng vận tải hàng hóa của đội tàu biển Việt Nam cũng đạt được kết quả tích cực với tổng sản lượng vận chuyển ước đạt gần 160 triệu tấn, tăng 3%. Trong đó, sản lượng hàng container của đội tàu biển Việt Nam ước đạt 2,6 triệu Teus, tăng 8% so với năm 2019”, ông Việt thông tin.

Cũng theo ông Việt, tính đến tháng 12/2020, đội tàu biển Việt Nam có 1.516 tàu (trong đó tàu vận tải là 1.049 tàu) với tổng dung tích 5,7 triệu GT và tổng trọng tải khoảng 9,3 triệu DWT.

Với số lượng trên, đội tàu Việt Nam đang đứng thứ 4 trong khu vực ASEAN và thứ 30 trên thế giới. Tuổi tàu bình quân là 15,5 tuổi, trẻ hơn 5,8 tuổi so với thế giới (tuổi tàu bình quân của thế giới là 21,3 tuổi).

Liên quan đến công tác tìm kiếm cứu nạn, lãnh đạo Cục Hàng hải VN cho biết, năm 2020, Trung tâm Phối hợp TKCN Hàng hải VN (Cục Hàng hải VN) đã thu nhận và xử lý là 583 vụ, điều động 56 lượt tàu cứu nạn chuyên dụng thực hiện TKCN trên biển, cứu và hỗ trợ 765 người, trong đó có 13 công dân nước ngoài. Số phương tiện cứu và hỗ trợ là 60 tàu.

Báo Giao thông