Việt Nam cần đào tạo mới 15.000 sĩ quan, thuyền viên

28/11/18 6:39 AM

Nhu cầu nhân lực hàng hải Việt Nam hiện nay rất lớn. Ngành hàng hải trong thời gian tới cần phải tăng cường gắn kết giữa các doanh nghiệp vận tải biển với các cơ sở đào tạo.

Công trình nghiên cứu “Nâng cao chất lượng nhân lực hàng hải Việt Nam đáp ứng yêu cầu cuộc cách mạng công nghiệp 4.0” của TS Nguyễn Đức Ca và ThS Đinh Văn Thái – Viện Khoa học giáo dục Việt Nam, vừa được công bố cho thấy nhu cầu nhân lực ngành hàng hải nước ta hiện nay và trong vài năm tới là rất lớn.

Cần tăng chỉ tiêu đào tạo

Việt Nam có hơn 3.000km bờ biển và khoảng 1 triệu km2 vùng đặc quyền kinh tế, lại nằm trên hành lang vận tải đông – tây nên rất thuận lợi cho việc phát triển kinh tế biển.

Theo thống kê của Ban đăng ký Tàu biển và thuyền viên – Cục Hàng hải Việt Nam tính đến tháng 6-2018, đội ngũ thuyền viên nước ta hiện có khoảng 20.500 người, từ thuyền trưởng, đại phó, máy trưởng, máy hai, sĩ quan boong, sĩ quan máy đến thủy thủ trưởng, thợ máy chính, sĩ quan điện, thợ điện, thủy trực ca, thợ máy ca…

Từ năm 2000 trở lại đây, do nhu cầu nhân lực hàng hải lớn, các trường hàng hải trong cả nước tăng số lượng đào tạo đáng kể: Trường ĐH Hàng hải Việt Nam hằng năm tuyển trên 800 sinh viên cho hai khoa đi biển. Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM tuyển mỗi năm từ 250-300 sinh viên cho hai khoa đi biển.

Còn các trường cao đẳng, trung cấp đào tạo ngành hàng hải chỉ tuyển với số lượng trên dưới 200 sinh viên/trường cho hai khoa đi biển.

“Nhu cầu nhân lực hàng hải Việt Nam hiện nay rất lớn. Đến năm 2020, công tác đào tạo và bồi dưỡng sẽ phải đạt khoảng 42.000 sĩ quan, thuyền viên chất lượng cao; trong đó đào tạo mới khoảng 15.000 người (7.000 người bổ sung theo yêu cầu phát triển đội tàu và 8.000 người thay thế lực lượng hiện có).

Cùng đó, khoảng 6.000 sĩ quan quản lý và khoảng 9.000 thuyền viên, công nhân kỹ thuật hàng hải cũng sẽ phải được đào tạo nhằm tạo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế biển được bền vững và góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo nước ta”, TS Nguyễn Đức Ca cho biết.

Phải tăng cường đào tạo ngoại ngữ, kỹ năng mềm

Theo Cục Hàng hải Việt Nam, việc đào tạo nhân lực ngành hàng hải chất lượng cao luôn được xem là nền tảng quan trọng. Do đó, ngành hàng hải trong thời gian tới cần phải tăng cường gắn kết giữa các doanh nghiệp vận tải biển với các cơ sở đào tạo.

Đánh giá về chất lượng nguồn nhân lực hàng hải hiện nay, ThS Đinh Văn Thái cho biết sinh viên tốt nghiệp ngành hàng hàng còn kém kỹ năng mềm như tác phong công nghiệp, khả năng làm việc nhóm, ngoại ngữ…

“Chúng ta vẫn đều đều dạy cho sinh viên hàng hải kiến thức và kỹ năng cứng, chưa chú trọng kỹ năng mềm. Người lao động Việt Nam thường bị đánh giá nhút nhát, thiếu tự tin, quản lý yếu, khó hòa nhập…”, ông Thái nói.

“Thợ máy không biết tiếng Anh làm việc cho các đội tàu thuần Việt lương khoảng 8-10 triệu đồng. Đối với thuyền viên làm việc trên các đội tàu nước ngoài, mức lương có thể gấp ba lần”, ông Thái cho biết thêm.

Ngành hàng hải không vất vả, nguy hiểm như nhiều người nghĩ

Nhóm nghiên cứu cho rằng cần nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, tư vấn tuyển sinh và hướng nghiệp. Chúng ta chưa làm cho xã hội, nhất là học sinh tốt nghiệp THPT, THCS, thanh niên nhận thức rõ vào đại học không phải là con đường duy nhất.

Việc dự báo nhu cầu nhân lực về cơ cấu ngành nghề và trình độ đào tạo chưa phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế xã hội theo từng giai đoạn.

“Hiện nay người ngoài ngành luôn nhận định hàng hải là nghề vất vả, đơn điệu, nguy hiểm… nhưng thực tế không phải như vậy. Số vụ tai nạn hàng hải chỉ đếm trên đầu ngón tay. Vì vậy, các cơ sở đào tạo nghề hàng hải cần giải thích rõ và tuyên truyền thực tế về điều này, nhằm thúc đẩy động lực người học”, ông Ca kiến nghị.

Báo Tuổi trẻ