Một số chính sách pháp luật mới nổi bật tháng 6/2019

1/07/19 11:08 AM

Sorry, this entry is only available in Tiếng Việt.

1.Mua cổ phần doanh nghiệp nhà nước phải đặt cọc từ 10 – 20%

Ngày 11/4/2019, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 21/2019/TT-BTC hướng dẫn việc bán cổ phần lần đầu và chuyển nhượng vốn Nhà nước theo phương thức dựng sổ.

Theo Thông tư này, nhà đầu tư công chúng có trách nhiệm nộp tiền đặt cọc bằng 10% giá trị cổ phần đặt mua tính theo giá mở sổ;

Nhà đầu tư chiến lược có trách nhiệm nộp tiền đặt cọc, ký quỹ hoặc có bảo lãnh của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài với giá trị bằng 20% giá trị cổ phần đăng ký mua, tính theo giá khởi điểm trong phương án cổ phần hóa.

Tiền đặt cọc được trừ vào tổng số tiền phải thanh toán mua cổ phần. Trường hợp số tiền đặt cọc lớn hơn số tiền phải thanh toán, nhà đầu tư được hoàn trả lại phần chênh lệch.

2.Từ 1/7/2019, lương hưu, trợ cấp hàng tháng tăng 7,19%

Ngày 20/5/2019, Chính phủ ban hành Nghị định 44/2019/NĐ-CP điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội (BHXH) và trợ cấp hàng tháng.

Theo đó, từ 01/7/2019, mức lương hưu, trợ cấp BHXH và trợ cấp hàng tháng tăng 7,19% so với tháng 6/2019.

Mức điều chỉnh này áp dụng với các đối tượng:

– Cán bộ, công chức, công nhân, viên chức và người lao động; quân nhân, công an nhân dân và người làm công tác cơ yếu đang hưởng lương hưu hàng tháng;

– Cán bộ xã, phường, thị trấn theo Nghị định 92/2009/NĐ-CP, Nghị định 121/2003/NĐ-CP và Nghị định 09/1998/NĐ-CP đang hưởng lương hưu, trợ cấp hàng tháng;

– Người đang hưởng trợ cấp mất sức lao động hàng tháng; trợ cấp hàng tháng theo Quyết định 91/2000/QĐ-TTg, Quyết định 613/QĐ-TTg; công nhân cao su đang hưởng trợ cấp hàng tháng;

– Cán bộ xã, phường, thị trấn đang hưởng trợ cấp hàng tháng theo Quyết định 130/CP và Quyết định 111-HĐBT;

– Quân nhân đang hưởng chế độ trợ cấp hàng tháng theo Quyết định 142/2008/QĐ-TTg, Quyết định 38/2010/QĐ-TTg;

– Công an đang hưởng trợ cấp hàng tháng theo Quyết định 53/2010/QĐ-TTg;

– Quân nhân, công an, người làm công tác cơ yếu hưởng lương như quân nhân, công an đang hưởng trợ cấp hàng tháng theo Quyết định 62/2011/QĐ-TTg;

– Người đang hưởng trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hàng tháng.

Nghị định 44/2019/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 01/7/2019.

3.Không yêu cầu doanh nghiệp bổ sung hồ sơ quá 1 lần

Ngày 13/5/2019, Bộ Xây dựng ban hành Quyết định 367/QĐ-BXD về Kế hoạch thực hiện Chỉ thị 10/CT-TTg ngày 22/04/2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong việc giải quyết công việc.

Theo đó, Bộ yêu cầu các đơn vị chức năng:

– Rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung cơ chế thuộc phạm vi quản lý;

– Rà soát thủ tục hành chính theo hướng đề xuất tinh giản, loại bỏ các thủ tục không cần thiết, rườm rà, khó thực hiện;

– Rút ngắn thời gian giải quyết hồ sơ;

– Không yêu cầu người dân, doanh nghiệp bổ sung hồ sơ, tài liệu quá 01 lần.

Đồng thời, nâng cao chất lượng công tác đối thoại với người dân, doanh nghiệp diễn ra định kỳ hoặc đột xuất theo chỉ đạo.

4.Một khoản nợ có thể áp dụng nhiều biện pháp xử lý rủi ro

Ngày 10/5/2019, Chính phủ ban hành Nghị định 39/2019/NĐ-CP về tổ chức và hoạt động của Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Theo đó, Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa (gọi tắt là Quỹ) có thể áp dụng một hoặc đồng thời nhiều biện pháp xử lý một khoản nợ của doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Cụ thể, các biện pháp xử lý gồm:

– Điều chỉnh kỳ hạn trả nợ/số tiền trả nợ

– Gia hạn nợ vay

– Khoanh nợ

– Xóa nợ lãi/nợ gốc

– Bán nợ

– Xử lý tài sản bảo đảm tiền vay

– Sử dụng dự phòng rủi ro …

Việc sử dụng biện pháp xử lý nào phải dựa theo nguyên tắc ưu tiên lựa chọn phương án giảm tối đa thiệt hại Nhà nước, không gây mất vốn hoặc gây mất vốn ít nhất. Không chỉ vậy còn phải gắn trách nhiệm của Quỹ, bên vay và các tổ chức liên quan khác.

Ngoài ra, để xem xét rủi ro khoản vay, Quỹ căn cứ vào:

– Nguyên nhân dẫn đến rủi ro

– Mức độ rủi ro

– Tình hình sản xuất kinh doanh

– Tình hình tài chính

– Khả năng trả nợ của doanh nghiệp …

Đặc biệt, Quỹ chỉ chấp nhận tỷ lệ rủi ro không quá 5% tại thời điểm kết thúc năm tài chính. Nếu vượt quá 5%, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phải phối hợp với Bộ Tài chính báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

Nghị định 39/2019/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 01/7/2019.

5.Tiền nghỉ mát vẫn phải nộp thuế TNCN

Đây là nội dung chính được đề cập tại Công văn 1650/TCT-DNNCN của Tổng cục Thuế về việc hướng dẫn chính sách thuế thu nhập cá nhân (TNCN).

Nghỉ mát là chính sách phúc lợi của không ít doanh nghiệp dành cho người lao động của mình. Tuy nhiên, theo Công văn này, tiền nghỉ mát cho cá nhân người lao động vẫn có thể phải nộp thuế TNCN. Cụ thể trong 02 trường hợp:

– Tiền nghỉ mát ghi rõ tên cá nhân người nhận;

– Tiền nghỉ mát thực tế được nhận từ doanh nghiệp.

Do đó, chỉ khoản chi chung không ghi rõ tên cá nhân nhận thì mới không tính vào thu nhập chịu thuế TNCN của người lao động.

Công văn 1650/TCT-DNNCN ban hành ngày 24/4/2019.

6.Công ước về tạo điều kiện thuận lợi cho giao thông hàng hải quốc tế (Công ước FAL65)

Ngày 8/4/2019 là ngày có hiệu lực của hệ thống trao đổi dữ liệu điện tử theo Công ước FAL 65.

Công ước FAL 65 khuyến khích sử dụng khái niệm được gọi là “một cửa sổ” trực tuyến, trong đó tất cả các cơ quan quản lý nhà nước và chính quyền địa phương có liên quan đến việc trao đổi dữ liệu điện tử thông qua một điểm liên lạc duy nhất. Hệ thống “một cửa sổ” hàng hải cho phép hợp lý hóa các tài liệu, thủ tục và giấy tờ thông qua trao đổi dữ liệu điện tử, giúp cung cấp thông tin đến việc đến, đi và làm hàng của tàu, dữ liệu về thuyền viên, hành khách, hàng hóa và hành lý theo yêu cầu của Công ước FAL 65.

7.Doanh nghiệp siêu nhỏ được hỗ trợ 100% chi phí tư vấn pháp luật

Ngày 24/6/2019, Chính phủ ban hành Nghị định 55/2019/NĐ-CP về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Theo đó, các doanh nghiệp nhỏ và vừa được hỗ trợ chi phí tư vấn pháp luật với các mức như sau:

– Doanh nghiệp siêu nhỏ được hỗ trợ 100% chi phí, nhưng không quá 03 triệu đồng/năm;

– Doanh nghiệp nhỏ được hỗ trợ tối đa 30% chi phí, nhưng không quá 05 triệu đồng/năm;

– Doanh nghiệp vừa được hỗ trợ tối đa 10% chi phí, nhưng không quá 10 triệu đồng/năm;

– Hộ kinh doanh chuyển đổi sang doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo, doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị được hỗ trợ theo quy định tại Nghị định 39/2018/NĐ-CP.

Trường hợp được hỗ trợ thì doanh nghiệp nhỏ và vừa gửi hồ sơ đề nghị thanh toán chi phí tư vấn pháp luật vụ việc, vướng mắc được hỗ trợ. Hồ sơ thanh toán phải có đầy đủ các giấy tờ:

– Văn bản tư vấn pháp luật, gồm 01 bản đầy đủ và 01 bản đã loại bỏ các thông tin về bí mật kinh doanh của doanh nghiệp;

– Văn bản đề nghị thanh toán chi phí tư vấn pháp luật có xác nhận của tư vấn viên và doanh nghiệp, trong đó có viện dẫn số và ngày của văn bản đồng ý hỗ trợ, tên người thụ hưởng và số tài khoản, ngân hàng của người thụ hưởng;

– Hóa đơn tài chính.

Nghị định này có hiệu lực từ ngày 16/8/2019.

8.Án lệ được góp ý trong 30 ngày từ khi đăng tải

Theo Nghị quyết 04/2019/NQ-HĐTP ngày 18/6/2019 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao về quy trình lựa chọn, công bố và áp dụng án lệ, những bản án, quyết định này phải được đăng tải lên Cổng thông tin điện tử của Tòa án nhân dân tối cao để các Tòa án, chuyên gia, nhà khoa học, nhà hoạt động thực tiễn, cá nhân, cơ quan, tổ chức quan tâm tham gia ý kiến.

Ý kiến góp ý được gửi về Tòa án nhân dân tối cao. Thời gian lấy ý kiến góp ý là 30 ngày kể từ ngày đăng tải. 30 ngày cũng là thời gian án lệ được nghiên cứu, áp dụng trong xét xử kể từ ngày công bố.

Tuy nhiên, trong 03 trường hợp sau đây, án lệ không phải lấy ý kiến góp ý:

– Được Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đề xuất;

– Được Ủy ban Thẩm phán Tòa án nhân dân cấp cao đề xuất;

– Được Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao lựa chọn khi xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm;

Sau khi được thông qua, án lệ sẽ đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của Tòa án nhân dân tối cao; Được gửi cho các Tòa án, các đơn vị thuộc Tòa án nhân dân tối cao và được đưa vào Tuyển tập án lệ để xuất bản.

Nghị quyết có hiệu lực từ ngày 15/7/2019.

9.Từ 1/6/2019, 4 tài sản không được miễn lệ phí trước bạ

Ngày 09/4/2019, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 20/2019/TT-BTC sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 301/2016/TT-BTC hướng dẫn về lệ phí trước bạ.

Theo đó, từ 01/6/2019, 04 loại tài sản sau đây sẽ không còn được miễn lệ phí trước bạ nữa- Tài sản của doanh nghiệp Nhà nước được cổ phần hóa thành công ty cổ phần hoặc các hình thức sắp xếp lại doanh nghiệp Nhà nước khác.

– Tài sản của tổ chức, cá nhân đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu, sử dụng phải đăng ký lại do Giấy chứng nhận này bị mất, rách nát, ố, nhòe, hư hỏng. Khi có đề nghị của tổ chức, cá nhân, cơ quan có thẩm quyền cấp lại Giấy chứng nhận và các tổ chức, cá nhân này phải nộp lệ phí trước bạ.

– Tàu, thuyền đánh bắt thuỷ, hải sản.

– Nhà xưởng của cơ sở sản xuất gồm:

+ Nhà bảo vệ, nhà điều hành, nhà để máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất kinh doanh;

+ Nhà kho, nhà ăn, nhà để xe của cơ sở sản xuất, kinh doanh;

Ngoài ra, giá tính lệ phí trước bạ đối với các loại tài sản khác không còn là giá mua bán thực tế trên thị trường nữa.

Thông tư này có hiệu lực từ ngày 01/6/2019.