Vietnam Report công bố nghiên cứu về thị trường logistics Việt Nam

30/11/22 1:32 PM

Sorry, this entry is only available in Tiếng Việt.

Báo cáo ghi nhận kết quả kinh doanh của phần lớn các DN ngành logistics đều rất tích cực: 68,4% số doanh nghiệp tham gia khảo sát cho biết doanh thu 9 tháng đầu năm tăng lên so với cùng kỳ năm 2021.

Ngày 30/11, Công ty Cổ phần Báo cáo Đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) công bố nghiên cứu về thị trường ngành logistics Việt Nam giai đoạn hậu COVID-19 và công bố Top 10 Công ty uy tín ngành logistics năm 2022.

Có 4 danh sách được phân loại gồm: Top 10 Công ty uy tín ngành logistics năm 2022 – nhóm ngành giao nhận vận tải quốc tế, kho bãi, dịch vụ logistics bên thứ 3, thứ 4; Top 10 Công ty uy tín ngành logistics năm 2022 – nhóm ngành vận tải hàng hóa; Top 5 Công ty uy tín ngành logistics năm 2022 – nhóm ngành khai thác cảng và Top 5 Công ty uy tín ngành logistics năm 2022 – nhóm ngành chuyển phát nhanh, giao hàng chặng cuối

Bảng xếp hạng Top 10 Công ty uy tín ngành logistics năm 2022 được xây dựng dựa trên các nguyên tắc khoa học và khách quan. Các công ty được đánh giá, xếp hạng dựa trên 3 tiêu chí chính là năng lực tài chính qua báo cáo tài chính năm gần nhất; uy tín truyền thông và kết quả khảo sát đối tượng nghiên cứu và các bên liên quan được thực hiện trong tháng 10 và 11/2022.

Theo báo cáo đánh giá của Vietnam Report, thế giới đang dần chuyển sang một trạng thái mới – một chu kỳ kinh tế mới.

Trong giai đoạn giao thời với nhiều biến động, cộng đồng doanh nghiệp phải đối mặt với khó khăn chồng chất từ những hệ lụy của đại dịch cho tới cuộc xung đột Nga-Ukraine… tiếp tục làm trầm trọng hơn tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu, giá năng lượng và thực phẩm tăng, lạm phát leo thang và lãi suất tăng mạnh…

Trước bối cảnh đó, nhiều doanh nghiệp lớn trên thế giới đã có động thái tái định vị chuỗi cung ứng của mình, hình thành xu hướng toàn cầu hóa kiểu mới – hậu COVID-19.

Đây là thách thức và cũng là cơ hội lớn đối với các doanh nghiệp Việt nói chung và ngành logistics nói riêng.

Để vượt qua thách thức, nắm bắt cơ hội trở thành mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu, các doanh nghiệp trong nước phải thích ứng linh hoạt, liên tục đổi mới với các dịch vụ và mô hình kinh doanh mới, đảm bảo hoạt động hậu cần an toàn để đối phó với những thay đổi trong trung và dài hạn.

Ông Vũ Đăng Vinh, Tổng giám đốc Vietnam Report phân tích, báo cáo ghi nhận kết quả kinh doanh của phần lớn các doanh nghiệp trong ngành đều rất tích cực.

Cụ thể, 68,4% số doanh nghiệp tham gia khảo sát cho biết doanh thu 9 tháng đầu năm nay tăng lên so với cùng kỳ năm 2021; trong đó, có tới 26,3% ghi nhận mức tăng lên đáng kể.

Theo báo cáo tài chính của 34 doanh nghiệp logistics niêm yết trên sàn chứng khoán, có 64,7% số doanh nghiệp vẫn duy trì được đà tăng trưởng doanh thu so với trước đại dịch (con số này là 35,3% vào thời điểm cách đây một năm).

Thống kê cũng chỉ ra, có 26,5% số doanh nghiệp chuyển từ nhóm “đang trên đà phục hồi” trong giai đoạn 2019-2021 sang “duy trì đà tăng trưởng” trong giai đoạn 2019-2022. Điều này cho thấy nỗ lực không ngừng của các doanh nghiệp logistics trong quá trình phục hồi và bứt phá tăng trưởng kinh tế sau dịch COVID-19.

Cùng với đó, khảo sát của Vietnam Report cũng chỉ ra những khó khăn lớn nhất mà doanh nghiệp logistics đang phải đối mặt là biến động giá năng lượng, nguyên vật liệu đầu vào; sự cạnh tranh giữa các doanh nghiệp cùng ngành; rủi ro từ chuỗi cung ứng; bất ổn chính trị trên thế giới và nhu cầu mua sắm, tiêu dùng giảm.

Thách thức lớn nhất là biến động giá năng lượng – điểm khác biệt lớn nhất trong bức tranh kinh tế ngành logistics năm nay, bắt nguồn từ cuộc xung đột Nga-Ukraine kéo theo cú sốc lớn đến nguồn cung làm cho thị trường năng lượng toàn cầu biến động mạnh.

Chi phí nhiên liệu chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu chi phí hoạt động, đặt ra bài toán lớn cho các doanh nghiệp ngành logistics về việc điều chỉnh giá.

Đặc biệt, 63,2% doanh nghiệp tham gia khảo sát của Vietnam Report cho biết tổng chi phí tăng lên trong 9 tháng đầu năm nay so với cùng kỳ năm trước.

Gần 1/3 số doanh nghiệp ghi nhận mức tăng đáng kể đối với chi phí xăng dầu. Khi giá nhiên liệu trở thành gánh nặng của doanh nghiệp sẽ gây ra nhiều bất lợi trong cạnh tranh, điển hình như tăng cách biệt về mặt chi phí logistics của Việt Nam so với bình quân thế giới và trong khu vực.

Tính trong khu vực ASEAN, Việt Nam đã ở mức 16,8%, cao hơn so với Singapore là 8,5%, Malaysia là 13,0% và Thái Lan là 15,5%.

Ngoài ra, những rủi ro từ gián đoạn chuỗi cung ứng, bất ổn chính trị trên thế giới, nhu cầu mua sắm, tiêu dùng giảm do lạm phát gia tăng tại khu vực các nước phát triển cũng tạo ra tác động cộng hưởng không nhỏ tới hoạt động ngành logistics trong nước.

Nhiều chuyên gia nhận định, căng thẳng Nga-Ukraine đang làm xáo trộn các chuỗi cung ứng toàn cầu vốn đã rất “mong manh” sau những tác động của đại dịch COVID-19.

Tuy nhiên, trước những diễn biến phức tạp của thế giới, gần 80% số doanh nghiệp dự báo thách thức này sẽ còn tiếp diễn đến cuối năm 2023, thậm chí lâu hơn khi các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 được gỡ bỏ tại hầu hết các thị trường.

Thêm nữa, 52,6% số doanh nghiệp tham gia khảo sát của Vietnam Report cho biết số lượng đơn hàng giảm, hàng tồn kho tăng. Đáng chú ý, tại một số doanh nghiệp mức giảm lên tới 30-40% so với cùng kỳ năm 2021.

Trước vấn đề, ông Vinh khuyến nghị trong những năm tới đây, các doanh nghiệp cần đổi mới tư duy, lấy con người làm trung tâm; đồng thời, thúc đẩy tư duy kỹ thuật số, thiết lập các chuẩn mực văn hóa tích cực, tiêu chuẩn hóa các quy trình và liên tục đào tạo lực lượng lao động./.

Vietnamplus