Sáng 26/8, tại Hà Nội, Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp Nguyễn Hoàng Anh đã có buổi tiếp và làm việc với đoàn công tác của Tập đoàn Xây dựng giao thông Trung Quốc (CCCC) do ông Vương Hải Hoài – Tổng giám đốc dẫn đầu.
Tham dự buổi làm việc có đại diện lãnh đạo Vụ Công nghệ và Hạ tầng, Vụ Năng lượng, Văn phòng Ủy ban, đại diện Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (VIMC) và Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC).
Phát biểu tại buổi làm việc, ông Vương Hải Hoài – Tổng giám đốc Tập đoàn Xây dựng giao thông Trung Quốc (CCCC) cho biết: CCCC hoạt động trong lĩnh vực đầu tư, xây dựng và vận hành các dự án cơ sở hạ tầng giao thông, sản xuất thiết bị phục vụ dự án hạ tầng giao thông, bất động sản và phát triển đô thị. Bên cạnh đó, CCCC cũng cung cấp các dịch vụ, giải pháp hỗ trợ tài chính, tư vấn quy hoạch, thiết kế thi công xây dựng đến quản lý và vận hành. Với tổng số nhân lực hơn 150.000 nhân viên, Tập đoàn hiện hoạt động và triển khai nhiều dự án tại hơn 180 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.
Ông Vương Hải Hoài – Tổng giám đốc Tập đoàn Xây dựng giao thông Trung Quốc phát biểu tại buổi làm việc
Theo ông Vương Hải Hoài, CCCC bắt đầu hoạt động tại thị trường Việt Nam từ năm 1996; đến nay, đã thực hiện thành công hơn 20 dự án trong lĩnh vực hạ tầng giao thông (cầu, đường, cảng biển) và năng lượng (điện gió gần bờ) như Dự án cao tốc Hà Nội – Hải Phòng (đoạn EX-3); Dự án cầu Cao Lãnh (Đồng Tháp); Dự án xây dựng Cảng khu vực Cái Mép – Thị Vải (nhà thầu EPC Cảng quốc tế Sài Gòn, Cảng container quốc tế SP-SSA; quy hoạch khu vực cảng và thực hiện xây dựng bến cảng chuyên dụng, đê biển cho Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 1, 2; Duyên Hải 1; Vũng Áng 2 (đang thực hiện); Nhà máy điện gió gần bờ: Sóc Trăng I (30MW), Bạc Liêu III (141 MW, đang thực hiện), Viên An (Cà Mau) (50 MW), Đông Thành (Trà Vinh) giai đoạn I (80MW, đang thực hiện).
Tổng giám đốc CCCC bày tỏ mong muốn tìm hiểu thông tin và tìm kiếm cơ hội hợp tác đầu tư, tham gia sâu rộng hơn vào lĩnh vực xây dựng hạ tầng giao thông, hạ tầng giao thông đô thị và năng lượng tại Việt Nam. Trong đó, ông Vương Hải Hoài nhấn mạnh tìm kiếm cơ hội hợp tác với các Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước do Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp làm đại diện chủ sở hữu.
Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp Nguyễn Hoàng Anh thông tin phát biểu tại buổi làm việc
Hoan nghênh mong muốn hợp tác từ phía CCCC, phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp Nguyễn Hoàng Anh thông tin: Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp là cơ quan thuộc Chính phủ Việt Nam; được Chính phủ giao thực hiện quyền, trách nhiệm đại diện chủ sở hữu nhà nước đối với doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và phần vốn nhà nước đầu tư tại công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên theo quy định của pháp luật. 19 Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước do Ủy ban làm đại diện chủ sở hữu hiện đang hoạt động trên những lĩnh vực trọng điểm của đất nước như năng lượng, công nghiệp, nông nghiệp, viễn thông – công nghệ thông tin và hạ tầng… Trong lĩnh vực năng lượng, Ủy ban đang là đại diện chủ sở hữu nhà nước tại Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) và Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV). Trong lĩnh vực hạ tầng, Ủy ban đang là đại diện chủ sở hữu nhà nước tại Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (VIMC), Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC), Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV), Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) và Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR).
Theo Chủ tịch Nguyễn Hoàng Anh, mô hình hoạt động của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp có những nét tương đồng với Ủy ban Giám sát và Quản lý tài sản nhà nước thuộc Quốc vụ viện nước CHND Trung Hoa (SASAC). Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Trung Quốc của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vào tháng 10/2022, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và SASAC đã trao đổi và ký Bản ghi nhớ hợp tác giữa hai cơ quan. Đây là cơ sở, là nền móng quan trọng để hai cơ quan và các doanh nghiệp trực thuộc xây dựng và từng bước phát triển quan hệ giao lưu, hợp tác trên tất cả các lĩnh vực. Thời gian qua, hai cơ quan đã triển khai nhiều hoạt động hợp tác, thúc đẩy hoạt động quản lý vốn nhà nước, đào tạo cán bộ doanh nghiệp nhà nước.
Đánh giá cao quy mô và năng lực triển khai các dự án hạ tầng của CCCC, Chủ tịch Nguyễn Hoàng Anh nhận định: Buổi tiếp xúc và làm việc giữa Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và Tập đoàn CCCC của Trung Quốc là kết quả từ những chuyến thăm cấp nhà nước giữa Việt Nam và Trung Quốc trong thời gian qua. Tiêu biểu là chuyến thăm chính thức tới Việt Nam vào tháng 12/2023 của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình và gần đây nhất là chuyến thăm chính thức tới Trung Quốc của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Việt Nam Tô Lâm từ ngày 18-20/8 vừa qua. Trong chuyến thăm của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm, tại các cuộc trao đổi, hai bên đã đạt nhận thức chung rộng rãi về việc tăng cường hơn nữa quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam – Trung Quốc theo định hướng “6 hơn”, trọng tâm là cụ thể hóa các nhận thức chung và thỏa thuận giữa hai bên. Bám sát tinh thần của Tuyên bố chung và các nhận thức chung của cấp cao đạt được, thời gian tới, một trong những nội dung quan trọng mà hai bên sẽ tập trung thúc đẩy hợp tác là khuyến khích và ủng hộ các doanh nghiệp có thực lực, uy tín và công nghệ tiên tiến sang đầu tư tại nước kia, trọng điểm tăng cường hợp tác trên các lĩnh vực nông nghiệp, kết cấu hạ tầng; mở rộng hợp tác trên các lĩnh vực mới như: Kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, phát triển xanh, năng lượng sạch, năng lượng tái tạo. “Đây là nền tảng vững chắc để doanh nghiệp Việt Nam và Trung Quốc có cơ hội hợp tác, cùng phát triển và góp phần xây dựng và đóng góp vào những thành công chung trong quan hệ hai nước trong thời gian tới” – Chủ tịch Nguyễn Hoàng Anh nhấn mạnh.
Theo Chủ tịch Nguyễn Hoàng Anh, trong những năm qua, các Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước của Việt Nam và Trung Quốc đã có những trao đổi, hợp tác trong nhiều lĩnh vực. Bên cạnh đó, Chủ tịch Nguyễn Hoàng Anh cũng cho biết: Chính phủ Việt Nam đã ban hành Chương trình hành động phát triển kết cấu hạ tầng thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn tới năm 2050 (Quy hoạch điện VIII). Theo đó, Việt Nam khuyến khích các tập đoàn có năng lực về tài chính, công nghệ và trình độ quản lý cao tham gia đấu thầu các dự án hạ tầng trọng điểm và các dự án năng lượng.
Các đại biểu tham dự buổi làm việc chụp hình lưu niệm
Chủ tịch Nguyễn Hoàng Anh ủng hộ Tập đoàn CCCC tổ chức những buổi tiếp xúc và làm việc với các doanh nghiệp do Ủy ban làm đại diện chủ sở hữu hoạt động trong lĩnh vực hạ tầng giao thông và năng lượng. Nhận định CCCC không chỉ là nhà thầu lớn, mà còn là nhà đầu tư chiến lược tại Việt Nam, Chủ tịch Nguyễn Hoàng Anh bày tỏ mong muốn Tập đoàn sẽ chia sẻ kinh nghiệm, đào tạo nhân lực, chuyển giao công nghệ để Việt Nam phát triển và quản lý hệ thống kết cấu hạ tầng hiệu quả, bền vững, góp phần cụ thể hóa chủ trương hợp tác, kết nối phát triển hạ tầng mà lãnh đạo cấp cao hai nước Việt Nam – Trung Quốc đã thống nhất.
CMSC