Bộ trưởng Giao thông Vận tải yêu cầu Cục Hàng hải đề xuất giải pháp, định hướng đầu tư cảng biển nhằm hạn chế nhỏ lẻ, manh mún và đảm bảo đồng bộ với hạ tầng kết nối.
Cảng Đà Nẵng
Nhấn mạnh lĩnh vực hàng hải phải chiếm lĩnh thị phần vận tải hàng hóa xuất nhập khẩu để tránh rơi vào các hãng tàu ngoại, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng yêu cầu Cục Hàng hải Việt Nam cần có những giải pháp để giải quyết vấn đề này vì đây là lợi ích quốc gia.
Cần chiếm lĩnh thị phần vận tải xuất nhập khẩu
Phát biểu tại Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2023 của Cục Hàng hải Việt Nam vào chiều 12/7, theo Bộ trưởng Thắng, lĩnh vực hàng hải vẫn còn nhiều vấn đề cần khắc phục như thể chế, cơ chế phát triển ngành chưa theo kịp với thực tiễn. Ngoài ra, quy mô, năng lực thị phần vận tải của đội tàu Việt Nam còn nhỏ lẻ; đầu tư kết cấu hạ tầng cảng biển còn manh mún; hạ tầng giao thông kết nối đến cảng biển chưa đồng bộ; đội ngũ nhân lực hàng hải vừa thiếu vừa yếu…
Từ đó, ông Thắng yêu cầu thời gian tới cần tập trung nâng cao thị phần vận tải hàng hóa, nhất là vận tải hàng hóa quốc tế bởi hiện nay 90% hàng hóa xuất, nhập khẩu phụ thuộc vào các hãng tàu ngoại.
Trên cơ sở này, Bộ trưởng Thắng đề nghị lĩnh vực hàng hải cần phấn đấu thời gian tới là phát triển cảng biển, đội tàu đẳng cấp quốc tế và chất lượng dịch vụ quốc tế cùng giá cả cạnh tranh.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng chỉ đạo tại Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2023 của Cục Hàng hải Việt Nam
Trong xây dựng và triển khai các quy hoạch ngành hàng hải, người đứng đầu ngành Giao thông Vận tải yêu cầu hoàn thiện điều chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam để phù hợp với quy hoạch tổng thể quốc gia cũng như hoàn thiện các quy hoạch có tính chất kỹ thuật chuyên ngành hàng hải trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Trong đó, Cục Hàng hải đề xuất giải pháp, định hướng đầu tư cảng biển nhằm hạn chế nhỏ lẻ, manh mún và đảm bảo đồng bộ với hạ tầng kết nối.
Liên quan đến việc đầu tư, bảo trì kết cấu hạ tầng hàng hải, ông Thắng chỉ đạo các cơ quan đơn vị phải đảm bảo đúng tiến độ hoàn thành các công trình và giải ngân đầu tư công theo kế hoạch đã đề ra; xây dựng kế hoạch trình cấp có thẩm quyền bố trí nguồn vốn trung hạn 2026-2030 để đầu tư hạ tầng giao thông kết nối, tập trung vào các dự án luồng, đường giao thông kết nối đến các khu vực cảng biển lớn như Lạch Huyện, Nghi Sơn, Liên Chiểu, Quy Nhơn, Cái Mép-Thị Vải…
“Lĩnh vực hàng hải cắt giảm thủ tục hành chính để tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp đồng thời đẩy mạnh thanh kiểm tra, phòng chống tham nhũng và rà soát, đề xuất xây dựng, ban hành kịp thời những quy định, cơ chế kiểm soát phí, lệ phí, giá dịch vụ cảng biển, hoa tiêu, lai dắt để tạo môi trường kinh tế hàng hải cạnh tranh, minh bạch và hiệu quả,” Bộ trưởng Thắng nói.
Vận tải biển và giá cước giảm mạnh
Trước đó, phát biểu tại hội nghị, ông Hoàng Hồng Giang, Phó cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam cho biết trong những năm qua, ngành vận tải biển toàn cầu nói chung và Việt Nam nói riêng tiếp tục đối mặt với một số khó khăn, thách thức. Trong năm 2023, do suy thoái kinh tế, giá nhiên liệu và lạm phát tăng cao, nhu cầu vận tải biển giảm mạnh ở nhiều thị trường tiêu thụ lớn, một phần do sức mua giảm sút vì lạm phát và kinh tế phục hồi chậm, thêm vào đó giá cước vận tải đang giảm mạnh, đội tàu vận tải được đóng mới và đưa vào khai thác nhiều.
Cụ thể, sáu tháng đầu năm 2023, tổng khối lượng hàng hóa thông qua cảng biển Việt Nam đạt 362,7 triệu tấn, giảm 2% so với cùng kỳ năm 2022. Lượt tàu biển thông qua cảng biển đạt 48.700 lượt, giảm 7% so với cùng kỳ năm trước.
Đánh giá chi phí logistics của Việt Nam năm 2022 chiếm khoảng 16,8% GDP, ông Giang thừa nhận mặc dù còn cao so với bình quân chung của thế giới đang khoảng 10,6%, nhưng cũng đã có những thay đổi tích cực trong thời gian qua và tiệm cận với các nước trong khu vực (năm 2018, chi phí logistics khoảng 21% GDP).
“Quy mô của ngành logistics Việt Nam hiện nay khoảng 60-70 tỷ USD/năm, trong đó hoạt động vận tải được xác định chiếm tới 60% (tương đương khoảng 35-40 tỷ USD/năm), do đó việc giảm chi phí vận tải, đặc biệt là lĩnh vực vận tải biển (chiếm 90% hàng hóa xuất nhập khẩu của nước ta) có vai trò rất quan trọng nhằm kéo giảm chi phí logistics nâng cao năng lực cạnh tranh hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam,” ông Giang nhấn mạnh.
Hoạt động xuất nhập khẩu tại cảng nội địa
Đối với lĩnh vực hàng hải, trong thời gian qua đã đạt được một số thành tựu đáng ghi nhận trong quản lý và khai thác cảng cửa ngõ quốc gia. Cụ thể, năm 2022, Ngân hàng Thế giới công bố chỉ số hiệu quả hoạt động container (CPPI), trong đó Cảng container quốc tế Cái Mép đứng thứ 12/348 cảng container trên thế giới.
Mặt khác, do kinh tế thế giới đang gặp nhiều khó khăn, sản lượng hàng hóa thông qua cảng và thu phí, lệ phí hàng hải cũng bị ảnh hưởng trong sáu tháng đầu năm.
Đưa ra con số đội tàu Việt Nam đứng thứ 3 trong ASEAN và thứ 27 trên thế giới, theo ông Giang, hiện nay, đội tàu biển Việt Nam giảm về số lượng so với năm 2022 nhưng tăng về tổng dung tích và tổng trọng tải (chủ yếu là tàu chở hàng rời và hàng tổng hợp với 686 tàu chiếm 69,57%, tuổi trung bình 16,7 năm; 178 tàu chở dầu, hóa chất, tuổi trung bình 17,9 năm; 20 tàu chở khí hóa lỏng, tuổi trung bình 23,7 năm; 44 tàu chở container, tuổi trung bình 18,4 năm…).
Bên cạnh những kết quả đạt được, lãnh đạo Cục Hàng hải cũng chỉ ra các doanh nghiệp trong lĩnh vực hàng hải vẫn còn gặp nhiều khó khăn với do ảnh hưởng chung của dịch bệnh COVID-19 và xung đột quốc tế; nguồn nhân lực cho lĩnh vực hàng hải còn mỏng, đặc biệt là thiếu hụt lực lượng thuyền viên; các tỉnh, thành phố chưa quy hoạch vị trí đổ chất nạo vét dẫn đến hàng năm phải mất nhiều thời gian để hoàn thiện các thủ tục; công tác quản lý giá dịch vụ hàng hải, quản lý tuyến vận tải của hàng tàu nước ngoài còn gặp nhiều khó khăn; các tàu tìm kiếm cứu nạn hàng hải còn thiếu và cũ…/.
Vietnamplus