Cuối năm 1927, Chi hội Thanh niên và Chi hội Công hội đỏ Cảng được thành lập, cùng công nhân lao động Cảng tham gia vào các cuộc đấu tranh đòi chủ cảng tăng lương, có nước uống trong giờ làm việc, chống đánh đập, cúp phạt. Ngày 24/11/1929, cuộc đấu tranh giữa 500 công nhân với giới chủ cảng thắng lợi hoàn toàn, khẳng định bản lĩnh giai cấp cách mạng của công nhân Cảng Hải Phòng. Đó là khởi nguồn ngày truyền thống “Đoàn kết – Kiên cường – Sáng tạo” của Đảng bộ và đội ngũ công nhân Cảng Hải Phòng.
Kiên cường trong đấu tranh, sáng tạo trong lao động
Thế hệ đầu công nhân Cảng Hải Phòng hình thành từ năm 1874 khi thực dân Pháp bắt đầu xây dựng những bến cảng đầu tiên ở Hải Phòng. Ngày ấy, đời sống của công nhân cảng là minh chứng rõ nét về sự khổ nhục của giai cấp công nhân Việt Nam dưới thời Pháp thuộc. Với tinh thần bất khuất trong đấu tranh, nhất là khi có Đảng soi đường chỉ lối, các thế hệ công nhân Cảng Hải Phòng đứng lên đấu tranh giành nhiều thắng lợi, góp phần tích cực vào công cuộc đấu tranh giành độc lập và kháng chiến chống thực dân, đế quốc của Hải Phòng và cả nước. Bản lĩnh được hun đúc đã hình thành nên bản chất công nhân Cảng “kiên cường trong đấu tranh, sáng tạo trong lao động sản xuất”.
Những năm đầu hòa bình, điều kiện còn nhiều khó khăn, nhưng các thế hệ công nhân Cảng quyết tâm vượt qua khó khăn, tích cực bốc xếp hàng hóa giải phóng nhanh tàu hàng. Trong thời kỳ xây dựng chủ nghĩa xã hội và kháng chiến chống Mỹ, Cảng phát động nhiều phong trào, như: “Khắc phục khó khăn chống làm bừa, làm ẩu”, “Tiết kiệm nguyên vật liệu, thực hiện kế hoạch hóa phục hồi kinh tế”; phong trào thi đua “Sóng Duyên Hải”, “Giỏi một nghề thạo nhiều nghề”… nhận được sự hưởng ứng của công nhân Cảng. Trong lao động sản xuất thời kỳ đó, xuất hiện tấm gương điển hình tiêu biểu Anh hùng Lao động Nguyễn Khả Kính cùng với tổ bốc xếp 30 luôn dẫn đầu về năng suất trong toàn Cảng…Những ngày cùng cả miền Bắc dồn sức chống lại cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc của không quân Mỹ, công nhân Cảng vững vàng, kiên cường bám máy, bám tàu, bám biển, vừa đẩy mạnh sản xuất vừa sẵn sàng chiến đấu. Các phong trào thi đua vẫn được phát động liên tục, lôi cuốn, động viên tinh thần thi đua làm việc quên mình của đội ngũ công nhân Cảng. Từ đó hình thành nên những tập thể xuất sắc như: khu bốc xếp 1, đại đội bốc xếp C3, tàu HC13, tổ cơ giới xưởng trung đại tu, tổ lái xe Út Tịch, tổ Lê Thị Hồng Gấm…
Bước vào thời kỳ đổi mới, Cảng Hải Phòng ngày càng được mở rộng và từng bước tiến lên chính quy, hiện đại. Với khẩu hiệu “Phát huy truyền thống Đoàn kết – Kiên cường – Sáng tạo, phát triển Cảng Hải Phòng văn minh, hiện đại”, công nhân Cảng Hải Phòng tích cực hưởng ứng các phong trào thi đua, hội thao nâng cao năng suất, chất lượng xếp dỡ hàng hóa, phát huy sáng kiến đến cải tiến kỹ thuật, hợp lý hóa sản xuất… Chỉ tính trong 10 năm (từ 2009 đến 2018), có 1.321 đề tài, sáng kiến chủ yếu của công nhân lao động trực tiếp sản xuất, làm lợi cho đơn vị 16,2 tỷ đồng. Các hội thao góp phần nâng cao năng lực điều khiển phương tiện thiết bị, kỹ năng phòng cháy chữa cháy, bảo đảm an ninh – an toàn cảng biển… của người lao động, tăng hiệu quả sản xuất, kinh doanh.
Vững bước tiến vào kỷ nguyên công nghệ 4.0
Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đã và đang tác động rất lớn đến các dịch vụ cảng biển. Máy móc, phương tiện thay sức người; điều khiển, quản lý giám sát từ xa không còn là điều mới…Công nhân Cảng Hải Phòng nhanh chóng được tiếp cận, tập huấn và đào tạo sử dụng các thiết bị công nghệ mới.
Trên các bến cảng mới trải dài từ Chùa Vẽ đến Đình Vũ, những chiếc cần trục dàn QC ngày đêm được công nhân Cảng Hải Phòng điều khiển thuần thục, xếp dỡ hàng hóa lên xe đưa vào bãi kèm theo hệ thống định vị công-ten-nơ hàng. Thay vì phải tìm kiếm thủ công, giờ đây chỉ cần đọc số, hệ thống tra cứu công-ten-nơ sẽ giúp chủ hàng dễ dàng tiếp nhận. Các cảng đều được giám sát từ xa thông qua hệ thông ca-mê-ra IP, lệnh giao hàng triển khai qua thủ tục điện tử. Mới đây, Cảng phát hành hóa đơn điện tử, tạo thuận lợi tối đa cho khách hàng.
Công nhân Cảng Hải Phòng ngày nay là thế hệ công nhân sử dụng tri thức là chính trong lao động. Đến Cảng Chùa Vẽ, Đình Vũ, không có nhiều bóng áo vàng quen thuộc trên cầu cảng, bởi tự động hóa, điện khí hóa đã giúp người công nhân không phải bốc xếp trực tiếp hàng hóa, mà chủ yếu ra lệnh điều khiển phương tiện trên màn hình máy tính. Hàng hóa được đưa từ tàu lên bờ và ngược lại trơn tru theo những quy trình định sẵn, vừa an toàn, vừa giải phóng tàu nhanh. Tới đây, bến cảng Hoàng Diệu, một trong những bến cảng đầu tiên ở Hải Phòng sẽ di dời, nhưng Cảng Hải Phòng không dừng lại ở đây khi ước mơ vươn ra biển đã trở thành hiện thực. Không còn “Bến Sáu Kho” như ngày nào, nhưng thay vào đó sẽ là những bến “trăm kho”, thậm chí là bến “nghìn kho” trong tương lai với các trang thiết bị hiện đại của thế giới.
90 năm qua, các thế hệ công nhân Cảng Hải Phòng tự hào khi đóng góp của họ trong hành trình vinh quang ấy luôn được Đảng và Nhà nước ghi nhận bằng nhiều phần thưởng. Trong 10 năm (từ năm 2008 đến năm 2018), có 217 lượt cá nhân được tôn vinh là công nhân lao động tiêu biểu, 222 lượt công nhân lao động xuất sắc, 122 công nhân được tặng Bằng Lao động sáng tạo, 172 cá nhân được nhận danh hiệu Lao động sáng tạo, 5 công nhân được tặng thưởng Huân chương Lao động… Truyền thống “Đoàn kết – Kiên cường – Sáng tạo” không ngừng được phát huy là điểm tựa quan trọng trong hành trình xây dựng thế hệ công nhân cảng có tri thức, trình độ cao, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ ngày càng lớn trong việc góp phần đưa đất nước và thành phố phát triển đột phá trên con đường công nghiệp hóa – hiện đại hóa.
Báo Hải Phòng