19 tập đoàn, Tổng công ty tại siêu Ủy ban thiệt hại bao nhiêu vì Covid-19?

5/03/20 9:13 AM

Siêu Ủy ban vừa báo cáo đánh giá sơ bộ về thiệt hại tại 19 tập đoàn, tổng công ty do dịch bệnh Covid-19 gây ra.

Trên cơ sở tổng hợp báo cáo của các tập đoàn, tổng công ty, Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đã có báo cáo nhanh về ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 tới hoạt động sản xuất, kinh doanh của 19 đơn vị này, trong đó các đơn vị trong lĩnh vực GTVT chịu ảnh hưởng rất nặng nề:

Tổng công ty Hàng không Việt Nam: Do số lượng hành khách đi lại bằng đường hàng không giảm mạnh, dự kiến Công ty mẹ – Tổng công ty có thể giảm doanh thu đến 12.500 nghìn tỷ đồng (tương đương 16% kế hoạch năm 2020) và giảm lợi nhuận đến 5.880 tỷ đồng, lỗ 4.300 tỷ đồng (trong khi kế hoạch lãi gần 1.600 tỷ đồng). Do đó, khó có thể hoàn thành được kế hoạch sản xuất, kinh doanh đã được Ủy ban thông qua và HĐTV phê duyệt.

Các công ty có vốn góp của tổng công ty cũng bị giảm mạnh doanh thu và lợi nhuận tương ứng, dự kiến lợi nhuận trước thuế của 17 tổng công ty (không bao gồm JPA-K6) giảm ít nhất 320 tỷ đồng, cổ tức lợi nhuận chia về cho Tổng công ty cũng giảm ít nhất 250 tỷ đồng.

Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam: Lượng khách dự báo giảm hơn 12 triệu lượt, sản lượng thực hiện ước chỉ đạt 90% kế hoạch đề ra cho năm 2020. Doanh thu của tổng công ty giảm gần 2.800 tỷ đồng và chỉ đạt khoảng 87% kế hoạch, lợi nhuận trước thuế cũng giảm hơn 2.600 tỷ đồng, tương đương 76% kế hoạch năm.

Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam: Tổng sản lượng xuất bán xăng dầu nội địa tháng 1 giảm 4% so với tháng trước, bán lẻ cũng giảm 1%. Kể từ khi công bố dịch, sản lượng xuất bán nội địa toàn tập đoàn bình quân 1 ngày của tháng 2 giảm 20% so với trước.

Mặt hàng gas cũng giảm, sản lượng chỉ bằng 76% so với cùng kỳ 2019; Nhiên liệu hàng không giảm 20%.

Tổng Công ty Cà phê Việt Nam: Tiêu thụ chậm, giá bán thấp hơn giá thành sản xuất từ 5-8 triệu đồng/tấn, giá xuất khẩu giảm còn 1.260 USD/tấn. Trong khi đó, giá thu nội địa cao hơn giá xuất khẩu mà hiện Tổng công ty phải mua từ các đơn vị thành viên 27-30 nghìn tấn mỗi năm. Điều này gây khó khăn cho hoạt động của tổng công ty, nhất là đầu mối xuất khẩu chính tại văn phòng công ty mẹ.

Tổng công ty Lâm nghiệp Việt Nam: Một số khách hàng Trung Quốc tạm dừng nhập khẩu dăm gỗ làm giá xuất khẩu dăm gỗ trên thị trường giảm. Một số đơn hàng nhập khẩu thông qua đối tác vận chuyển của Trung Quốc bị kéo dài và phát sinh chi phí, ảnh hưởng đến kế hoạch kinh doanh gỗ nguyên liệu nhập khẩu của Tổng công ty.

Tổng công ty Đường sắt Việt Nam: Hàng loạt đoàn tàu phải dừng chạy do vắng người do lo ngại lây lan dịch bệnh Covid-19; Đặc biệt ngày 4/2 ngành đường sắt chính thức dừng vận hành tuyến tàu liên vận quốc tế Việt Nam – Nam Ninh đã ảnh hưởng lớn tới doanh thu và lợi nhuận, khó đảm bảo hoàn thành kế hoạch được giao. Doanh thu vận tải hành khách dự kiến giảm 54,8 tỷ đồng (giảm 13,3% so với cùng kỳ).

Vận tải hàng hóa cũng dự kiến giảm 9,9 tỷ đồng doanh thu.

Các doanh nghiệp trong ngành GTVT chịu ảnh hưởng nặng nề do dịch Covid-19 hoành hành

Tổng công ty Hàng hải Việt Nam: Hầu hết đội tàu phải lùi dồn dẫn tới không có dòng tiền trả nợ và chi phí duy trì đội tàu. Hoạt động logistics của doanh nghiệp dịch vụ hàng hải với khách hàng Trung Quốc đang tạm dừng, đội xe chưa được xuất cảnh qua biên giới, hàng hóa vận chuyển bằng đường biển sang các cảng Trung Quốc cũng tạm dừng do các hãng tàu chủ động cắt tất cả các chuyến có lịch trình vào Trung Quốc, Đài Loan. Hoạt động tạm nhập tái xuất bị ảnh hưởng nghiêm trọng, đặc biệt chi phí lưu kho tăng cao.

Nếu dịch bệnh kéo dài tới hết tháng 3 hoặc sang quý II, Tổng công ty dự kiến doanh thu hợp nhất giảm 1.621 tỷ đồng và lợi nhuận hợp nhất giảm 534 tỷ đồng so với kế hoạch (10.315 tỷ đồng doanh thu và 938 tỷ đồng lợi nhuận).

Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam: Từ 8/1/-20/1 âm lịch, doanh thu thu phí các chuyến cao tốc giảm 14,1% so với cùng kỳ 2019, đặc biệt tuyến Nội Bài – Lào Cai sụt giảm 28%, tuyến Cầu Giẽ – Ninh Bình giảm 14,3%, tuyến HCM – Long Thành – Dầu Giây giảm 5,8% so với cùng kỳ. Doanh thu phí tháng 2/2020 giảm 50 tỷ đồng so với kế hoạch.

Từ những ảnh hưởng trên, Tổng công ty Hàng không Việt Nam đã điều chỉnh thu hẹp quy mô sản xuất, tận thu, cắt giảm chi phí, đảm bảo nguồn tiền cho sản xuất kinh doanh; Tập đoàn bưu chính viễn thông Việt Nam giảm quy mô, rút gọn tối đa thành phần tham dự các cuộc họp, hội nghị, hội thảo diễn ra trong năm 2020; Tổng công ty lâm nghiệp Việt Nam nghiên cứu đầu tư nhà máy chế biến tại chỗ, đa dạng hóa nguồn cung và tìm nguyên vật liệu thay thế, mở rộng tìm kiếm khách hàng…; Tổng Công ty đường sắt Việt Nam nâng cao chất lượng phục vụ, điều chỉnh giá vé từng chặng, điều chỉnh linh hoạt kế hoạch chạy tàu…

Tổng công ty Hàng hải Việt Nam cũng đề xuất Bộ Tài chính, Ngân hàng phát triển Việt Nam xóa dư nợ lãi tàu vay mua đóng mới, khoanh nợ gốc; Các ngân hàng thương mại giảm lãi suất, cơ cấu dứt điểm các khoản nợ và khoanh nợ gốc; Chính phủ yêu cầu bắt buộc các doanh nghiệp trong nước thay đổi tập quá mua CIF, bán FOB để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp vận tải biển trong nước tham gia vào vận chuyển hàng hóa nhập khẩu quốc gia; Miễn thuế thu nhập cho thuyền viên; không tăng giá tiền thuê đất hàng năm.

Trong khi đó, Tổng Công ty cà phê Việt Nam đề xuất được hỗ trợ lãi suất vay vốn tạm trữ từ 6-9 tháng; Tổng Công ty Đường sắt đề nghị được miễn giảm 8% doanh thu vận tải, Bộ GTVT và Bộ Tài chính phê duyệt và giao kế hoạch chạy tàu khách an sinh xã hội 2019-2020 tuyến Gia Lâm – Quán Triều, Hà Nội – Đồng Đăng, Yên Viên – Hạ Long năm 2019-2020 cho CTCP vận tải đường sắt Hà Nội…`


“Ủy ban yêu cầu các tập đoàn, tổng công ty chủ động phân tích, đánh giá, dự báo tác động của dịch bệnh đến việc thực hiện các chỉ tiêu sản xuất kinh doanh; Sẵn sàng các kịch bản, kể cả tình huống xấu nhất, báo cáo kịp thời hàng tuần tới Ủy ban để kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc. Đồng thời, dự kiến thời điểm có thể kết thúc dịch, bắt tay ngay vào giai đoạn mới, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh.

Ủy ban cũng yêu cầu các đơn vị tiết kiệm chi phí để tối đa hóa lợi nhuận; Đẩy mạnh công tác tái cơ cấu tài chính; Tổng hợp thiệt hại dự kiến do dịch bệnh gây ra, lập phương án cơ cấu nợ, làm việc với các ngân hàng thương mại để tìm giải pháp hỗ trợ tài chính.”

Báo Giao thông