Bỏ giá trần dịch vụ, doanh nghiệp cảng biển có được hưởng lợi?

10/04/23 9:42 AM

Sorry, this entry is only available in Tiếng Việt.

Nhiều doanh nghiệp cảng biển nhận định, việc bỏ quy định giá trần sẽ không tác động nhiều đến hiệu quả kinh doanh.

Hiếm doanh nghiệp cảng áp được giá trần

Dự thảo Luật Giá (sửa đổi) mới nhất đã được trình Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách cho ý kiến. Trong đó, Ủy ban Tài chính – Ngân sách cho biết, một số ý kiến đã đề nghị không quy định giá trần với dịch vụ cảng biển và dịch vụ hàng không.

Nguyên nhân bởi quy định này không phù hợp với nguyên tắc thị trường khi đã có nhiều doanh nghiệp tham gia đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực này, bao gồm cả các nhà đầu tư nước ngoài (đầu tư các cảng biển), việc quy định giá trần sẽ làm hạn chế khả năng và động lực phát triển.

Hiện nay, hầu hết các cảng biển đều áp dụng mức giá sàn dịch vụ xếp dỡ container cảng biển

Liên quan đến vấn đề trên, ông Phạm Quốc Long, Phó tổng giám đốc Công ty CP Gemadept cho rằng, giá trần dịch vụ cảng biển không ảnh hưởng lớn tới việc kinh doanh của doanh nghiệp. Tuy nhiên, giá trần và giá sàn là khung giá cần thiết để điều tiết giá cả thị trường.

“Chỉ khi nào tàu và hàng nhiều lên, các cảng biển có thể tăng mức giá dịch vụ lên mức giá trần. Nếu không, thị trường sẽ tự điều tiết mức giá”, ông Long chia sẻ.

Nhiều doanh nghiệp cảng biển cũng thừa nhận, trong khung giá dịch vụ cảng biển hiện nay, giá trần không gây ảnh hưởng quá nhiều tới hoạt động kinh doanh của các cảng.

Do tính cạnh tranh, hầu hết các cảng đều đang áp mức giá sàn. Một số cảng hiện đã áp được mức giá trên giá tổi thiểu, song số lượng này không nhiều.

Theo Cục Hàng hải VN, thời gian đầu khi ban hành khung giá, tất cả các doanh nghiệp cảng biển trên cả nước đều áp dụng giá tối thiểu.

Tuy nhiên, từ năm 2021 đến nay, một số doanh nghiệp cảng biển đã áp dụng được mức giá cao hơn giá tối thiểu, chủ yếu là các cảng ở khu vực ít có sự cạnh tranh như: cảng quốc tế Cái Lân (Quảng Ninh) ít cảng container, cảng Lạch Huyện là cảng nước sâu duy nhất tại miền Bắc, hiện mới có 2 bến được đưa vào sử dụng, đón được tàu container trọng tải 140.000 DWT và một số cảng ở miền Trung như cảng Đà Nẵng.

Tại các khu vực tập trung nhiều doanh nghiệp cảng hoạt động, có sự cạnh tranh cao như: Hải Phòng (trừ cảng nước sâu Lạch Huyện), TP.HCM, Vũng Tàu đều áp dụng mức giá bằng giá tối thiểu.

Cần tăng giá sàn xếp dỡ

Ông Nguyễn Xuân Kỳ, Tổng giám đốc Cảng quốc tế Cái Mép (CMIT) cho biết, hiện cán cân cung – cầu tại cảng biển khu vực Cái Mép vẫn bị lệch nên các cảng khó để áp được mức giá trần. Khi đàm phán hợp đồng, mức giá dịch vụ cảng biển phụ thuộc chủ yếu theo thị trường.

“Điều các cảng biển, đặc biệt là cảng nước sâu cần nhất hiện nay là tăng giá sàn dịch vụ xếp dỡ cảng biển”, ông Kỳ nhấn mạnh.

Trước đó, 4 hiệp hội bao gồm: Hiệp hội Cảng biển VN, Hiệp hội Chủ tàu VN, Hiệp hội Đại lý, Môi giới và Dịch vụ Hàng hải VN, Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ Logistics VN đã gửi đơn kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, đề xuất điều chỉnh khung giá dịch vụ bốc dỡ container tiệm cận nhanh với mức giá bình quân của khu vực và THC (phí xếp dỡ hàng hoá tại cảng) của hãng tàu.

Để thuận lợi trong việc điều chỉnh giá dịch vụ kịp thời, phản ánh đúng thực tiễn, các hiệp hội cũng đồng thời kiến nghị chuyển hình thức ban hành văn bản từ Thông tư sang Quyết định theo các quy định có liên quan trong hệ thống pháp luật về giá để có thể ban hành điều chỉnh ngay mức giá mới đối với dịch vụ bốc dỡ theo thực tế thị trường.

Theo tính toán của các hiệp hội, với mức giá xếp dỡ hiện tại của cảng biển Việt Nam chỉ bằng 40-50% so với khu vực, tính trên sản lượng container thông qua hệ thống cảng Việt Nam khoảng 25 triệu Teus/năm, Việt Nam đang thất thu khoảng 1 tỷ USD/năm.

Báo Giao thông