VIMC: Quan tâm đội ngũ sỹ quan, thuyền viên khi dịch Covid-19 bùng phát mạnh

28/05/21 7:00 AM

Sorry, this entry is only available in Tiếng Việt.

Đại dịch Covid-19 tái bùng phát mạnh mẽ từ đầu năm 2021 đến nay khiến đội ngũ sỹ quan, thuyền viên của Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (VIMC) gặp nhiều khó khăn. Tổng công ty đã tăng cường chăm lo đội ngũ sỹ quan, thuyền viên vượt qua đại dịch.

VIMC hiện quản lý đội tàu vận tải biển gồm 70 chiếc với khoảng 1,5 triệu tấn trọng tải và gần 4.000 sỹ quan, thuyền viên. Từ đầu năm 2021 đến nay, nhiều thuyền viên của VIMC tiếp tục phải làm việc trên tàu với thời gian kéo dài hơn so với hợp đồng lao động đã ký kết.

Hơn một năm công tác liên tục trên tàu, anh Mai Văn Đức (Đại phó tàu Biển Đông Victory – Công ty Vận tải Biển Đông) chưa được về nhà. Thuyền viên Nguyễn Văn Huấn (Công ty Cổ phần Vận tải biển Vinaship) cũng chung tình cảnh như vậy. Hoàn cảnh gia đình anh Huấn có phần khó khăn hơn khi có con mắc bệnh hiểm nghèo do sinh non. Anh là trụ cột gia đình nhưng không thể về nhà do dịch Covid-19.

Một trường hợp khác là anh Nguyễn Anh Thông – thuyền viên Công ty Cổ phần Vận tải biển Việt Nam đã 15 tháng không được bố trí xuống tàu do dịch Covid-19. Hoàn cảnh gia đình anh rất khó khăn: Con gái mới mất, con trai gây tai nạn, gia đình nợ nần.

Câu chuyện buồn của thủy thủ trưởng Đào Ngọc Sơn (Công ty Vận tải biển VIMC) bị ốm và qua đời khi đang công tác trên tàu VNL Sunrise. VIMC đã rất cố gắng để đưa thi thể thủy thủ Đào Ngọc Sơn về với gia đình.

Thuyền viên di chuyển qua nhiều khu vực trên thế giới nên nguy cơ lây nhiễm Covid-19 cao

Đó là số ít trong hàng ngàn thuyền viên phải trải qua vất vả, hy sinh rất lớn khi dịch bệnh Covid-19 tiếp tục bùng phát dữ dội trên thế giới.

“Tâm lý anh em sỹ quan, thuyền viên rất căng thẳng do bị hạn chế đi lại, quá hạn hợp đồng, không thể thay thế về nhà với gia đình” – ông Phạm Gia Hiến – Chủ tịch Công đoàn Công ty Cổ phần Vận tải biển Việt Nam (VOSCO) chia sẻ. VOSCO là một đơn vị có vị trí quan trọng trong hoạt động vận tải biển của VIMC. Công ty có gần 1.000 lao động, 15 tàu vận tải và 3 đến 5 tàu thường xuyên thuê ngoài. Hiện nay, nhiều thuyền viên của công ty đã có thời gian công tác trên tàu từ 14 – 20 tháng.

TV-VIMC-5

Còn ông Lê Hải Quân, đại diện Công ty Vận tải Biển Đông (đơn vị quản lý tàu Biển Đông Victory), cho biết, có thời điểm trên tàu hiện có 17 người Việt và 8 người Malaysia. Trong đó 8 thuyền viên Việt Nam đã làm việc quá 12 tháng, một số khác 19 – 20 tháng. Ngoài ra, công ty còn có 25 thuyền viên đang làm việc ở vùng biển Philippines, sắp hết thời gian làm việc 12 tháng song chưa thể về nước.

Ông Bùi Việt Hoài, Phó Tổng Giám đốc VIMC cho biết: “Trước đây, khi làm việc quá 1 năm, thuyền viên sẽ không được Tổ chức Hàng hải Quốc tế (IMO) cấp phép cho làm tiếp. Nhưng do dịch bệnh, thuyền viên được IMO đồng ý kéo dài thời gian ở lại trên tàu. Nhưng đa số thuyền viên đều mong muốn đơn vị quản lý đưa về nước khi đến hạn”.

VIMC: Quan tâm đội ngũ sỹ quan, thuyền viên khi dịch Covid-19 bùng phát mạnh

Tàu chở dầu Biển Đông Victory ở khu vực Trung Đông. 

Nhiều thuyền viên đã và sắp hết hạn hộ chiếu phổ thông nhưng không thể thay thế, không thể gia hạn hộ chiếu… Việc cung ứng thực phẩm, đồ dùng thiết yếu cho tàu cũng gặp nhiều khó khăn. Khi tàu đến các cảng, ngay cả khi tàu về Việt Nam, thuyền viên trên tàu được giám sát ở chế độ đặc biệt, không được lên bờ, thậm chí không được xuống cầu cảng. Cùng với nỗi lo về dịch bệnh, việc sống và làm việc dài ngày trong một không gian hạn chế đã gây ra căng thẳng tâm lý cho thuyền viên.

VIMC: Quan tâm đội ngũ sỹ quan, thuyền viên khi dịch Covid-19 bùng phát mạnh

Đo thân nhiệt thuyền viên khi cập cảng ở TP Hồ Chí Minh

Thuyền viên là các đối tượng có nguy cơ lây nhiễm cao và chịu nhiều tác động của dịch bệnh. Nguy cơ lây nhiễm Covid-19 đối với thuyền viên có thể bắt nguồn từ bất cứ khâu nào trong quá trình tàu cập cảng, làm hàng ở nhiều quốc gia khác nhau. Nhất là ở khâu tiếp xúc với hoa tiêu, đại lý, nhân viên điều độ, công nhân bốc xếp tại các cảng…

Trong bối cảnh khó khăn do dịch bệnh, VIMC phải siết chặt chi phí nhằm đảm bảo duy trì hoạt động của các đội tàu. Nhưng với đội ngũ thuyền viên, Tổng Công ty không giảm lương mà cố gắng giữ nguyên thu nhập cùng với các chế độ an sinh xã hội khác. Các đơn vị thành viên trong Tổng Công ty đã chỉ đạo các tàu đặt thực phẩm và đồ dùng thiết yếu đủ dùng trong thời gian dài, đề phòng trường hợp tàu đến các cảng không thể cung ứng, thuyền viên bị thiếu thực phẩm và vật phẩm.

Ngay khi Việt Nam kiểm soát được dịch bệnh Covid-19, Tổng Công ty đã cố gắng tìm cách ký hàng để đưa tàu về Việt Nam nhằm thay thế thuyền viên. Trên thực tế, có những chuyến tàu phải chấp nhận chạy “rỗng” hoặc đi chệch hướng, chịu thiệt hại phát sinh nhiều chi phí và cả chi phí đưa thuyền viên đi cách ly.

VIMC: Quan tâm đội ngũ sỹ quan, thuyền viên khi dịch Covid-19 bùng phát mạnh

Các thuyền viên không được lên bờ khi chưa đảm bảo các yêu cầu phòng, chống dịch Covid-19

Để ứng phó và hạn chế tác động của dịch bệnh Covid-19, đảm bảo an toàn cho đội ngũ thuyền viên, các công ty vận tải biển đã tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch.

Ban Chỉ huy tàu thường xuyên kiểm tra và nhắc nhở thuyền viên thực hiện nghiêm yêu cầu 5K trong phòng, chống dịch (đeo khẩu trang, khử khuẩn, không tập trung đông người, giữ khoảng cách khi tiếp xúc, khai báo y tế). Các tàu đều bổ sung bồn rửa tay, xà phòng, hoặc dung dịch sát khuẩn tay nhanh (có ít nhất 70% nồng độ cồn).

Tất cả thuyền viên bắt buộc phải đeo khẩu trang. Các tàu thường xuyên thực hiện tiêu độc, khử trùng, hỗ trợ các biện pháp giúp nâng cao sức khỏe, thể trạng cho người lao động như cung cấp đủ nước uống; nâng cao chất lượng bữa ăn ca; bố trí ca làm việc hợp lý. Đồng thời tuyên truyền tới các sỹ quan, thuyền viên trên tàu bám sát hành trình, nêu cao tinh thần cảnh giác và xây dựng các phương án ứng phó khi tàu đi qua vùng có dịch để không thuyền viên nào trên tàu bị lây nhiễm dịch bệnh.

Ngoài ra, khi hộ chiếu sắp hết hạn, nhiều thuyền viên không thể lên bờ để đến các Lãnh sự quán Việt Nam ở nước ngoài làm thủ tục gia hạn. Tháo gỡ khó khăn cho người lao động, VIMC đã kiến nghị Chính phủ cho phép gia hạn hộ chiếu online với lao động trên tàu biển. Trong năm 2020 và từ đầu năm 2021 đến nay, một số đơn vị thuộc VIMC đã sắp xếp để tàu chở hàng từ Nhật Bản, Hàn Quốc… cập bến khi đi qua vùng biển Việt Nam, với mục đích cho thuyền viên cũ vào bờ, thay thế người mới. Mỗi lần cập bến như vậy ước tính tốn kém 1 – 2 tỷ đồng chi phí dầu, bến bãi nhưng đã góp phần ổn định tâm lý người lao động.

VIMC và tổ chức công đoàn đã tổ chức thăm hỏi, làm tốt công tác tư tưởng cho các thuyền viên và gia đình, giúp cho họ yên tâm công tác, vượt qua giai đoạn hết sức khó khăn do dịch bệnh gây ra.

Cuộc sống an toàn