Từ rừng đước mênh mông thành cảng top đầu thế giới

29/08/22 8:31 AM

Sorry, this entry is only available in Vietnamese.

Được xếp hạng thứ 11 trong số 370 cảng container hoạt động tốt nhất toàn cầu, ít ai biết, cách đây 15 năm, nơi đây là vùng đước, cỏ dại um tùm…

Được xếp hạng thứ 11 trong số 370 cảng container hoạt động tốt nhất toàn cầu; những tuyến tàu mẹ chở hàng đi châu Mỹ trở nên đều đặn; các tuyến nội Á của các hãng tàu liên tục khai trương…

Ít ai biết, chỉ cách đây 15 năm, nơi đây chỉ là vùng đước và cỏ dại mọc um tùm…

Khu vực Cái Mép hạ, nơi nằm gần cửa vịnh Gành Rái đang có nhiều dư địa để xây dựng những cầu cảng kiểu “răng lược”, đón những tàu mẹ với tải trọng trên 200.000 tấn

Dùng ghe hoặc xuồng ba lá vào công trường thi công

“Lúc chúng tôi đi nghiên cứu để làm quy hoạch, vùng này hoang vu lắm, chỉ có cây điều, đước và nhiều loại cỏ dại khác”, đó là chia sẻ của ông Phạm Anh Tuấn, Tổng giám đốc Công ty CP Tư vấn thiết kế cảng – Kỹ thuật biển (Portcoast). Lúc đó là năm 2006, ông Tuấn còn là Trưởng phòng Dự án của Portcoast. Nay, cụm cảng Cái Mép – Thị Vải cũng đã thành một cảng biển quốc tế sầm uất.

Đến giờ, ông Tuấn vẫn còn nhớ như in hình ảnh những cánh rừng đước mênh mông trong những ngày đầu tham gia các đoàn khảo sát xây dựng hệ thống cảng Cái Mép – Thị Vải.

Lối đi vào khu vực Cái Mép lúc đó chỉ duy nhất có tuyến Đường tỉnh 965 nhỏ hẹp và cũng chỉ đến khu vực cầu Rạch Ngã Tư. Muốn vào công trình thi công cảng Cái Mép, phải dùng ghe hoặc xuồng ba lá.

Thời điểm năm 2013, khi PV Báo Giao thông xuống công trường gặp ông Nakagome đến từ Công ty Toa Corporation thuộc Liên danh Toa Corporation – Công ty Xây dựng TOYO thi công gói thầu 1 – xây dựng cảng container quốc tế Cái Mép.

Ông Nakagome kể lại, khoảng năm 1999 lúc ông đặt chân đến đây, Phú Mỹ chỉ là thị trấn nhỏ, khu vực Cái Mép – Thị Vải còn là một ốc đảo bùn lầy, cô lập với đất liền.

“Có lần đoàn công tác đi vào thị sát công trường, ghe mới dừng, có vị cán bộ chưa quen đã vội bước chân lên bờ, thì ra đó là đất bùn nhão, lún sâu mất cả giày”, vị này kể lại.

Để “làm mồi” thu hút đầu tư, Bộ GTVT đã triển khai dự án “Đầu tư xây dựng cảng Cái Mép – Thị Vải” gần 12.900 tỷ đồng, vốn vay từ Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) và nguồn vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam.

Dự án có 3 hợp phần, trong đó hợp phần nạo vét tuyến luồng Vũng Tàu – Thị Vải hoàn thành từ năm 2011.

Hợp phần xây dựng cảng container Cái Mép có khả năng tiếp nhận tàu 100.000 DWT và cảng tổng hợp Thị Vải tiếp nhận tàu trên 50.000 DWT.

Hợp phần mở rộng Đường tỉnh 965, không chỉ phục vụ riêng cho cảng Cái Mép – Thị Vải mà còn phục vụ chung cho cả hệ thống cảng trong khu vực.

Ông Trương Đình Chiến, Trưởng Ban điều hành của Liên danh nhà thầu Cienco 6 – Trường Sơn thi công Đường tỉnh 965 kể lại: “Những ngày đầu mới triển khai dự án gặp rất nhiều khó khăn về điều kiện thời tiết, địa hình sông nước, bùn lầy.

Cán bộ kỹ sư từ thành phố xuống phải sống cảnh nhà tạm bợ, tối đến phải mắc màn mới ngồi ăn cơm được”.

Trải qua nhiều khó khăn, tuyến Đường tỉnh 965 dài 8,5km, vốn đầu 1.031 tỷ đồng sau 5 năm mới hoàn thành (năm 2013).

Đây cũng là thời điểm cảng quốc tế Cái Mép hoàn thành đưa vào khai thác, tạo động lực cho phát triển kinh tế liên vùng.

Mở toang cửa ra biển lớn

Sáng 30/7, cảng SSIT đã đón thành công tàu MSC IDA II của tuyến dịch vụ nội Á mới đến Cái Mép. Đây là tuyến dịch vụ container được khai thác bởi hãng tàu MSC (Mediterranean Shipping Company), một trong những hãng tàu container lớn nhất thế giới.

Hệ thống cảng Cái Mép – Thị Vải hiện đã có 22 cảng bến đi vào hoạt động, tổng chiều dài cầu bến đạt gần 10km.

Tại cảng container quốc tế Cái Mép (CMIT) mỗi tuần tiếp nhận 4 chuyến tàu mẹ trực tiếp đi hai bờ nước Mỹ. Các tàu cập cảng có trọng tải tăng dần đến 214.000 DWT.

Theo ông Nguyễn Xuân Kỳ, Tổng giám đốc CMIT, khu vực cảng nước sâu Cái Mép tiềm năng trở thành một khu vực cảng trung chuyển của khu vực và thế giới. Việc khai thác các thế hệ tàu siêu lớn đang là xu hướng tất yếu của các hãng tàu.

Còn ông Trần Kim Vĩnh Thọ, Phó giám đốc Cảng vụ hàng hải Vũng Tàu cho rằng, hệ thống cảng container tại khu vực Cái Mép – Thị Vải (gồm TCCT, TCIT, CMIT, TCTT, SSIT, GEMALINK) với chiều dài 5km đã xây dựng được thương hiệu và có tên trên bản đồ vận tải biển container của thế giới, là mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

“Bộ GTVT đã triển khai dự án đầu tư nâng cấp luồng hàng hải vào cụm cảng Cái Mép – Thị Vải có độ sâu đến -15,5m. Với độ sâu này, cụm cảng có khả năng tiếp nhận mọi tàu mẹ trên thế giới”, ông Thọ khẳng định.

Nhìn những chuyến tàu mẹ với tải trọng đến 200.000 tấn cập cảng Cái Mép gần đây, ông Phạm Anh Tuấn cho rằng, triển vọng phát triển của cụm cảng nước sâu Cái Mép – Thị Vải vẫn còn dư địa rất lớn, nhất là ở khu vực Cái Mép hạ, nơi tiếp giáp vịnh Gành Rái, thậm chí có thể đón những tàu lớn nhất thế giới 250.000 tấn.

Hiện Portcoast đang phối hợp với tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu thực hiện quy hoạch phát triển cụm cảng Cái Mép – Thị Vải giai đoạn từ nay đến năm 2030, tầm nhìn 2050, trong đó chú trong phát triển khu vực Cái Mép hạ.

Đây là khu vực còn dư địa để phát triển, xây dựng các cảng container theo kiểu “răng lược” như nhiều cảng hiện đại trên thế giới.

Lâu nay các cảng truyền thống xây dựng cầu cảng dọc theo bờ sông, vừa chiếm diện tích, vừa khó cho các tàu lớn tiếp cận.

Nay hệ thống cảng mới sẽ xây dựng các cầu cảng vươn từ bờ ra ngoài sông, tại một cầu cảng có thể tiếp nhận hai tàu làm hàng ở hai bên.

Báo Giao thông