Lễ khởi công dự án đầu tư xây dựng, nâng cấp bến số 1 cảng Quy Nhơn

28/11/21 11:07 AM

Sorry, this entry is only available in Tiếng Việt.

Ngày 28/11, Công ty cổ phần Cảng Quy Nhơn tổ chức Lễ khởi công dự án đầu tư xây dựng, nâng cấp bến số 1 cảng Quy Nhơn và ra mắt cổng thông tin điện tử e-Port Cảng Quy Nhơn. Đây là sự kiện quan trọng, thể hiện quyết tâm không ngừng nâng cao năng lực kinh doanh, khẳng định vai trò quan trọng của Cảng Quy Nhơn trên lĩnh vực cảng biển khu vực miền Trung.

Các địa biểu nhấn nút khởi công dự án xây dựng nâng cấp bến số 1 cảng Quy Nhơn

Phát biểu tại buổi lễ, Ông Phạm Anh Tuấn, Phó Tổng giám đốc VIMC, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Cảng Quy Nhơn cho biết việc mở rộng quy mô thông qua đầu tư phát triển cũng là chiến lược phát triển của VIMC và các doanh nghiệp. Trong đó dự án đầu tư xây dựng bến số 1 – Cảng Quy Nhơn là rất cần thiết, đây là dự án trọng điểm, ưu tiên của VIMC và cảng Quy Nhơn.

Ông Phạm Anh Tuấn, Chủ tịch HĐQT Cảng Quy Nhơn phát biểu tại lễ khởi công

“Triển khai dự án đầu tư xây dựng nâng cấp bến số 1 thể hiện quyết tâm của VIMC nói chung và cảng Quy Nhơn nói riêng trong việc cam kết với Chính phủ và UBND tỉnh Bình Định trong việc đầu tư mở rộng để đáp ứng lượng hàng thông qua cảng đến 2025 đạt 15 triệu tấn; góp phần đáp ứng kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội trên địa bàn tỉnh Bình Định, miền Trung và Tây Nguyên”, ông Tuấn khẳng định.

Dự án đầu tư xây dựng nâng cấp bến số 1 Cảng Quy Nhơn được thực hiện theo hướng mở rộng bến số 1 thêm 35 m ra phía mặt nước trước bến hiện tại, tổng chiều dài bến sau khi nâng cấp là 480 m, đảm bảo tiếp nhận đồng thời 2 tàu hàng tổng hợp, tàu container 30.000 tấn (DWT) đầy tải. Kết cấu bến cũng được tính toán thiết kế đảm bảo neo đậu cho tàu hàng tổng hợp, tàu container 50.000 tấn (DWT) đầy tải trong giai đoạn sau, phù hợp với tiến trình nâng cấp, mở rộng tuyến luồng Quy Nhơn đã được Bộ Giao thông Vận tải phê duyệt.

Dự án có tổng mức đầu tư hơn 546 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành trong năm 2023.

Ông Nguyễn Tự Công Hoàng-Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cho biết: Cảng Quy Nhơn có vai trò quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh Bình Định. Ngoài vị trí địa chính trị, Cảng Quy Nhơn còn là một trong những thành tố quan trọng phát triển 5 trụ cột tăng trưởng chính của tỉnh. Cụ thể gồm công nghiệp; du lịch; dịch vụ cảng và logistics bao gồm cảng biển và cảng hàng không; phát triển nông, lâm nghiệp, thủy sản dựa trên công nghệ cao, chuyển từ số lượng sang chất lượng; phát triển kinh tế đô thị gắn với quá trình đô thị hóa.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Nguyễn Tự Công Hoàng phát biểu tại lễ khởi công

Theo ông Nguyễn Tự Công Hoàng, thời gian tới tỉnh Bình Định sẽ tập trung vào 3 khâu đột phá nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh nhằm hấp dẫn các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Tỉnh Bình Định đặt mục tiêu đến năm 2025 sẽ trở thành trung tâm trung chuyển và dịch vụ cảng biển, logistics, vận tải, dịch vụ xuất – nhập khẩu, công nghiệp chế tạo, chế biến khu vực miền Trung – Tây Nguyên.

Ngoài ra, Bình Định đang phấn đấu trở thành trung tâm lớn của cả nước về phát triển kinh tế biển; đầu mối giao thương kinh tế, đối ngoại quan trọng giữa Việt Nam với các nước vùng sông Mekong; trọng điểm du lịch miền Trung với hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội đồng bộ, hiện đại. Do đó, việc nâng cấp cầu cảng bến số 1 Cảng Quy Nhơn sẽ góp phần thúc đẩy quá trình chuyển đổi, phát triển kinh tế của địa phương.

Trong dịp này, Cảng Quy Nhơn ra mắt cổng thông tin điện tử cung cấp dịch vụ cảng điện tử (Eport, EDO) và Hệ thống quản lý khai thác cảng biển (TOS) được nâng cấp mới cho khách hàng trên tiêu chí: Phù hợp với sản xuất kinh doanh, vừa đảm bảo phòng chống dịch bệnh Covid-19. Trong đầu năm 2022, Cảng Quy Nhơn sẽ đưa vào sử dụng, vận hành chức năng EDI tự động và thanh toán trực tuyến qua các hình thức thanh toán điện tử hiện nay.

Giới thiệu hệ thống cảng điện tử ePort của Cảng Quy Nhơn

Ứng dụng công nghệ này giúp khách hàng cập nhật tình trạng dữ liệu hàng hóa thực tế 24/7, đảm bảo tính trung thực và tiết kiệm chi phí quản lý hàng hóa trong suốt quá trình sử dụng dịch vụ cảng biển; nâng cao chất lượng dịch vụ, trải nghiệm của khách hàng, cải tiến thủ tục quy trình giao nhận hàng hóa thuận tiện theo hướng đơn giản, nhanh chóng, thuận lợi, tiến tới thanh toán điện tử hoàn toàn. Việc đưa vào sử dụng cổng thông tin điện tử cung cấp dịch vụ cảng điện tử -Eport đã đáp ứng được xu hướng chuyển đổi số của VIMC, đồng thời góp phần thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid-19.

Năm 2021, dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp trên phạm vi cả nước, Cảng Quy Nhơn phải áp dụng phương án sản xuất “3 tại chỗ”, không thực hiện tăng ca, không tiếp xúc giữa các lực lượng sản xuất với nhau, đã ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên được sự quan tâm, chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh Bình Định và Tổng công ty Hàng hải Việt Nam, chỉ đạo quyết liệt của Ban lãnh đạo và sự cố gắng, nỗ lực của hơn 800 người lao động, Cảng Quy Nhơn vẫn duy trì ổn định, phát triển, tăng trưởng hầu hết các chỉ tiêu chính. Đến thời điểm ngày 28/11/2021, sản lượng đạt 10,7 triệu tấn (đạt 105% kế hoạch 2021), doanh thu đạt 1.200 tỷ đồng (đạt 135% kế hoạch 2021).

Như vậy, Cảng Quy Nhơn đã hoàn thành sớm kế hoạch năm 2021 trước 01 tháng. Dự kiến hết năm 2021, sản lượng hàng hóa thông qua Cảng Quy Nhơn ước đạt 11,5 triệu tấn, doanh thu ước đạt 1.300 tỷ đồng, lợi nhuận ước đạt 355 tỷ đồng cao nhất trong lịch sử 45 năm hình thành và phát triển của Cảng Quy Nhơn. Nhịp tăng trưởng tốt giúp cải thiện đời sống người lao động, thu nhập bình quân của người lao động năm 2021 đạt 18,5 triệu đồng (tăng trưởng hơn 40% so với năm 2018).

Sự tăng trưởng ấn tượng về doanh thu, lợi nhuận, việc triển khai dự án đầu tư xây dựng nâng cấp bến số 1, đưa vào khai thác hệ thống Eport đã khẳng định sự phát triển vượt bậc của Cảng Quy Nhơn trong giai đoạn vừa qua, xứng đáng với vai trò là một doanh nghiệp cảng biển quan trọng của VIMC tại khu vực miền Trung, giữ vị trí đầu mối giao thông quan trọng, cửa ngõ ra biển Đông của khu vực Nam Trung bộ, Tây Nguyên và các nước trong Tiểu vùng sông Mê Kông.