Liên minh các hãng tàu lớn trên thế giới

21/02/19 2:05 AM

Liên minh các hãng tàu lần lượt hình thành trong giai đoạn khó khăn của vận tải biển thế giới kéo dài từ năm 2008 đến nay. Những khó khăn của kinh tế thế giới cùng áp lực tăng năng lực cạnh tranh khiến phần lớn các hãng vận tải buộc phải thực hiện một trong hai lựa chọn: liên minh, hoặc là sáp nhập, bổ sung. Đa phần các hãng vận tải biển lớn nhất trên thế giới đã chọn hình thức liên minh,vì hình thức này không chỉ phù hợp với các quy định quốc tế về chống độc quyền mà còn mang lại nhiều lợi ích cho cả các thành viên tham gia và khách hàng của họ.

Tại sao lại hình thành các “liên minh”?

Trong phạm vi ngành vận tải biển, liên minh được hiểu là một thỏa thuận khai thác kết hợp giữa hai hay nhiều hãng vận tải, theo đó các thành viên đóng góp nguồn lực về tài sản của mình để cùng thực hiện một chiến lược mang lại lợi nhuận cho tất cả các bên. Tuy nhiên, các thông tin nhạy cảm như bí mật thương mại, không được chia sẻ vì các thành viên vẫn là các thực thể riêng biệt và duy trì sự cạnh tranh lẫn nhau.

Từ đầu thập kỷ 90 của thế kỷ trước, thương mại container thế giới là hơn 100 triệu TEU, đã đạt 250 triệu TEU năm 2001 và tiếp tục lên đến 500 triệu TEU năm 2010. Châu Á cũng dần vươn lên trở thành khu vực đứng đầu về thương mại container với hơn một nửa sản lượng của toàn thế giới. Sự phát triển đó cũng kéo theo áp lực lớn từ phía khách hàng đối với các hãng vận tải biển. Các khách hàng có xu hướng lựa chọn các nhà cung cấp dịch vụ có thời gian vận tải nhanh và chính xác, giá cước thấp, tần suất dịch vụ dày đặc hơn và thường xuyên hơn, tàu mẹ vào cảng trực tiếp (giúp giảm chi phí feeder và nâng cao bảo đảm an toàn cho hàng hóa), vận tải door-to-door liền mạch, hệ thống định vị container chính xác, thủ tục xếp hàng lên tàu đơn giản, nhanh gọn, hệ thống dịch vụ toàn cầu và linh hoạt,… Tất cả những yêu cầu trên của khách hàng đều hợp lý và xuất phát từ khả năng có thể đáp ứng được của một số nhà vận tải có tiềm lực kinh tế, tuy nhiên tính hiệu quả cục bộ của các hãng khi thực hiện đầy đủ yêu cầu của khách hàng chắc chắn sẽ không cao, thậm chí phải duy trì một khoản nợ lớn để tồn tại trong điều kiện giá cả cạnh tranh và nguồn hàng biến động. Để đáp ứng tốt nhất các yêu cầu kể trên của khách hàng, các hãng vận tải biển đã thực hiện nhiều biện pháp nhằm tăng năng lực cạnh tranh, giành thị phần và tồn tại trong ngành công nghiệp được đánh giá là bất ổn và tiềm ẩn quá nhiều rủi ro.

Lợi ích mà liên minh mang lại cho các hãng vận tải có thể kể đến là giảm chi phí chuyến đi nhờ cùng khai thác đội tàu với tổng trọng tải lớn hơn so với khi từng hãng tàu tiến hành khai thác riêng lẻ; Giải quyết được vấn đề thừa thiếu vỏ container và chi phí cơ hội của lượng container không được vận chuyển khi chia sẻ slot giữa các hãng tàu tham gia liên minh; Khai thác tối đa sức chở các tàu của nhau, giảm chi phí đầu tư đội tàu mà vẫn giữ nguyên chất lượng dịch vụ bằng việc giảm số tàu phải đưa vào khai thác trên tuyến cũng như giảm chi phí đầu tư, nâng cao hiệu quả khai thác cơ sở hạ tầng bến cảng; Nâng cao năng lực cạnh tranh thông qua việc tăng tần suất chuyến đi, mở rộng phạm vi phục vụ về mặt địa lý và chất lượng dịch vụ mà từng thành viên cung cấp; Nâng cao vị thế của hãng tàu trong quan hệ với chủ hàng và cảng biển nơi phục vụ tàu. Giảm thiểu sự cạnh tranh giữa các hãng trong liên minh; Duy trì ổn định giá cước trên tuyến, kết nối nhanh với mạng lưới Feeder; Giảm thời gian ứ đọng hàng và tiết kiệm chi phí tồn kho của hàng hóa.

Ba liên minh lớn nhất chiếm hơn 2/3 thị phần

Theo Bloomberg, từ giữa năm 2014 đến nay, nhu cầu vận chuyển hàng hóa đường biển tăng trưởng chậm chạp, trong khi công suất của các hãng tàu vẫn đang quá dư thừa. Theo Reuters, chỉ số BDI (Baltic Dry Index), chỉ số phản ánh mức cước vận chuyển trung bình theo trọng số của thị trường hàng rời khô, cho thấy xu thế đi xuống của ngành vận tải biển vẫn kéo dài từ giữa năm 2014 tới nay. Cụ thể, tới đầu năm 2016, chỉ số BDI chỉ ở mức 478 điểm, đến ngày cuối cùng của năm 2016, chỉ số này lên mức 961 điểm nhưng nhanh chóng tụt xuống mức 735 điểm chỉ sau 2 tháng (Chỉ số BDI vào tháng 5/2008 thiết lập mốc 11.793 điểm).

Sự sát nhập của China Shipping và Orient Overseas International Ltd vào Cosco đã khiến liên minh các hãng tàu đang tiếp tục thay đổi, hình thành ba liên minh chính thay vì bốn như hiện tại. Ba liên minh này dự kiến chiếm 77.2% thị phần vận tại container toàn cầu và 96% thị phần toàn tuyến dịch vụ Đông – Tây (East – West trades).

Ngoài ra, có thể CMA CGM sẽ thỏa thuận với Cosco/China Shipping để hình thành liên minh mới, bao gồm OOCL và Evergreen. APL cũng sẽ gia nhập liên minh mới này khi mà CMA CGM sẽ mua lại trong thời gian tới. Tám thành viên còn lại của cả G6 và CKYHE, được dự đoán, sẽ thành lập một liên minh mới.

Thực tế, từ sau năm 2008, thế giới đã xuất hiện 4 liên minh bao gồm 2M Alliance: hãng Maersk và Msc; G6 Alliance: NYK LINE, HAPAG-LLOYD, OOCL, APL, HMM, MOL;CKYHE Alliance: COSCO, K LINE, YANG MING, HANJIN, EVERGREEN; và Ocean Three Alliance: CMA CGM, UASC, CHINA SHIPPING. Bốn liên minh vận tải biển này nắm khoảng 90% khối lượng vận tải biển toàn thế giới.

Tất nhiên, mặt trái của các liên minh vận tải biển cũng đồng thời là việc suy giảm cạnh tranh giảm giá cước vận tải, và hàm chứa dấu hiệu của việc bắt tay phân chia thị phần vận tải biển, biến những hãng vận tải biển quốc gia thành kẻ làm thuê cho các liên minh do không có khả năng cạnh tranh.