Các đại biểu tham dự Hội nghị thuyền viên châu Á (ASSM) lần thứ 37 và Hội nghị thuyền viên châu Á/Nauy (NASCO) lần thứ 29 vừa được tổ chức trong 2 ngày 12 và 13 tháng 4 năm 2023 tại Tokyo, Nhật Bản đã thống nhất nhiệm vụ cốt lõi này của tổ chức Công đoàn thuyền viên các nước trong giai đoạn sắp tới.
Tham dự Hội nghị ASSM 37 có 68 đại biểu đại diện cho 18 tổ chức Công đoàn thuyền viên châu Á đã cùng nhau chia sẻ thông tin, thảo luận nhiều nội dung liên quan trực tiếp đến thuyền viên như: bài học kinh nghiệm từ đại dịch Covid-19, tàu tự động, thuyền viên nữ, hành động bảo vệ môi trường trong ngành Hàng hải nhằm thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) của Liên hợp quốc…
Đối với Hội nghị NASCO 29, ngoài sự có mặt của các đoàn đại biểu Công đoàn thuyền viên châu Á còn có sự tham dự của 03 Công đoàn ngành Hàng hải đến từ Nauy gồm: Công đoàn Thủy thủ, Công đoàn Sỹ quan hàng hải và Công đoàn Kỹ sư hàng hải với tổng số 75 đại biểu đến từ 21 tổ chức Công đoàn cùng với 1 đại biểu đại diện cho Hiệp hội chủ tàu Nauy. Các nội dung được đưa vào chương trình nghị sự của Hội nghị gồm: báo cáo, chia sẻ tình hình về ngành Hàng hải các quốc gia thành viên, thông tin về nguồn nhân lực thuyền viên, trong đó có thuyền viên nữ, tình hình thương lượng, ký kết thỏa ước lao động tập thể giữa các quốc gia chủ tàu, công đoàn các quốc gia chủ tàu và công đoàn quốc gia cung ứng thuyền viên.
Chia sẻ tại Hội nghị ASSM về những việc làm của tổ chức Công đoàn dành cho thuyền viên trong mùa dịch Covid-19, Chủ tịch Công đoàn Hàng hải Việt Nam Lê Phan Linh cho biết: Với nhận thức thuyền viên là một trong những lao động chủ chốt trong mùa dịch, cần được dành sự quan tâm chăm lo đặc biệt từ xã hội và tổ chức Công đoàn, Công đoàn Hàng hải Việt Nam đã chủ động làm việc với lãnh đạo doanh nghiệp vận tải biển dành ưu tiên hàng đầu cho việc: thu xếp kinh phí tiêm vắc-xin cho thuyền viên; tổ chức tiêm tại một số quốc gia có cơ chế dành cho thuyền viên (dù với chi phí rất cao); Thu xếp thay thế thuyền viên ngay khi có thể nhằm hạn chế tối đa việc thuyền viên phải làm việc quá date quá lâu; trường hợp chưa thay thế được, Công ty phải có cơ chế trả lương đặc biệt dành cho khoảng thời gian quá date của thuyền viên; Tăng tiền ăn định lượng, thu xếp cung cấp thực phẩm, thay thế vật tư, sửa chữa tại những cảng thuận tiện. Về phía trách nhiệm của tổ chức Công đoàn, Công đoàn Hàng hải Việt Nam đã cùng với lãnh đạo doanh nghiệp đề xuất với các cơ quan chức năng dành nguồn vắc – xin ưu tiên tiêm cho thuyền viên; trực tiếp thực hiện hỗ trợ cho những thuyền viên làm việc trên 12 tháng với các mức hỗ trợ khác nhau phụ thuộc vào thời gian quá date; chăm lo gia đình thuyền viên để họ yên tâm công tác.
Tại Hội nghị NASCO, Trưởng Ban Nghiệp vụ Công đoàn Hàng hải Việt Nam Chu Diệu Linh đã thông tin về tình hình thuyền viên nữ Việt Nam. Theo đó, trước đây lao động thuyền viên được xếp trong danh mục lao động nặng nhọc, nguy hiểm, không được sử dụng lao động nữ. Tuy nhiên, đến năm 2020, pháp luật Việt Nam không còn hạn chế quyền làm việc của phụ nữ trong nhiều ngành nghề, trong đó có nghề thuyền viên. Đây là bước đột phá để lao động nữ có cơ hội thử thách với nghề đi biển – một nghề vất vả, gian truân nhưng cũng có nhiều niềm vui, thử thách và quan trọng hơn là cùng với lực lượng thuyền viên nam sẽ tạo thành nguồn nhân lực sỹ quan, thuyền viên có chất lượng, có đủ năng lực đáp ứng nhu cầu đang phát triển của đội tàu Việt Nam và cung cấp cho đội tàu thế giới. Điều này cũng cho thấy Việt Nam đã thực hiện cam kết “Trao quyền cho phụ nữ trong cộng đồng hàng hải” của IMO./.