Ngày 25/11/1996, Công đoàn Tổng công ty Hàng hải Việt Nam chính thức được thành lập theo quyết định số 1456/QĐ-TLĐ của Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.
Trải qua 22 năm xây dựng và phát triển với 5 kỳ Đại hội nhưng được kế thừa truyền thống gần 60 năm của Công đoàn Hàng hải Việt Nam; luôn nhận được sự quan tâm, chỉ đạo kịp thời của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, sự phối hợp chặt chẽ, có hiệu quả của Đảng ủy, Hội đồng thành viên, Ban Điều hành Tổng công ty Hàng hải Việt Nam qua các thời kỳ và lãnh đạo các doanh nghiệp thành viên, Công đoàn Tổng công ty Hàng hải Việt Nam đã không ngừng lớn mạnh, phát triển cả về số lượng và chất lượng. Từ ngày đầu mới thành lập với 30 công đoàn cơ sở và gần 18.000 đoàn viên, đến nay, Công đoàn Tổng công ty đã có 62 công đoàn cơ sở trực thuộc với hơn 25 nghìn cán bộ, đoàn viên, người lao động.
22 năm qua, đồng hành với những thăng trầm của Tổng công ty Hàng hải Việt Nam, Công đoàn Tổng công ty đã luôn phát huy được đầy đủ vai trò, chức năng, nhiệm vụ của mình, góp phần cùng với Tổng công ty và các doanh nghiệp hoàn thành các chỉ tiêu chính trị, kinh tế, xã hội qua từng năm và từng giai đoạn, ổn định tư tưởng, đảm bảo việc làm, tiền lương, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động, tham gia tích cực công tác an sinh xã hội.
Đặc biệt, giai đoạn 2010-2015 có thể nói là giai đoạn khó khăn nhất của Tổng công ty Hàng hải Việt Nam và Công đoàn Tổng công ty, khi giá cước vận tải biển và giá thuê tàu liên tục sụt giảm mạnh; hoạt động đầu tư khai thác cảng đạt hiệu quả không cao; sự cạnh tranh gay gắt về hoạt động logistics từ các doanh nghiệp nước ngoài và thực trạng kết cấu hạ tầng logistics còn yếu, quy mô hoạt động nhỏ, manh mún… cùng với việc một số dự án đầu tư của Tổng công ty giai đoạn trước đó chưa thực sự hiệu quả, gây thất thoát lớn. Tư tưởng người lao động không ổn định, ảnh hưởng đến tinh thần làm việc và tác động toàn diện lên mọi lĩnh vực hoạt động của Tổng công ty và các doanh nghiệp.
Trước tình hình ấy, Đảng, Chính phủ, Bộ Giao thông Vận tải đã chỉ đạo Tổng công ty Hàng hải Việt Nam và các doanh nghiệp thực hiện sắp xếp, đổi mới, cổ phần hóa, tái cơ cấu doanh nghiệp nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh. Công đoàn các cấp đã đồng hành với chuyên môn kịp thời xây dựng Nghị quyết và Chương trình hành động “Công đoàn chủ động, tích cực tham gia quá trình tái cơ cấu Tổng công ty giai đoạn 2012-2015”. Quy chế dân chủ cơ sở được thực hiện thông qua Hội nghị người lao động, thông qua đối thoại với người lao động. Công đoàn luôn tích cực tham gia vào quá trình sắp xếp, đổi mới, cổ phần hóa doanh nghiệp, phương án sản xuất kinh doanh, sắp xếp lại nguồn nhân lực sau cổ phần hóa, tích cực tham gia xây dựng, triển khai giám sát việc thực hiện pháp luật lao động, chế độ chính sách có liên quan trực tiếp đến người lao động, doanh nghiệp, tổ chức công đoàn như: bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm tai nạn, bảo hiểm thất nghiệp, công tác an toàn vệ sinh lao động, phòng chống cháy nổ… nhằm đảm bảo tốt nhất quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động, giải quyết tốt mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ trong doanh nghiệp.
Trong khó khăn, với sự quyết liệt của Tổng công ty, những nỗ lực của tổ chức Công đoàn, phát huy truyền thống “năng động, văn minh, sống nghĩa tình”, với ý thức về văn hóa, những giá trị cốt lõi của doanh nghiệp, cán bộ, CNVCLĐ, sỹ quan, thuyền viên các doanh nghiệp có tổ chức công đoàn trực thuộc Công đoàn Tổng công ty đã kề vai sát cánh, chung sức đồng lòng, đoàn kết, sáng tạo vượt qua khó khăn, gìn giữ các giá trị, ổn định và tiến tới mục tiêu phát triển bền vững.
Bước vào giai đoạn mới, giai đoạn của hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng khi nhiều Hiệp định kinh tế song phương, đa phương bắt đầu có hiệu lực đối với Việt Nam. Cùng với đó là sự phát triển mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Đây vừa là cơ hội, thuận lợi nhưng cũng là khó khăn, thách thức đối với ngành Hàng hải và đội ngũ cán bộ, CNVCLĐ, sỹ quan, thuyền viên các doanh nghiệp có tổ chức công đoàn thuộc Công đoàn Tổng công ty Hàng hải Việt Nam.
Tại Đại hội Công đoàn Tổng công ty Hàng hải Việt Nam lần thứ V đã đề ra mục tiêu, phương hướng tổng quát cho nhiệm kỳ 2018 – 2023 là: Tập trung đổi mới nội dung, phương thức hoạt động theo hướng thiết thực, hiệu quả; chú trọng đại diện chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng đối với người lao động; tăng cường phát triển lợi ích đoàn viên; hoàn thiện phương thức hoạt động phục vụ; phát huy vai trò tập thể đoàn viên tham gia xây dựng tổ chức Công đoàn vững mạnh; tích cực xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ trong doanh nghiệp; nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công đoàn; tích cực tham gia xây dựng Đảng; tăng cường xây dựng đội ngũ công nhân lao động hàng hải thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Với nhận thức sâu sắc về yêu cầu, nhiệm vụ của Tổng công ty Hàng hải Việt Nam, của đất nước và của tổ chức Công đoàn Việt Nam trong giai đoạn tới, phát huy những thành tích đã đạt được trong 22 năm xây dựng, phát triển, cán bộ, CNVCLĐ, sỹ quan, thuyền viên và đội ngũ cán bộ các cấp công đoàn Tổng công ty Hàng hải Việt Nam quyết tâm không ngừng trau dồi bản lĩnh chính trị, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, tay nghề, kỹ năng, tinh thần đoàn kết, kỷ luật, củng cố và xây dựng đội ngũ, xây dựng tổ chức công đoàn vững mạnh, tham gia quản lý, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng cho người lao động, trong đó nhiệm vụ trọng tâm trước mắt là tập trung quyết liệt cùng với Tổng công ty thực hiện thành công chuyển đổi mô hình hoạt động sang công ty cổ phần của Công ty mẹ – Tổng công ty Hàng hải Việt Nam, góp phần vào sự ổn định và phát triển bền vững của từng doanh nghiệp, Tổng công ty và đất nước./.
Công đoàn Tổng công ty