Công ty Cổ phần Vận tải biển Việt Nam đã tăng cường công tác an toàn vệ sinh lao động cho cán bộ quản lý, sỹ quan, thuyền viên, người lao động bằng nhiều hình thức.
Các sỹ quan, thuyền viên tham gia tập huấn về an toàn vệ sinh lao động
Công ty Cổ phần Vận tải biển Việt Nam vừa tổ chức lớp tập huấn lần thứ hai trong năm 2020 nhằm nâng cao trách nhiệm của cán bộ, người lao động, sỹ quan, thuyền viên về đảm bảo an toàn vệ sinh lao động.
Chương trình huấn luyện tập trung vào các quy định của pháp luật về công tác an toàn, vệ sinh lao động; tổ chức thực hiện các quy định của pháp luật tại cơ sở. Học viên nhận diện được các yếu tố nguy hiểm, có hại gây mất an toàn lao động, bệnh nghề nghiệp. Từ đó có biện pháp phòng ngừa, sơ cứu khi tai nạn lao động xảy ra trong quá trình làm việc. Đặc biệt các sỹ quan, thuyền viên được cập nhật kiến thức về an toàn vệ sinh lao động khi làm việc trên tàu.
Thuyền viên của Công ty Cổ phần Vận tải biển Việt Nam trong thời Covid-19
Hiện nay, đội tàu của công ty gồm tàu chở hàng rời, tàu dầu sản phẩm và tàu container hoạt động không hạn chế trên các tuyến trong nước và quốc tế với gần 1.000 lao động. Vosco không chỉ là chủ tàu, quản lý và khai thác tàu mà còn tham gia các hoạt động thuê tàu, mua bán tàu, các dịch vụ liên quan thông qua các công ty con và chi nhánh như dịch vụ đại lý, giao nhận và logistics, sửa chữa tàu, cung ứng dầu nhờn, vật tư, cung cấp thuyền viên… và hoạt động liên doanh liên kết. Mỗi công đoạn sản xuất kinh doanh đều cần kiểm soát, phòng ngừa mất an toàn vệ sinh lao động.
Nhằm đảm bảo quyền lợi cho người lao động, nhất là sỹ quan, thuyền viên trong công tác an toàn vệ sinh lao động, Công đoàn Công ty đã nghiên cứu các văn bản pháp luật có liên quan và cách làm của các doanh nghiệp cùng ngành nghề, cùng lĩnh vực để làm tài liệu đưa vào thỏa ước lao động tập thể. Công đoàn đề xuất với Tổng Giám đốc duy trì những nội dung có lợi cho người lao động trong đó có những điều khoản về an toàn vệ sinh lao động.
Tàu dầu của Công ty Cổ phần Vận tải biển Việt Nam
Trong thỏa ước quy định, công ty có trách nhiệm hằng năm tổ chức huấn luyện an toàn vệ sinh lao động, phóng chống cháy nổ cho cán bộ, công nhân viên và sỹ quan, thuyền viên. Người lao động bị tai nạn lao động, suy giảm chưa tới 81% sức lao động, có nguyện vọng tiếp tục làm việc, công ty sẽ căn cứ vào nhu cầu thực tế và khả năng của người lao động để bố trí việc làm.
Trong trường hợp thuyền viên bị ốm, bị tai nạn không thể tiếp tục công tác trên tàu, công ty chi trả mọi chi phí hợp lý liên quan đến việc sơ cấp cứu, khám chữa bệnh, điều trị, phẫu thuật, thuốc men và các chi phí khác liên quan đến thuê phương tiện đưa thuyền viên đi cấp cứu/khám bệnh, đưa trở lại tàu, lưu trú và trong trường hợp phải nằm viện điều trị và chi phí hồi hương về quê nhà… Thuyền viên khi làm việc trên tàu được công ty mua bảo hiểm tai nạn con người mức trách nhiệm cao và mức bồi thường cao nhất lên đến 25.000 USD/người/vụ.
Công đoàn nắm bắt tâm tư nguyện vọng của sỹ quan, thuyền viên
Theo đồng chí Phạm Gia Hiến, Chủ tịch Công đoàn Công ty, trong quá trình thương thảo, các phòng, ban chuyên môn đều muốn đưa vào dự thảo những nội dung rộng của công ước quốc tế, của bảo hiểm để thuận tiện cho công tác chuyên môn. Do đó, khi thương thảo, công đoàn đã gặp gỡ, thảo luận với lãnh đạo công ty để bảo vệ quan điểm của người lao động. Sau khi tìm hiểu kỹ các công ước quốc tế, công đoàn kiên trì đưa vào dự thảo những điều chung, chủ yếu nhất, nhưng vẫn đầy đủ.
Dịch bệnh Covid-19 đã tác động đến tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và an toàn của người lao động. Công ty và công đoàn đã tăng cường trang bị khẩu trang, nước rửa tay, thực hiện tiêu độc, khử trùng, vệ sinh nhà xưởng, văn phòng, nơi làm việc. Cung cấp đủ nước uống; nâng cao chất lượng bữa ăn ca; bố trí ca làm việc hợp lý. Các sỹ quan, thuyền viên trên tàu bám sát hành trình, cảnh giác và xây dựng các phương án ứng phó khi tàu đi qua vùng có dịch để không thuyền viên nào trên tàu bị lây nhiễm dịch bệnh.
Lãnh đạo Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam và Công đoàn Tổng Công ty đi thăm gia đình thuyền viên.
Đối với các thuyền viên khi cập cảng quốc tế đều hạn chế việc giao tiếp, có mặt tại những khu vực công cộng, địa điểm đông người như nhà ga, bến tàu, cảng hàng không, phương tiện giao thông công cộng… nếu không có việc cần thiết. Đồng thời chấp hành nghiêm việc thực hiện quy định kiểm tra thân nhiệt tại các khu vực theo quy định của cơ quan y tế. Khi cơ thể có dấu hiệu bị sốt, ho, khó thở cần tới các cơ sở y tế để kiểm tra, nếu cần thiết có thể nghỉ làm việc để chăm sóc sức khỏe.