Top 3 cảng biển “thông minh” nhất thế giới

11/09/19 9:45 AM

Sorry, this entry is only available in Vietnamese.

Các cảng container đang nằm giữa xu thế cải cách kỹ thuật số. Trí tuệ nhân tạo, blockchain, kết nối Internet vạn vật (IoT) đang khiến cho các cảng biển ngày càng “thông minh” hơn. Dưới đây là 3 cảng biển được đánh giá là thông minh nhất trong số các cảng biển container trên toàn thế giới.

Cảng Thượng Hải (Trung Quốc): 40 triệu TEU

Cảng Thượng Hải lớn nhất trên Thế Giới

Thượng Hải đã vượt qua Singapore vào năm 2010 để trở thành quê hương cảng biển. Cảng Thượng Hải bao gồm cảng sông và cảng nước sâu. Khu vực cảng nước sâu Dương Sơn là nơi tập trung hầu hết các công nghệ thông minh hay tự động hóa quy mô lớn trong lĩnh vực cảng biển.

Trước đây, do Thượng Hải không có cảng nước sâu để các tàu chở container lớn cập bến nên giới chức Trung Quốc đã lên kế hoạch xây một bến cảng giữa biển và làm thêm một cây cầu để nối cảng với đất liền. Năm 2005, Cảng Dương Sơn được hoàn thành nằm giữa một cụm đảo ở vịnh Hàng Châu và được kết nối với quận Phố Đông Tân Khu – Trung tâm tài chính và thương mại của Thượng Hải  thông qua cầu Đông Hải, từ đó góp phần thay đổi hoàn toàn diện mạo kinh tế TP. Thượng Hải.

Năm 2018, Tập đoàn Cảng quốc tế Thượng Hải (SIPG) đã xây dựng một bến tàu hàng tự động trị giá 14 tỷ NDT với diện tích bằng 312 sân bóng đá tại khu vực cảng nước sâu, qua đó tăng sức chứa của Cảng Dương Sơn thêm khoảng 6 triệu TEU. Tất cả quá trình đều được vận hành tự động, bổ sung thêm 7 bến nước sâu, nâng tổng số lượng lên 30 bến với khả năng xử lý lên đến 13 triệu TEU. Tổng công suất Cảng Thượng Hải đã vượt qua 40 triệu TEU.

SIPG đặt mục tiêu giảm 70% mức tiêu thụ năng lượng và giảm lượng khí thải xuống mức 0 bằng việc phát triển một hệ điều hành cảng đặc biệt (TOS). Đội ngũ nghiên cứu và phát triển của SIPG gồm 200 người đã thiết lập một bộ tiêu chuẩn nền tảng tự động hóa toàn bộ cảng biển Trung Quốc trong tương lai. Toàn bộ thiết bị, máy móc được cung cấp bởi Công ty Công nghiệp nặng Thượng Hải Zhenhua – nhà sản xuất thiết bị cảng biển lớn nhất thế giới. Sự hợp tác này được coi là bước ngoặt quan trọng cho tương lai của ngành công nghiệp cảng biển tại đất nước tỷ dân.

Cảng Singapore: 34 triệu TEU

Dù bị Thượng Hải vượt qua nhưng Singapore vẫn là “thành phố hàng hải toàn cầu” bởi đây luôn là điểm trung chuyển hàng hóa và dầu thô nhộn nhịp nhất thế giới. Tháng 4/2018, Cơ quan Hàng hải và Cảng biển Singapore (MPA) đã công bố một chiến lược nhằm giành lại danh hiệu “bá vương cảng biển” từ Thượng Hải, lấy nền tảng là kỹ thuật số để tối ưu năng suất và hiệu quả. Một thỏa thuận trị giá 1,1 tỷ USD được ký kết với Penta Ocean – công ty xây dựng hàng đầu Nhật Bản, Tập đoàn Hyundai của Hàn Quốc và Tập đoàn Boskali Hà Lan (nhà đầu tư hàng đầu Hà Lan trong hoạt động nạo vét, khí thủy lực, san lấp và dịch vụ hàng hải) nhằm phát triển “siêu cảng Tuas”. Đây là bước thứ hai trong chiến lược tổng thể 4 bước nhằm mở rộng diện tích Singapore về phía Tây. Sau khi hoàn thành, dự kiến công suất cảng biển sẽ tăng thêm 21 triệu TEU vào năm 2027 và lên đến 65 triệu TEU vào năm 2040, với hầu hết chức năng tại cảng được số hóa và kết nối chặt chẽ với trung tâm thương mại Singapore. Nó được kỳ vọng sẽ vượt qua Thượng Hải để trở thành cảng biển tự động lớn nhất thế giới.

Bên cạnh việc đầu tư vào siêu cảng, MPA cũng đã liên hệ với 7 đối tác để phát triển các hoạt động cảng biển, tập trung vào kết nối, khả năng nghiên cứu – phát triển công nghệ cũng như đổi mới văn hóa kinh doanh cảng biển. Trong 7 thỏa thuận này, quan trọng nhất là cú bắt tay với ST Electronics (Pháp) và Kongsberg Norcontrol (Na Uy) để phát triển một hệ thống quản lý giao thông tàu biển thế hệ mới. 7,5 triệu USD sẽ được đầu tư để xây dựng một phòng thí nghiệm chuyên nghiên cứu về an toàn và an ninh hàng hải cũng như các khía cạnh hoạt động của hệ thống vận tải cảng biển mới. MPA cũng đã hợp tác với Tập đoàn Wartsila của Phần Lan để phát triển an ninh mạng và hoạt động cảng thông minh, kết hợp với các công ty khởi nghiệp công nghệ hàng hải và các trường đại học, học viện.

MPA cũng đang phát triển Trung tâm Dữ liệu hàng hải Singapore dưới dạng kho lưu trữ dữ liệu một cửa nhằm hỗ trợ cho việc phát triển, thử nghiệm các ứng dụng và dịch vụ kỹ thuật số tiên tiến cho ngành Hàng hải.

Cảng Rotterdam (Hà Lan): 13,6 triệu TEU

Cảng Rotterdam rất nhộn nhịp

Cho đến giữa thập kỷ trước, Rotterdam là cảng biển lớn nhất thế giới. Song kể từ năm 2005, nó đã đánh mất “ngôi vương” và rơi khỏi Top 10 sau khi bị 6 cảng của Trung Quốc và các cảng Singapore, Busan, Hồng Kông, Dubai vượt qua. Mặc dù vậy, Rotterdam vẫn là trung tâm thương mại hàng hải ưu việt của châu Âu, là “át chủ bài” trong cuộc cách mạng 4.0 tại châu Âu. Rotterdam có tham vọng xây dựng một đội tàu tự vận hành vào năm 2025 – 2030. Để đạt được điều này, Rotterdam đang bổ sung nhiều cảm biến, phần mềm và trí thông minh nhân tạo tại cảng với mục tiêu tạo ra một hệ thống kỹ thuật số có thể thiết lập, vận hành, theo dõi, điều hành mọi hoạt động vận chuyển và quản lý cơ sở hạ tầng cảng biển dựa trên các dữ liệu phân tích thời tiết và độ sâu của nước. Cảng Rotterdam xử lý hơn 140.000 tàu biển mỗi năm, việc điều hành hoạt động ra, vào bến cảng rất phức tạp. Do đó, việc nắm được các số liệu về môi trường và điều hướng có thể cải thiện lợi nhuận cho các nhà khai thác vận tải hàng hóa. Các dữ liệu môi trường tại cảng, bao gồm thông tin về gió, tầm nhìn và thủy triều đã được thu thập để phân biệt các điều kiện và thời gian tối ưu cho việc neo đậu và đi lại của tàu. Cảng cũng cung cấp hướng dẫn về độ cao thông quan cho tàu, tăng công suất tàu dựa trên độ cao thông quan để tăng doanh thu cho mỗi tàu vào cảng.

Tạp chí GTVT