Hiến kế hoàn thiện chuỗi dịch vụ logistics cho nông sản ĐBSCL

27/05/22 8:55 AM

Sorry, this entry is only available in Tiếng Việt.

Nhiều doanh nghiệp, nhà quản lý, chuyên gia đã góp ý, hiến kế hoàn thiện chuỗi dịch vụ logistics cho nông sản ĐBSCL để nâng cao giá trị kinh tế, phát huy tiềm năng vốn có của ĐBSCL.

Ông Nguyễn Thành Phong, Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương dự và chỉ đạo tại diễn đàn

Ông Nguyễn Thành Phong, Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương dự và chỉ đạo tại diễn đàn

Ngày 26-5, UBND TP Cần Thơ, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam, VCCI Cần Thơ và tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức diễn đàn hoàn thiện chuỗi dịch vụ logistics cho nông sản ĐBSCL.

Sớm xây dựng trung tâm logistics tại Cần Thơ

Theo ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch VCCI, ĐBSCL hằng năm có nhu cầu vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu khoảng 18 triệu tấn. Tuy nhiên, vùng còn thiếu các trung tâm logistics trọng điểm và các hệ thống trung tâm vệ tinh, thiếu bãi container rỗng, hệ thống kho ở các cảng.

Cạnh đó, hệ thống cảng biển còn thiếu, nhất là cảng nước sâu cho tàu vận chuyển container xuất khẩu. Do vậy hàng hóa nói chung và hàng nông sản nói riêng phải vận chuyển qua nhiều địa điểm và đưa lên TP.HCM để xuất đi các nơi. Việc này khiến chi phí vận tải doanh nghiệp phải gánh cao hơn 10%-40% tùy từng tuyến, ảnh hưởng đến sức cạnh tranh hàng hóa trên thị trường.

Bên cạnh đó, phần lớn các dịch vụ logistics chỉ dừng lại ở từng hoạt động riêng lẻ chứ chưa có sự kết nối chặt chẽ với nhau giữa các phương thức vận tải, nên thường gây ra chậm trễ, chi phí phát sinh cao như phí dịch vụ, lưu kho bãi, thời gian chờ đợi đều tăng.

Tại hội thảo, nhiều đại biểu, chuyên gia đã cùng góp ý, đưa ra các giải pháp để hoàn thiện hạ tầng, chuỗi dịch vụ logistics cho nông sản ĐBSCL. Cụ thể, đối với trung tâm logistics tại Cần Thơ, ông Hoàng Hồng Giang, Phó Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam (Bộ GTVT), mong rằng với những cơ chế đặc thù vừa được phê duyệt, Cần Thơ cần vận dụng ngay để triển khai sớm trung tâm này.

Hiến kế hoàn thiện chuỗi dịch vụ logistics cho nông sản Đồng bằng sông Cửu long ảnh 1

Cảng Cái Cui(Công ty cổ phần Cảng Cần ) có năng lực đón tàu 10.000 tấn đầy tải và 20.000 tấn vơi tải nhưng do luồng lạch không đảm bảo nên chỉ có tàu 3.000-5.000 tấn ghé cảng

Cũng theo ông Giang, Cục Hàng hải mới đây đã làm việc với Cần Thơ để giải quyết việc nạo vét cửa Định An, khơi thông luồng cho tàu tải trọng lớn vào Cần Thơ. Cạnh đó, cục đã kết hợp với cơ quan nghiên cứu của Mỹ nghiên cứu thiết lập chuỗi cung ứng phân phối hàng hóa lên cảng Cái Mép và tìm cách mở cửa Định An sao cho hiệu quả.

Cùng có ý kiến liên quan đến cửa Định An và luồng Quan Chánh Bố, ông Đặng Vũ Thành, Tổng giám đốc Công ty CP Kho vận miền Nam, cho rằng câu chuyện nói đi nói lại nhiều năm vẫn là chuyện nạo vét, làm đê ngăn cát, giảm sóng, định hướng dòng. Tuy nhiên, theo ông Thành, việc kiểm soát sạt lở, bồi lắng ở khu vực này thời gian qua chưa hiệu quả. Để đạt hiệu quả hơn trong nạo vét thì cần phải nghiên cứu bài bản, có cơ sở khoa học trước khi thực hiện để khi thực hiện không tốn quá nhiều tiền mà vẫn đạt hiệu quả cao.

Còn ông Lê Quang Trung, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Hàng hải Việt Nam, thì cho rằng nếu luồng Quan Chánh Bố, cửa Định An khơi thông thì phía công ty có thể đưa tàu 10.000 tấn vào khai thác, kết nối thẳng tới Singgapore và nhiều nước khác trên thế giới.

Nhiều giải pháp giảm chi phí logistics cho hàng nông sản

Ông Võ Thanh Phong, Tổng Giám đốc VIMC Hậu Giang giới thiệu tiềm năng, lợi thế Cảng Hậu Giang, tại Khu công nghiệp Sông Hậu, huyện Châu Thành.

Để hoàn thiện chuỗi dịch vụ logistics cho nông sản ĐBSCL, ông Võ Quan Huy, Giám đốc Công ty TNHH Huy Long An, nhấn mạnh tầm quan trọng của sàn thương mại điện tử, góp phần làm giảm chi phí logistics cho nông sản.

Theo ông Huy, chi phí logistics rất cao, giá logistics đang “ăn mòn” vào giá trị nông sản Việt Nam. Ông Huy dẫn chứng vào tháng 12-2021, một container chuối đi Trung Quốc chi phí khoảng 40 triệu đồng (tương đương 2.000 đồng/kg) nhưng đến tháng 4-2022 lên đến 180 triệu đồng (tương đương 9.000 đồng/kg), hiện còn khoảng 135 triệu đồng. Hiện nông dân trồng chuối bán tại chỗ khoảng 5.000-6.000 đồng/kg nhưng chi phí lại hơn 6.500 đồng/kg.

Ông Huy kiến nghị Chính phủ có biện pháp thay đổi tư duy sản xuất nhỏ lẻ của người dân sang tư duy liên kết. Đồng thời, ông kiến nghị có chính sách đủ mạnh để tạo chuỗi liên kết, nhất là trong sản xuất hàng hóa, từ khâu trồng trọt đến tiêu dùng, từ đó mới rút được chi phí và phát triển nền nông nghiệp.

Ông Trung đưa ra ba giải pháp, một là phát triển trung tâm logistics với hệ thống kho lạnh, hai là đẩy mạnh kết nối vận tải biển giữa các trung tâm trong nước và trong nước với các nước trên thế giới, ba là phát triển trung tâm chiếu xạ tại Cần Thơ.

Thứ nhất, về việc triển khai trung tâm logistics, cần đẩy mạnh trung tâm logistics gắn liền với các hoạt động của cảng. Tầm quan trọng của các trung tâm logistics kết nối với vớ sơ sở, các phương thức vận tải trên cơ sở nền tảng là các cãng làm trung tâm, trong đó, cảng Cần Thơ, cảng Năm Căn sẽ là những điểm nhấn trong chuỗi cung ứng. Với các Trung tâm logistics hiện nay, đối với Cần Thơ vẫn chưa có các trung tâm đúng nghĩa.

Thứ hai, khơi luồng Định An để có thể đưa thẳng các tàu container kết nối thẳng sang Singapore và các thị trường khác. Đây sẽ là giải pháp căn cốt trong việc phát triển logistics trong khu vực.

Thứ ba, làm sao để có thể thu hút hàng hóa về khu vực ĐBSCL và XNK được phát triển? Hiện khu vực chưa có demo những trung tâm XNK đúng nghĩa. Chính vì vậy, một trong những giải pháp mà chúng tôi đề xuất và phát triển, đó là phát triển hệ thống chiếu xạ tại Cần Thơ. Dự án này do Tổng công ty Hàng hải kết hợp với Viện năng lượng nguyên tử Việt Nam thực hiện. Đây sẽ là nền tảng để hàng hóa XNK nông lâm thủy sản được xử lý ngay tại khu vực cảng, kết nối với Hải quan và các phương thức khác để tạo nên một điểm nhấn thu hút hàng hóa XNK trong khu vực

Các diễn giả tham gia thảo luận tại Diễn đàn “Hoàn thiện chuỗi logistics cho nông sản Đồng bằng sông Cửu Long”

Các diễn giả tham gia thảo luận tại Diễn đàn “Hoàn thiện chuỗi logistics cho nông sản Đồng bằng sông Cửu Long”

Về trung tâm chiếu xạ, ông Trung cho biết dự án này Tổng công ty Hàng hải kết hợp với Viện Năng lượng nguyên tử miền Nam chuẩn bị trong năm nay, khoảng tháng 10 sẽ khởi công trung tâm này. “Đó là cơ sở để hàng hóa xuất nhập khẩu nông sản được xử lý tại cảng, kết nối với hải quan và các phương thức khác để tạo ra điểm nhấn thu hút toàn bộ hàng hóa xuất nhập khẩu, thay vì trước đây phải vận chuyển đường bộ từng xe lên TP.HCM hoặc ra Vũng Tàu thì chúng ta có thể làm ngay tại Cần Thơ” – ông Trung cho hay.

Báo Pháp luật Tp.HCM