Tàu “khủng” liên tiếp cập cảng biển Việt Nam, doanh nghiệp hưởng lợi gì?

26/04/19 3:26 PM

Những con tàu mẹ trọng tải hàng trăm ngàn tấn liên tiếp cập cảng Việt Nam giúp các doanh nghiệp XNK có lợi thế lớn về chi phí logistics…

Keyword đầu tiên có dấu
Tàu mẹ Northern Jaguar cập cảng container quốc tế Hải Phòng ngày 11/4 vừa qua

Giữa tháng 4/2019, cảng container quốc tế Hải Phòng (HITC) sau 1 năm đi vào hoạt động tiếp nhận thử nghiệm thành công tàu mẹ Northern Jaguar có trọng tải lên tới gần 108.700 DWT, sức chở hơn 8.800 Teus.

Đại diện cảng vụ hàng hải Hải Phòng cho biết, đây là tàu có trọng tải lớn nhất từ trước đến nay vào khu vực cảng biển Hải Phòng. “Tàu được khai thác trên hải trình xuyên Thái Bình Dương, qua các cảng: HICT – Yantian – Tacoma – Vancouver – Kaohsiung – Singapore – Laem Chabang – Cái Mép (TCIT), giúp rút ngắn thời gian vận chuyển từ Hải Phòng đi bờ Tây Hoa Kỳ và Canada từ 25 ngày xuống 17 ngày so với phương án trung chuyển tại cảng nước ngoài như trước đây”, đại diện này thông tin.

Tại khu vực miền Nam, tháng 1/2019, cảng quốc tế Cái Mép (CMIT) cũng tổ chức đón thành công tàu CMA CGM Marco PoLo có trọng tải 187.000 tấn (gần 17,000 TEU) kết nối trực tiếp hàng hoá XNK của Việt Nam với thị trường Bắc Âu. Đây là tàu container lớn nhất chính thức được đưa vào Việt Nam khai thác hàng tuần.

Trước đó, năm 2017, bến cảng CMIT đã tiếp nhận thử nghiệm thành công tàu container lớn nhất thế giới hiện nay là siêu tàu Margrethe Maersk với sức chở 18.300TEU (194.000 DWT). CMIT thành cảng thứ 19 trên thế giới đủ khả năng tiếp nhận thế hệ tàu Triple-E (thế hệ tàu khổng lồ) 18.000 TEU.

Ông Nguyễn Xuân Kỳ, Phó Tổng giám đốc CMIT cho biết, việc đón thành công các tàu mẹ đến khai thác tại các cảng nước sâu Việt Nam giúp hàng hoá XNK của nước ta được kết nối với các thị trường lớn trên thế giới một cách tốt nhất so với hàng hoá các nước khác trong khu vực.

“Trước đây, hàng hoá XNK của Việt Nam đi Mỹ, châu Âu đều phải trung chuyển bằng tàu gom hàng nhỏ feeder tại các nước như: Singapore, Malaysia,…để kết nối với tàu mẹ. Tuy nhiên, khi tàu mẹ cập cảng Cái Mép, hàng hoá được xếp dỡ lên/xuống trực tiếp từ tàu mẹ cập những cảng chính trên các tuyến hàng hải Đông – Tây mang đến cho DN nhiều lợi ích lớn như: giảm chi phí vận chuyển, chi phí xếp dỡ hai lần tại trung tâm trung chuyển do không sử dụng tàu gom hàng feeder; Giảm thiểu rủi ro trễ tàu, chờ tàu tại các trung tâm trung chuyển. Từ đó bảo quản hàng hóa tốt hơn, tránh được nguy cơ hư hỏng khi thời gian vận chuyển lâu và xếp dỡ nhiều lần”, ông Kỳ nói.

Keyword đầu tiên có dấu
Cảng quốc tế Cái Mép liên tục đón thành công nhiều tàu lớn vào khai thác hàng tuần, giúp việc thông thương hàng hóa XNK sang thị trường lớn trở nên dễ dàng, tiết kiệm chi phí

Cũng theo ông Kỳ, việc chuyên chở hàng hóa trực tiếp bằng tàu mẹ giúp giảm thời gian vận chuyển, tăng tốc độ hàng hoá thâm nhập vào thị trường. Đơn cử, tại Cái Mép, hàng xuất khẩu đi Mỹ hiện chỉ mất 16 ngày khi xếp lên tàu mẹ ,thay vì 24 ngày như trước.

“Ngoài ra, việc vận chuyển bằng tàu mẹ có thể tận dụng thời gian để tăng lượng hàng xuất đi trên cùng một chuyến cập trực tiếp khi không còn phải trừ thời gian tàu feeder vận chuyển đến trung tâm để kết nối tàu mẹ như trước đây”, ông Kỳ chia sẻ.

Ông Trịnh Thế Cường, Trưởng phòng Vận tải và Dịch vụ hàng hải (Cục Hàng hải VN) cho rằng, các cảng biển, cảng nước sâu ở Việt Nam khi có đủ năng lực tiếp nhận các tàu mẹ trọng tải lớn, ngoài mục tiêu phục vụ cho nền ngoại thương Việt Nam, cơ hội trở thành trung tâm trung chuyển của khu vực là rất lớn, tạo tiền đề để các hãng tàu sử dụng cảng biển Việt Nam làm mắt xích trong chuỗi hải trình toàn cầu.

“Hàng hoá từ các nước trong khu vực như: Philippines, Campuchia, Thái Lan,…sẽ được trung chuyển bằng các tàu gom hàng feeder về Cái Mép, Lạch Huyện để xếp lên tàu mẹ. Khi đó, các cảng nước sâu ở Việt Nam sẽ trở thành những trung tâm giao thương hàng hóa sôi động, phát huy đúng tiềm năng, năng lực thiết kế”, ông Cường nói.

Báo Giao thông