Khởi động sáng kiến tàu vận tải biển không phát thải

8/06/21 7:33 AM

Sorry, this entry is only available in Vietnamese.

Theo Cục Đăng kiểm Việt Nam, một sáng kiến toàn cầu có tên gọi Mission for Shipping (tạm dịch là “Sứ mệnh đối với vận tải biển”) vừa được khởi động, nhằm chứng minh những con tàu vận tải biển không phát thải các-bon hoàn toàn có thể hoạt động thương mại vào năm 2030. Các loại nhiên liệu thay thế tiềm năng là hydro xanh, amoniac xanh, metanol xanh và nhiên liệu sinh học tiên tiến.

Phát thải khí CO2 từ hoạt động tàu viễn dương chiếm khoảng 3% tổng lượng phát thải toàn cầu

Sáng kiến do Hiệp hội Mission Innovation (tạm dịch là “Đổi mới sứ mệnh”, viết tắt là MI) đưa ra, sẽ tập trung vào toàn bộ chuỗi giá trị từ sản xuất nhiên liệu, cơ sở hạ tầng nhiên liệu trong hoạt động của tàu biển.

Mặc dù, tàu viễn dương là phương tiện giao thông thân thiện với môi trường nhất, nhưng vẫn chiếm khoảng 3% lượng phát thải CO2 toàn cầu. Để giải quyết vấn đề này, Tổ chức Hàng hải quốc tế (IMO) đã đặt ra mục tiêu ban đầu là giảm 50% lượng phát thải khí nhà kính trên toàn cầu từ vận tải biển vào năm 2050 so với mức của năm 2008.

Mission for Shipping xác định mục tiêu: 5% đội tàu viễn dương toàn cầu, tương đương khoảng 200 tàu đang hoạt động ở các tuyến viễn dương chủ chốt trên thế giới – sẽ hoạt động bằng nhiên liệu không phát thải vào năm 2030. Để làm được điều này, Chính phủ các quốc gia là thành viên của MI sẽ thúc đẩy hợp tác công – tư và tăng cường nghiên cứu, phát triển để chuyển đổi sang nhiên liệu hàng hải không các-bon và hệ thống đẩy tàu tiên tiến.

Mission for Shipping là một trong 3 sứ mệnh toàn cầu của MI, hướng tới “Một thập kỷ đổi mới” nhằm thúc đẩy đầu tư toàn cầu vào nghiên cứu, phát triển và triển khai năng lượng sạch. Mục tiêu là làm cho năng lượng sạch có giá cả phải chăng, hấp dẫn và dễ tiếp cận đối với tất cả mọi người trong thập kỷ này, nhằm đạt được các mục tiêu về khí hậu của Thỏa thuận Paris về hạn chế sự nóng lên toàn cầu xuống dưới 2 độ C so với mức tiền công nghiệp.

MI được công bố tại Hội nghị Liên Hợp Quốc về Biến đổi Khí hậu (COP21) năm 2015, khi các nhà lãnh đạo thế giới cùng nhau đến Paris để cam kết những nỗ lực đầy tham vọng nhằm chống lại biến đổi khí hậu. 25 thành viên của MI bao gồm các quốc gia: Úc, Áo, Brazil, Canada, Chile, Trung Quốc, Đan Mạch, Ủy ban Châu Âu (thay mặt cho Liên minh Châu Âu), Phần Lan, Pháp, Đức, Ấn Độ, Indonesia, Ý, Nhật Bản, Mexico, Maroc, Hà Lan, Na Uy, Hàn Quốc, Ả Rập Xê Út, Thụy Điển, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, Vương quốc Anh và Hoa Kỳ.

Báo Tài nguyên môi trường