Thủ tướng giao UBND TP Đà Nẵng là cơ quan chủ quản Dự án đầu tư xây dựng Bến cảng Liên Chiểu

17/03/21 8:44 AM

Sorry, this entry is only available in Tiếng Việt.

Sở GTVT Đà Nẵng cho hay, ngày 16/3, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã ký Văn bản số 321/TTg-CN về việc cơ quan chủ quản Dự án đầu tư xây dựng Bến cảng Liên Chiểu, TP Đà Nẵng – Phần cơ sở hạ tầng dùng chung.

Theo đó, xét đề nghị của Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) tại Công văn 1878/BGTVT-KHĐT (ngày 9/3/2021), tại Công văn số 321/TTg-CN ngày 16/3, Thủ tướng Chính phủ đồng ý giao UBND TP Đà Nẵng là cơ quan chủ quản Dự án đầu tư xây dựng Bến cảng Liên Chiểu, TP Đà Nẵng – Phần cơ sở hạ tầng dùng chung theo Báo cáo thẩm định số 1052/BC-BGTVT ngày 3/2/2021 của Bộ GTVT.

Thủ tướng Chính phủ giao UBND TP Đà Nẵng rà soát, hoàn chỉnh Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đầu tư xây dựng Bến cảng Liên Chiểu – Phần cơ sở hạ tầng dùng chung theo ý kiến thẩm định của Bộ GTVT, Bộ KH-ĐT, trình Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư theo quy định. Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng chịu trách nhiệm về toàn bộ nội dung và ký tắt vào dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
Trước đó, tại báo cáo thẩm định số 1052/BC-BGTVT ngày 3/2/2021, Bộ GTVT cho biết, dự án đầu tư xây dựng Bến cảng Liên Chiểu – Phần cơ sở hạ tầng dùng chung đáp ứng yêu cầu cơ sở hạ tầng cho phát triển Khu bến cảng Liên Chiểu giai đoạn đầu thông qua lượng hàng từ 3,5 – 5,0 triệu tấn/năm và phát triển các bến giai đoạn tiếp theo theo quy hoạch; gồm các hạng mục như kè chắn sóng, đê chắn sóng, luồng tàu, giao thông kết nối cảng, hạ tầng kỹ thuật kết nối… có khả năng tiếp nhận tàu tổng hợp, hàng rời trọng tải đến 100.000 tấn, tàu container có sức chở 6.000 – 8.000 TEU.

Dự án bao gồm các hạng mục chính: Tuyến kè chắn sóng (dài 820m) và đê chắn sóng (dài 350m) bảo vệ 2 bến, đảm bảo thời gian khai thác cảng trên 300 ngày/năm. Luồng tàu 01 làn, dài khoảng 7.250m, rộng 160m; cao độ đáy nạo vét -14,0 m; khu quay trở, hệ thống báo hiệu hàng hải. Giao thông kết nối với cảng sử dụng phương án giao thông đi từ đường nội bộ của cảng qua cầu Liên Chiểu về đường Nguyễn Văn Cừ – Tạ Quang Bửu (quận Liên Chiểu) đi QL 1A mới (đường Nam hầm Hải Vân). Hạ tầng kỹ thuật khác gồm gia cố, san nền tôn tạo mặt bằng các khu vực hạ tầng công cộng dùng chung; hạ tầng cấp điện, cấp nước và công trình phụ trợ.

Dự kiến tổng vốn đầu tư cho dự án xây dựng Bến cảng Liên Chiểu – Phần cơ sở hạ tầng dùng chung là 3.426,3 tỉ đồng từ nguồn vốn ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương (về khả năng bố trí vốn ngân sách TƯ, Bộ KH-ĐT đã có Công văn số 8832/BKHĐT-KTĐPLT ngày 30/12/2020 khẳng định “có cơ sở phê duyệt chủ trương Dự án”). Hình thức đầu tư dự án là xây dựng mới từ nguồn ngân sách nhà nước theo Luật Đầu tư công và các quy định liên quan của pháp luật. Thời gian thực hiện dự án từ năm 2020 đến năm 2024.

Theo Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật, mục tiêu của dự án đầu tư xây dựng Bến cảng Liên Chiểu – Phần cơ sở hạ tầng dùng chung nhằm đáp ứng nhu cầu thông qua hàng hóa của khu vực; giảm tải cho khu bến Tiên Sa và Sơn Trà, giảm áp lực giao thông đường bộ đi qua nội đô TP Đà Nẵng; đồng thời tăng cường kết nối vùng và liên vùng, góp phần phát triển bền vững kinh tế – xã hội của TP Đà Nẵng và trong khu vực.

“Việc nghiên cứu đầu tư xây dựng Bến cảng Liên Chiểu phù hợp với Quy hoạch phát triển cảng biển Việt Nam. Bến cảng Liên Chiểu hình thành có ý nghĩa quan trọng trong việc phát triển mạng lưới hạ tầng cảng biển của nước ta nhằm tận dụng lợi thế địa lý phục vụ phát triển kinh tế, hội nhập kinh tế quốc tế và đảm bảo quốc phòng- an ninh. Tại Thông báo số 373/TB-VPCP ngày 25/9/2018 của Văn phòng Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã kết luận việc đầu tư cảng Liên Chiểu để từng bước chia sẻ lượng hàng theo quy hoạch cho cảng Tiên Sa là cần thiết và cấp bách” – Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật nhấn mạnh.

Báo Doanh nghiệp VN